Một góc đời thường

 

 

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn Gia trang tháng 9-2010

 

Thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy tại San Francisco trưa 16-9-2010. Chiếc xe Nissan của thầy cô sơn màu cam nổi bật, mà thầy cô giải thích là do nhiều tuổi, đi xe màu này cho người ta dễ tránh mình và mình dễ tìm thấy nó trong bãi đậu xe. Theo lời cô, ở Elk Grove chỉ có khoảng 3 chiếc xe màu này. Thầy giải thích thêm, sở dĩ mình chọn kiểu xe này vì nó khỏe và rộng rãi, lại có giàn xe cao nên an toàn hơn.

 

Sau khi giải phẫu thương tổn ở đốt sống cổ (do tai nạn ôtô cách đây 20 năm), cô Bích Thủy không thể quay đầu ngó phía sau. Vì thế cô được cấp tấm biển đặc biệt dành cho người handicap (khuyết tật). Với tấm "bùa hộ mạng" này ở xứ sở nổi tiếng về sự chăm lo cho người khuyết tật, cô có được nhiều quyền ưu tiên, như có thể đậu xe thoải mái.

 

Thầy Trang đổ xăng ở cây xăng Shell gần nhà. Đây là cây xăng mà thầy cô nói là có giá rẻ nhất vùng. Ở Mỹ, các hãng xăng cạnh tranh nhau nên giá khá tốt. Khi đổ xăng, khách hoặc cà thẻ mua trước hay vào trong quầy đóng tiền rồi ra tự bơm xăng vào xe, số lượng xăng đã được ấn định sẵn từ trong quầy theo mức mua của khách. Mỹ xài các loại xăng 87, 89 và 91.

 

Hệ thống đường sá ở Mỹ rất hoành tráng, nhưng nhiêu khê và rắc rối. Trên đường có những lane mà khi muốn đi tới điểm đến nào, người ta phải chọn đúng lane. Vì thế, thầy cô phải nhờ sự trợ giúp của máy chỉ đường GPS kết nối qua vệ tinh kết hợp với bản đồ khu vực. Thông thường là khi muốn đi đâu ra khỏi khu vực, thầy cô phải vẽ sẵn lộ trình trên bản đồ và ghi ra một tờ giấy note. Sau đó, thầy cầm lái, còn cô là "hoa tiêu" chỉ lối. Cô thú nhận: hai ông bà nhiều tuổi rồi, chuyện lạc đường là... bình thường. Nhưng "vô tư" đi, hễ bị lạc thì đi lại thôi.

 

Thầy lái xe, cô chỉ lối phất phơ
Ba thầy trò suốt 4 ngày rong ruổi (*)

 

Thầy Trang bên tay lái. Qua 4 ngày kiểm chứng thực tế, Kiến Đen tự hào tặng thầy danh hiệu "tay lái lụa THKT".

 

Elk Grove có nghĩa là khu rừng nai sừng tấm. Thầy Trang đứng trước tượng một con nai Elk bằng đồng, biểu tượng của thành phố.

 

Đây là ngân hàng thương mại của thành phố Elk Grove. Cô bảo thầy rất khoái chụp ảnh. Mà thiệt là thầy chụp ảnh trông rất đẹp và ăn ảnh. Còn cô thì ra một yêu cầu nghiệt ngã: "Chỉ được chụp ảnh cô khi cô... đẹp". Hễ cô chụp ảnh cho ai hay đứng làm đạo diễn cho ai chụp ảnh, cô luôn có 2 khẩu lệnh: "Đứng thẳng người lên!" và "Cười lên!".

 

Ở Mỹ, hầu hết giao dịch phải thông qua ngân hàng. Khi nói "đi ngân hàng" có khi là tới một chiếc máy giao dịch tự động, như máy ATM ở Việt Nam. Ở đó, người ta có thể thực hiện các giao dịch giống như tới ngân hàng, kể cả nạp tiền mặt vào tài khoản.

 

Cô Thủy đang mua bánh cuốn tại tiệm Bánh cuốn Tây Hồ ở một khu chợ người Việt. Cô giới thiệu ở đây đặc biệt có món bánh cuốn nhân tôm cháy rất ngon. 40 USD đủ cho 5 người ăn. (Híc, với 800.000 đồng đó, ở Việt Nam đủ mua bánh cuốn cho... cả làng!).

 

Ở đây, người ta mua gạo được nhập từ Thái Lan, nhưng trên bao bì có in chữ... Việt. Không hiểu nguyên cớ gì mà nhiều người không ăn gạo Việt, chỉ chuộng gạo có... bao bì Thái Lan in chữ... Việt. Nhà thầy cô thì chỉ ăn loại gạo lức.

 

Thầy cô đi mua hàng ở siêu thị cách nhà khoảng 15 phút xe. Phía sau đằng xa xa là tiệm phở Hòa. Thầy bảo rằng Elk Grove rất nhỏ, chỗ nào cũng chỉ cách nhau 10-15 phút xe.

 

Bên trong siêu thị. Thầy Trang chơi nổi, cô chỉ ghé mua một ổ bánh mì baguette mà thầy đẩy cả một chiếc xe hoành tráng!

 

Tiệm CyBelle's Pizza ở San Francisco. Đây là tiệm pizza thầy cô thường ghé ăn khi mới sang Mỹ. Xéo bên đường là nhà trẻ mà thầy cô gửi em Duẫn để đi làm. Hơn ba chục năm đã trôi qua nhưng tiệm Pizza và khu nhà trẻ vẫn còn hoạt động ở chốn cũ.

Hồi mới qua Mỹ, thầy có thời gian làm... thợ "vịn" tại một xưởng đóng bàn ghế. Công việc thợ mộc này cũng không quá nặng nhọc đối với bàn tay và sức vóc của một thầy giáo Việt văn, vì người ta chỉ dám cho thầy đứng đẩy cây vào máy cưa mà thôi. Nhưng vốn là người yêu và có tài lẻ về hội họa và điêu khắc, thầy khoái công việc ở đây vì ông chủ có biệt tài thiết kế và đóng các bộ bàn ghế rất mỹ thuật (và dĩ nhiên là rất đắt tiền). Thầy nói nếu không vì lúc đó nơi làm quá xa chỗ ở thì có lẽ thầy đã đi theo nghề này. Sau đó, thầy chuyển sang làm ở ngân hàng Bank of America ở San Francisco. Hồi đó, thật ra thầy cũng chỉ được giao làm công việc đơn giản của một bank clerk (thư ký), kiểm tra và giúp khách hàng viết phiếu. Thầy cô là một người chung thủy, cho tới nay vẫn sử dụng các dịch vụ, gồm cả thẻ credit card của ngân hàng này.

 

Quán Pizza nhớ tháng ngày lăn lóc
Thầy Việt văn làm thợ mộc xứ người (*)

 

Sau khi order món pizza, khách phải đợi chừng 20-30 phút cho đầu bếp làm bánh. Có thể ngồi trên hai chiếc ghế trước tiệm để ngắm ông đi qua bà đi lại hay đi loanh quanh lát trở lại nhận bánh.

 

Bên trong tiệm CyBelle's Pizza với món pizza làm ngay tại chỗ. Tiệm chỉ có hai ghế ngồi. Ở Mỹ, vào tiệm ăn uống thì hầu như phải tự phục vụ thôi, nhưng sau đó vẫn phải nhớ tự giác trả đầy đủ khoản tiền tip (bên Việt Nam gọi là tiền "bo"). Ở Mỹ quy định tiền tip khoảng 5-10% trị giá menu.

 

 

KIẾN ĐEN chụp hình và chú thích.

(9-2010)

 

(*) Thơ Phạm Hồng Phước, 40 năm và 4 ngày.

 

 

TRANG   1   |   2   |   3   |   4

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage