hồi ức về nhau

 

                                                     

 

 

 

 

 

Con đường dẫn đến ngày 26 tháng 6 năm 2010

 

 

Tôi đã thấy một thế giới khác

 

Chúng ta, từ vị trí của mỗi cá nhân, ai cũng có một khởi điểm để đi tới Trung học Kiến Tường (THKT). Khởi điểm của tôi là năm 1966, tôi được Bộ Giáo dục phái về THKT, tỉnh Mộc Hóa. Mặc dù khi ấy đã 21 tuổi, nhưng tôi rất khờ khạo, vì tôi chưa bao giờ ra khỏi nhà. Mộc Hóa không xa Sài Gòn cho lắm, nhưng đến được nơi đó tôi phải mất một thời gian rất dài. Trước hết tìm ra bến xe đi Mộc Hóa đã là một kỳ công. Các bác đạp xích lô không ai nghe thấy tên Mộc Hóa bao giờ. Sau khi tìm ra bến xe, tôi lại khám phá ra xe đò chỉ chạy đến cai Lậy. Từ Cai Lậy phải dùng xuồng (dân địa phương gọi là tắc ráng) đi vào Mộc Hóa. Năm ấy cả vùng Đồng Tháp đang bị lụt. Khi tắc ráng ra khỏi Cai Lậy, tứ bề bỗng mở ra, nước tràn ngập mênh mông như biển hồ. Tôi lạnh người nhận ra xuồng của mình đang lướt đi trên một cánh đồng lúa. Những ngọn lúa chín vàng nghiêng ngả theo làn sóng ở dưới nước sâu. Tôi sững sờ nghĩ thầm, vậy là chết đói đến nơi rồi. Nước trong vắt nhìn thấu đất. Sau này tôi mới biết đây là vùng đất có phèn nên nước trong như lọc. Thỉnh thoảng xuồng đi qua một bụi tràm, tôi hãi hùng thấy có rắn và trăn đeo lủng lẳng trên cành. Xa xa có con trâu lạc bơi trong nước. Cảnh vật thật xa lạ và bi thảm đối với tôi.

 

Ảnh chụp trước cổng trường Trung học Kiến Tường ngày 6-6-1967. Từ trái: bạn Em, thầy Nguyễn Xuân Kỳ, bạn Sự (đứng phía sau), thầy Đỗ Ngọc Trang, các bạn Thắng (đứng sau), Thành, Răng, Quân, và Luận. (Ảnh do thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy cung cấp ngày 30-3-2010)

 

 

Cuối đường tôi cũng tới Kiến Tường. Tôi vẫn phải dùng xuồng đi vào nhiệm sở. Qua chiếc cổng trường đơn sơ, tôi thấy ba dãy nhà bao quanh một chiếc sân lớn. Đó là sân trường, nhưng nay chỉ là một hồ nước hoang sơ. Tôi ra mắt ông hiệu trưởng và các bậc giáo chức tiền bối của tôi. Tôi thấy người nào cũng vĩ đại. Về đoạn này thầy Tính đã kể rồi nên tôi không nhắc lại nữa. Thế là tôi được nhập đoàn với ban giáo chức. Tôi và một số thầy tạm trú trong trường. Chúng tôi kê bàn ghế lên cao tự làm chỗ ngủ cho mình. Tôi đã không ngủ được trong những đêm đầu tiên ấy.

 

Một thời gian sau, văn phòng tỉnh trưởng phái chúng tôi đến quận Kiến Bình cứu trợ dân lụt. Chúng tôi ở trọ trên một căn gác nhỏ. Tầng dưới của căn gác đang chìm trong nước. Hình như chúng tôi đã ở đó một tuần. Thức ăn chính của chúng tôi từ sáng đến tối chỉ có vịt, ngày nào cũng vậy. Vịt ở đây nhiều vô kể, có lẽ ăn hoài không hết. Cũng tại đây tôi đã tưởng mình sắp chết khi khám phá ra một con đỉa nằm giữa kẽ hai ngón chân từ hồi nào. Nhắc lại ở đây có lẽ các bạn sẽ phì cười. Tôi không nghĩ ai trong trường hợp của tôi lúc ấy lại có thể cười được.  

 

Tôi đã được tái sinh

 

Tôi không nhớ khoảng bao lâu sau đó, Thủy Tinh dẫn nước và những thủy quái của ông rút lui. Rồi cuối cùng, việc gì đến cũng phải đến. Buổi sáng hôm ấy tôi hồi hộp mặc quần áo chỉnh tề, tay ôm tập sách bước vào lớp học. Trong giây phút đầu tiên đứng trên bục giảng bài, cả tôi lẫn các em nhỏ đều trố mắt im lặng nhìn nhau. Thời gian ngưng đọng. Tất cả mọi thứ đều mới như trong ngày thứ nhất trong đời. Ánh nắng, sách vở, bút mực, quần áo, không gian và thời gian, tất cả cô đọng lại để chờ đợi một lời chào khai mạc. Lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng nói của chính mình vang lên. Lần đầu tiên tôi thấy những ánh mắt là những cửa sổ linh hồn, như trong văn thơ người ta vẫn nói. Lần đầu tiên tim tôi biết thổn thức yêu thương.

 

Tôi tin là Thượng Đế, trong tình yêu của Người, đã bắt đầu sự nghiệp của tôi từ một lớp đệ thất, gồm những em nhỏ mới lên trung học. Đã quá lâu, tôi không nhớ đó là lớp nào. Xin cám ơn các em, những người có tâm hồn rất gần với thiên tính.

 

Trong thời gian đầu sống với THKT, có lẽ vì tôi chưa thực sự là người lớn, nên tôi không đóng được vai trò ông thầy. Tình của tôi đối với các em học trò rất gần với tình bằng hữu. Chúng tôi nói chuyện với nhau ngang hàng và tự nhiên. Câu truyện của tôi và em Lâm Phước Thành là một thí dụ điển hình. Truyện này tôi đã có dịp kể rồi nên không nhắc lại ở đây. Nhờ sự gần gũi này, chỉ sau một niên học, những tư tưởng triết lý hiện sinh không còn ám ảnh tôi nữa. Những kiến thức vô định hướng đó không phải là vô ích. Chính nhờ chúng mà tôi nhận ra cái sai lầm và sự sống chân thật trong dạng đơn sơ nhất. Chính các em học sinh đã gọt dũa tôi. Tuy nhiên, các em học trò cũ thân yêu cũng đã gọt dũa tôi hơi mạnh. Có một lần trong giờ dạy về thơ Đường luật, tôi viết lên bảng một bài thơ chữ Hán. Viết xong, quay mình nhìn xuống lớp, tôi thấy các em ngó lơ. Tôi chợt hiểu mình đã đi quá xa. Tôi cụt hứng và từ đó tôi không còn đụng tới chữ Hán nữa.

 

Đi chơi trên sông Vàm Cỏ Tây (khúc sông này gần nhà bạn Bửu). Từ trái qua phải: thầy Nguyễn Xuân Kỳ, bạn Sử, thầy Đỗ Ngọc Trang, bạn Em, bạn Chiến, bạn Thành. Ảnh chụp ở Kiến Tường 1967. (Ảnh do thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy cung cấp ngày 30-3-2010)

 

 

Chung một sân trường

 

Tỉnh Mộc Hóa là cửa ngõ đi vào nước Cambodia, nên tỉnh trở thành cứ điểm quân sự quan trọng. Cách trường không tới một cây số là một trại lính Mỹ với một phi trường lớn. Nhưng chẳng cần sự có mặt của họ, tiếng súng hằng đêm vẫn nhắc chúng tôi về thời loạn.

 

Tuy nhiên THKT hiện hữu như một ốc đảo thanh bình. Qua khỏi cổng trường, như một phép lạ, có một sân trường cỏ xanh với những tà áo trắng hồn nhiên tung tăng khắp nơi. Ba dãy phòng bao quanh như những cách tay ôm ấp che chở chiếc sân trường. Các em học trò và tôi đã chôn giấu những kho tàng dưới lá cỏ trong mảnh sân ấy. Tâm hồn chúng tôi đã trưởng thành trong chiếc nôi đó. Tôi tin rằng, cũng như tôi, các em học trò đã bỏ lại ngoài cổng trường tất cả những vấn nạn rắc rối của cuộc đời. Trong sân trường chỉ có những tiếng cười, những bước đi sánh đôi, và những tâm tình không thể tìm được ở những nơi khác.

 

Có em đến xin trở thành đệ tử của tôi. Tôi biết trong trí của em tôi là một sư phụ theo bóng dáng một vị đại ca giang hồ nào đó. Có em sáng tác một bản nhạc và muốn tôi đặt lời ca. Có em đến tận nhà để thăm tôi vào dịp hè. Phải chăng các em cũng không thấy tôi là một thầy giáo của chữ nghĩa và giới hạn trong bốn vách của phòng học. Trong trí tưởng tượng của các em, tôi là một mẫu người nào đó mà các em muốn tìm. Tôi trân trọng bảo vệ những tâm tư thầm kín của các em vì đó là những tình cảm chân thật nhất của tình người. Chúng tôi đã chia sẻ và nâng đỡ nhau với những gì đẹp nhất của năng lực sống. Nó bắt đầu bằng nụ cười, bằng ánh mắt nội tâm, và dấu ấn của sự trưởng thành. Vẻ đẹp của nó tuyệt diệu đến mức không thể lặp lại lần thứ hai trong lịch sử của đời mình. Sau này tôi có dạy học ở nhiều trường sở khác, nhưng tôi hoàn toàn chỉ là một ông thầy truyền bá trí thức mà thôi.

 

Có một thời nối tiếp

 

Tôi thích khóm từ “Once upon a time in Trung học Kiến Tường”. Câu này không gợi ra một ảo ảnh dĩ vãng, nhưng hiện tại hóa nét vàng son của dĩ vãng. Nhờ vậy tôi không phải quay đầu nhìn lại quá khứ nhưng vẫn thấy sự nối tiếp của nó ở trước mặt. Tôi gọi nhận thức này là cảm nhận Janus. Quá khứ hiển hiện cụ thể qua cuộc tìm kiếm thầy xưa và trò cũ. Thầy xưa bạn cũ sẽ cùng trở về thăm sân trường cũ, để tìm lại kho tàng ngày nào mình giấu trong đó. Đó là ngày “Trở lại mái trường xưa”, thứ Bảy 26 tháng 6 năm 2010. Tôi và những người ở xa, nhờ hệ thống thông tin qua website THKT, đều coi như gián tiếp có mặt trong buổi đại hội này.

 

Tính tôi lãng mãn, tôi thường nghĩ rằng, chúng ta như lén ra khỏi đinh mệnh để dạo chơi một vòng rồi trở về kể cho nhau nghe những cuộc viễn du kỳ thú đã qua. Rồi “như mơ” (chữ của thầy Cao Thành Phát), ai cũng “xưa trẻ nay già” (chữ của Phạm Hồng Phước). Chúng ta sẽ thích thú nhìn lại nhau, để tìm cái nét mặt mình vẫn còn lưu trữ trong ký ức. Từ đó chúng ta mới trân trọng những gì đã xảy ra trong đời mình. Giữa chúng ta có một khoảng thời gian gián đoạn, nhưng chúng ta lại “chưa hề chia tay” (lời của thầy Võ Xuân Sơn).

 

Cũng như tôi, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một điểm khởi hành, để rồi có vài niên học sống với nhau, rồi có vài giờ để chia tay. Sau đó có cả một đời để nhớ. Đó là điểm đến của chúng ta.

 

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, CA, Mỹ, 14-6-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage