Tạp ghi, Bút
ký và Truyện ngắn
Thưa, có vài bạn gửi thư
thắc mắc Tạp ghi, Bút ký và Truyện ngắn na ná giống nhau, sao phân
biệt?

Xin được trả lời một cách
đại khái:
Truyện ngắn là kể về một
câu chuyện nhưng có gút rồi phải có mở, và nhịp câu chuyện phải liên
tục hợp lý. (Như nhà văn lão thành Võ Hồng có nhiều lần viết truyện
ngắn, ông gút nhưng mở không được, ông bỏ đó, chờ đợi đến khi nào
trong đầu ông lóe lên những câu chữ hay những chi tiết hợp lý…)
Bây giờ, viết truyện ngắn,
câu chuyện phải gọn và thật bất ngờ.
Còn Tạp ghi là “viết bất
cứ chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy và chợt ngẫm ra…”
Còn Bút ký. Mượn lời của
nhà văn - nhà dịch thuật Nguyễn Hiến Lê:
“Bút ký là tùy hứng mà
phóng bút - là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy.
Bất kỳ một cảnh vật nào,
một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài của một
thiên tùy bút. Nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, nó
tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là tùy hứng suy đoán
chứ không dụng ý biện luận.
Nó tuy vậy mà không phải
dễ viết. Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì
người ta vẫn gọi là tiểu thuyết. Thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ –
thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để
gọi, vì lẽ không ai thèm nhắc tới, biết tới.
Cho nên lựa thể tùy bút là
làm một công việc mạo hiểm, chỉ có thành công hay thất bại. Không
thể nhùng nhằng được…”
Như “Tùy bút Võ Phiến”
lừng lẫy trên văn đàn.
Như bài “Mối
tình đầu của tôi” trên THKT của thầy Ngô Bảo Toàn là một Tạp ghi
viết cho Blog rất hay, rất duyên dáng, khiến người đọc nhớ mãi…
Không nhiều người viết được như vậy.
“Trang Văn nghệ” hay cõi
Văn chương là một sân chơi, ai cũng có thể vào đó vừa viết, vừa học
rất lý thú.
Riêng tôi muốn nói thêm,
như đã có lần nói với Kiến Đen… Khi bước vào ngôi nhà THKT
- nguyễnthị vânhồng lúc nào cũng là đứa học trò cà ngơ cà ngất của
thầy, cô – là bạn bè với đồng môn của mình, chứ không là “nhà” gì
cả.
Thân tình.
nguyễnthị vânhồng
(Hầm Nắng, Michigan 30-8-2010)
|