Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Gởi Thầy Bùi Trung Tính

 

Mộc Hóa, ngày 19 tháng 5-2010.

Thầy kính,

 

 

Cách đây gần 1 tháng, một buổi sáng em chợt nghe chuông điện thoại reo, nhấc máy lên, em nhận ra bên kia đầu dây là tiếng của Tuyết Huỳnh reo vui như sáo: “Ê Nguyên! Tối nay về mở trang Web THKT đi, ôngTính viết nhiều lắm, viết hay và vui nữa. Mày nhớ xem nhe, rồi điện thoại về cho Lan nữa nhé…”

 

Thưa thật với Thầy, khi gác máy xuống, em cảm thấy ghét nó quá. Lòng nghĩ rằng: người ta đã vậy rồi mà vẫn quan tâm đến viêc làm của ổng chi cho mệt, lại còn mừng vui nữa chứ, con nhỏ này kể ra lạ thiệt.

 

Nghĩ là vậy nhưng kể từ hôm đó, mỗi đêm em đều vào THKT, và em đã từ từ đọc hết từng bài của thầy. Nhưng chưa bao giờ em thấy xúc động thật nhiều như khi đọc bài viết mới nhất của thầy vào ngày 17 tháng 5. Em đã độc đi  đọc lại nhiều lần.

 

Thầy ơi! Thầy ơi!! Em có đọc nhầm tên tác giả không? Và những điều tự bạch của thầy làm lòng em bùi ngùi. Em cảm thấy cần phải viết thơ này gởi đến thầy càng nhanh càng tốt.

 

Thầy ơi! Tuyết Huỳnh là người bạn mộc mạc hiền lành mà cả gia đình em đều  thương mến. Sau này hai đứa có cùng hoàn cảnh nên càng hiểu và thương nhau hơn. Mỗi lần về Mộc Hóa thì thời gian ở ngoài nhà em còn nhiều hơn thời gian ở với Đào (là em ruột Tuyết) vì con, cháu của em rất thương Tuyết, phải đi rước dì Hai cho bằng được, dì Hai giỏi nấu ăn, nấu những món ăn để đời mà mẹ chúng chưa bao giờ bắt chước thành công. Vui vây đó nhưng cũng không biết bao nhiêu lần hỏi thăm về Thầy là đôi mắt đẹp kia chợt chùng xuống, sâu thẳm như đang nhớ về một thời hạnh phúc đã bay xa.

 

Xin lỗi Thầy, mỗi lần như thế em đều khuyên: “Hơi sức đâu mà buồn, đừng thèm bận tâm nữa. Cho dù sau già rồi ổng có trở về, thì cứ để cho ổng tự do vào Nursing home cho biết thân”. Những khi đó Tuyết cũng ậm ừ đồng ý với em như thế, nhưng em hiểu lòng nó thì khác!

Thầy đừng buồn em nghe, thật ra vì thương bạn mà em nói như vậy thôi. Chứ em cũng không dám hỗn với Thầy như thế đâu..

 

Và ngày hôm nay, nếu bài viết ngày 17 tháng 5 này của thầy mà Tuyết Huỳnh đọc được, thì em chắc chắn rằng con nhỏ hiền lành đôn hậu từ thuở đi học sẽ khóc nhiều cho coi. Em rất hiểu vì em hay cười nó bằng bài hát “giận thì giận, mà thương càng thương…” Là người trong cuộc, chắc thầy hiểu Tuyết nhiêu hơn em nữa phải không?

 

Trước tin vui này hầu như cả Gia đình THKT đều cảm động. Thầy Tính của chúng ta sau một thời gian dài trải nghiệm, trăn trở với nhiều thử thách… Thầy đã đi đến quyết định cuối cùng trở về với mái nhà xưa, với Huỳnh Thị Tuyết của Gia đình THKT.

 

Riêng nhóm bạn chung lớp với Tuyết của chúng em còn ở Viêt Nam: Trần Thị Thanh Nguyên, Võ Lệ Thu, Lê Thị Ry, Đặng Thị Lệ Dung, Nguyễn Tấn Đầy, Trần Hữu Đức; và một số đang ở nước ngoài như Phạm Doanh Môn, Nguyễn Thị Thanh Xuân (chị Nguyễn Công Phong), Mai Tấn Lập… không thể nào diễn đạt hết nỗi vui mừng. Chung em chỉ biết chúc Thầy và Tuyết luôn mãi là một vòng tròn hạnh phúc. Một hạnh phúc ngọt ngào thấm đậm nghĩa tình. Với  hai cháu từ bây giờ trên môi đã có tiếng gọi: “Ba ơi!!...”, “Ngoại của chúng con”.

 

TRẦN THỊ THANH NGUYÊN

 

 

 

- Thầy Bùi Trung Tính (e-mail, 21-5-2010): Sáng nay bật Website THKT lúc 3g30 sáng, bài viết của Trần Thị Thanh Nguyên tự dưng đập vào mắt mình. Đọc mà cay xè cả mắt. "Dì" Thanh Nguyên cũng là một "tay dao" sắc bén trong làng "Gươm giáo THKT"! "Tay dao Kangaroo" Phạm Doanh Môn lại có thêm đồng minh cùng lớp Thanh Nguyên sát cánh... Sao thoát khỏi lưới THKT đây, nếu xử sự không khéo...
Dù sao cũng cám ơn bài viết hay, lưu loát của bà Phó L. (Ty Công chánh một thời). Nếu trò Kiến Đen lập Danh sách Top 10 "Mỹ nhân áo trắng sân trường" mà sót tên Thanh Nguyên sẽ là điều khiếm khuyết. Có lần trò Vân Hồng nhắc đến Thanh Nguyên như một giọng ca khiến "bé Hồng" mê mẩn với bài Bésamé Mucho. Trò Vân Hồng học dưới Thanh Nguyên 2 lớp. Riêng Tuyết Huỳnh "mộc mạc" (từ của Thanh Nguyên), nhút nhát nên mình chưa được nghe Tuyết Huỳnh hát dưới sân trường hay trong những buổi liên hoan lớp. Duy nhất mình được nghe Tuyết Huỳnh hát là trong một buổi văn nghệ tại gia của cô nàng, có điểm xuyết thêm chè cháo bánh ngọt, trà đá. Hôm đó có cả thầy Trọi, thầy Hòa. Các trò thì không thể thiếu Bích Đào, Phạm Thành Trung và Huỳnh Ngọc Phát, Trần Kim Anh vốn khít vách nhà Tuyết Huỳnh... Hình như mình cũng "mê mẩn" từ lúc đó...
Bài đọc thứ 2 là bài thơ Mình ơi, tác giả Vân Hồng. Hai tiếng "mình ơi" nghe sao thắm thiết quá "chú Trình" ơi! Từ "chú" trước tên anh Trình mà Vân Hồng đệm vào một số bài viết trên Văn đàn khiến mình chạnh nhớ tiếng "thầy" mà Tuyết Huỳnh cũng đã goi mình ngay từ lúc thành thân cho đến ngày mình có cháu ngoại... Bi giờ đổi cách gọi là "ông" rồi (ông là... ông ngoại đó mà)! Bài thơ Mình ơi có thể thích hợp cho mọi hoàn cảnh gia đình. Bài thơ giàu cảm xúc mà cũng không ít hàm ý của nhà văn Thụy Vy.

Thầy xin cám ơn 2 bài viết hay, đằm thắm, nao lòng, đậm đà tình nghĩa của hai học trò.

 

 

 

 

Kiến Đen:

Bây giờ cả thầy Trung Tính và cô Tuyết Huỳnh đều đã có cả Gia đình THKT đông cả trăm người đừng bên cạnh mình. Họ không còn lẻ loi trên đời này nữa. Và đồng thời Thầy Cô sẽ thấy mình có trách nhiệm vì cả Gia đình THKT. Không phải chỉ có mình Thầy Cô. Hầu hết thành viên Gia đình THKT trước Tết Canh Dần 2010 đều an phận thủ thường, chấp nhận một định mệnh an bài là kiếp này hết còn cơ hội sum họp cùng các đồng nghiệp, thầy cô, bạn học của một thời THKT. Mỗi người có thể sống như thể chỉ có một mình mình trên đời. Nhưng giờ đây, Gia đình THKT đã tìm lại được nhau, trở về với nhau dưới mái trường xưa THKT. Chúng ta lại có cơ hội vui vầy bên nhau, chia sẻ buồn vui, chăm sóc cho nhau trong phần còn lại của đời mình. Do hoàn cảnh khách quan, mỗi thành viên THKT đều có một số phận riêng trải dài suốt gần 40 năm bặt tin nhau. Và chính từ những trải nghiệm đó, giờ đây tái hợp lại, chúng ta càng thấy hiểu hơn, trân trọng hơn, yêu quý hơn cái tình thâm THKT.

Hôm rồi đọc bài Tản mạn ngày 17-5 của thầy Bùi Trung Tính, tôi không thể cầm lòng được khi nhìn thấy ảnh chụp chiếc giường đơn lẻ và chiếc bàn quạnh hiu của ông thầy mình. Và không chỉ có tôi, lát sau, thầy Lê Công Phúc từ Bình Dương cũng gọi điện về rên rỉ:  "Kiến Đen ơi, thầy không thể chịu nổi khi nhìn thấy hai hình ảnh đó. Chúng ta không thể để thầy Tính tiếp tục sống như vậy được."

 

 

 

 

Nguyễn Thị Vân Hồng (Michigan, Mỹ, e-mail 11-5-2010):

Có lẽ chúng ta nên làm một cái gì đó để Thầy Cô tái hợp, câu Thầy viết: "Cô và các con đang đợi Thầy" khiến mình thật cảm xúc, muốn chảy nước mắt. Chúng ta đều rõ, Thầy rất yêu Cô (không yêu sao chấp nhận ở lại VN). Chắc chắn là cô Tuyết còn yêu thương chồng của mình lắm nên chưa bước thêm bước nữa, và Thầy cũng còn yêu thương vợ của mình lắm, nên nhiều lúc mất thăng bằng gần như trượt dài vì buồn quá.

 

 

 

 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage