du lịch "quá giang"

 

 

 

 

 

 

Lang thang Taipei tháng 6-2011

 

 

Ngày thứ Ba 31-5-2011, cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 17g40, chiếc máy bay Airbus A333-200 mang số hiệu VN928 của hãng Vietnam Airlines sau 3 tiếng đồng hồ bay đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Taoyuan (Taipei) lúc 21g40 (giờ Taiwan sớm hơn giờ Việt Nam một tiếng). Từ đó, đi xe về trung tâm thành phố mất hơn 30 phút.

 

 

Kiến Đen trên đường phố Taipei. Đây là góc đường trước khách sạn Golden China mà gã lưu trú.

 

Taipei là thủ phủ của Đài Loan, nằm ở tận chóp phía bắc của đảo Đài Loan. Khu nội thành gọi là Taipei City có 2,6 triệu dân với diện tích 217 km vuông (104,9 mile vuông). Khu vực thành thị gồm nội thành Taipei, khu Taipei mới và khu Keelung gộp lại có số dân 6,9 triệu người. Có 12 quận, trung tâm hành chính nằm ớ quận Xinyi. Giờ quốc tế UTC+8 (sớm hơn Việt Nam một giờ).

 

Đài Loan (Taiwan) thời trước còn được gọi là Formosa (tiếng Bồ Đào Nha: Ilha Formosa, có nghĩa là "hòn đảo xinh đẹp"), nằm trong khu vực Đông Á ở phía Tây Thái Bình Dương. Nó ngăn cách với duyên hải đông nam của Trung Quốc đại lục bằng Eo biển Đài Loan (Taiwan Strait) rộng 160km (99 mile).

 

Tiền của Đài Loan gọi là Tân Đài tệ (New Taiwan Dollar, TWD hay $NT). Vào đầu tháng 6-2011, tỷ giá là 1 TWD ăn 725 VND và 1 USD ăn 29 TWD.

 

 

 

Ở Đài Loan, người ta lưu thông về bên phải đường như Việt Nam (khác Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan,... đi bên trái).

 

 

Ở Taipei, tất cả các xe taxi đều sơn màu vàng, bất kể thuộc hãng nào. Để lái một chiếc xe taxi nào đó, ngoài tài xế chính thì chỉ có vợ hay con của người đó mới được lái thay, nhưng đều phải đăng ký trước. Tuổi tối đa để lái taxi là 60 tuổi, nam nữ giống nhau.

 

 

Thành phố Taipei bây giờ có nhiều điểm cho thuê xe đạp, thường là nằm cạnh ga metro. Người ta đi metro tới ga, chui lên mặt đường, thuê xe đạp chạy loăng quăng trong khu vực đó, xong việc về trả xe, chun xuống ga metro trở về nhà. Gọn bâng. Tiện vô cùng.

 

 

Máy cho thuê xe đạp.

 

 

Taipei có hệ thống xe điện ngầm (metro) rất tiện lợi. Giá vé bao gồm các mức 20 - 25 - 30 -35 - 40 - 45 - 50 Tân Đài tệ (tức từ 14.500 VND tới 36.250 VND). Có các máy bán vé tự động, chấp nhận tiền mệnh giá từ 100 tệ trở xuống. Ta coi ga mình muốn tới trên bản đồ có giá cước bao nhiêu, nhấn lên nút có giá trị đúng số tiền ấy, chọn số lượng vé mua, nạp tiền vào khe. Trên màn hình sẽ xuất hiện số tiền được trừ dần cho tới khi ta nạp đủ. Nếu ta nạp tiền có mệnh giá cao hơn giá cước, nó sẽ thông báo số tiền thối lại. Sau đó các vé dưới dạng đồng xu bằng nhựa (gọi là token, có gắn chip IC trong đó) lần lượt rơi xuống khay nhỏ bên dưới cùng với tiền thừa. Ta dùng thẻ này áp lên màn hình sensor tại cổng vào bến tàu, thanh chắn sẽ thụt vào cho ta qua. Ta phải giữ lại thẻ này để nhét vào khe tại ga tới để cổng mở cho ta rời khỏi nhà ga. Người dân Taipei mua thẻ metro có hình dạng như credit card, nạp sẵn tiền, đi hết tiền lại nạp tiếp.

 

Vé metro ở Taipei.

 

 

Bên trong một tàu điện. Đây là giờ thấp điểm, ít người đi, chớ vào giờ cao điểm hay cuối tuần, toa nào cũng chật ních người.

 

 

Taipei Metro (tên đầy đủ là Taipei Rapid Transit System) bắt đầu hoạt động từ ngày 28-3-1996. Hiện nay có 10 tuyến (có 5 tuyến chính với các màu nâu, đỏ, xanh lá, xanh dương và cam) với 89 trạm, tổng chiều dài hoạt động 101,9km (63,2 mile). Ghi nhận hồi tháng 3-2011, mỗi ngày Taipei Metro vận chuyển hơn 1,5 triệu lượt hành khách. Metro hoạt động hàng ngày từ 6 giờ sáng tới nửa đêm. Cứ cách 1,5 phút tới 15 phút có một chuyến (tùy tuyến và tùy thời điểm trong ngày.

 

 

Sảnh bên trong tòa nhà văn phòng và cửa hàng Bvlgari.

 

 

 

Tòa tháp Taipei 101 cao 101 tầng (cộng thêm 5 tầng hầm). Tổng chiều cao tới chóp cột ăngten 509,2m (1.670,6ft); tới mái 449,2m (1.473,8ft); tới tầng cao nhất 439,2m (1.440,9ft). Xây từ năm 1999, khánh thành ngày 31-12-2004 với chi phí 58 tỷ Đài tệ (1,8 tỷ USD). Khi hoàn thành, Taipei 101 qua mặt tháp đôi Petronas Twin Towers (Malaysia, cao 452m) để trở thành tháp cao nhất thế giới, cho tới năm 2010 thì bị khách sạn Burj Khalifa ở Dubai (UEA) cao 828m qua mặt. Trước 2010, Taipei 101 cũng sở hữu thang máy nhanh nhất thế giới ((60,6km/h; 37,7mi/h), vọt nhanh tới ù cả tai. Bây giờ, nó cũng phải nhường danh hiệu này cho thang máy của khách sạn Burj Khalifa (vận tốc 64km/h).

 

 

Vào ban đêm, ánh đèn vàng rực sáng từ chóp của Taipei 101 biến tòa tháp thành biểu tượng của một cây nến hay cây đuốc tượng trưng cho việc nuôi giữ lý tưởng tự do và mến khách. Mỗi chiều tối, từ 6:00PM tới 10:00PM, các ngọn đèn của Taipei lại rực lên màu sắc của ngày hôm đó. Mỗi ngày trong tuần, đèn phát một màu khác nhau theo bảng màu quang phổ: đỏ (thứ Hai), cam (thứ Ba), vàng (thứ Tư), xanh lá (thứ Năm), xanh dương (thứ Sáu), chàm (thứ Bảy) và tím (chủ nhật).

 

Day

Monday

Tuesday

Wednesday

Thursday

Friday

Saturday

Sunday

Colour

Red

Orange

Yellow

Green

Blue

Indigo

Violet

 

Taipei 101 có hai trạm quan sát (Observatory) có thể xem phong cảnh 360 độ thu hút du khách khắp thế giới. Trạm quan sát trong nhà (Indoor Observatory) ở tầng 89 (độ cao 383,4m hay 1.258ft) và trạm quan sát ngoài trời (Outdoor Observatory) ở tầng 91 (độ cao 391,8m hay 1.285ft). Giá vé tham quan 400 Đài tệ (13 USD).

 

 

Trên đường phố ở Taipei có làn dành cho xe đạp.

 

 

Người Đài Loan có hai tập tục là ăn cau trầu và hút thuốc. Chính xác là nhai quả cau (betel-nut). Đàn ông cũng ăn cau trầu vô tư. Ăn cau trầu thậm chí còn được mệnh danh là "Taiwanese Chewing-gum". Dạo trước, tới đám tiệc hay buổi tiếp khách, người ta dễ dàng thấy có những khay trầu têm sẵn, mấy anh chàng mặc vest thản nhiên nhón bỏ vô miệng nhai. Sau này do thấy ăn cau trầu làm mất vệ sinh quá, chính quyền Taipei cấm ăn cau trầu nơi công cộng. Đặc biệt là có khá nhiều cô gái Taiwan hút thuốc. Trong ảnh là một cô nhân viên văn phòng ra công viên kế bên để hút thuốc, thấy có kẻ chĩa ống kính, vội vã bỏ đi.

 

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

 

Xin nói thêm về tập tục ăn cau trầu của dân Đài. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng của việc ăn cau trầu tại những điểm mai táng có niên đại 4.000 năm tuổi ở Kenting và Beinam (miền nam Đài Loan). Sản lượng và mức tiêu thụ trầu cau tăng nhanh trong thập niên 1970. Vào cao điểm là năm 1998, sản lượng trầu cau lên tới 14,15 tỷ Đài tệ (420 triệu USD) một năm. Sau này giảm xuống, vào năm 2007 chỉ còn 8,6 tỷ Đài tệ (261 triệu USD).

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có một số lượng khủng khiếp số đàn ông bị ung thư miệng trên thế giới tập trung ở các nước châu Á ăn trầu cau. Năm 2005, bà Wu Chien-yuan, đứng đầu một vụ của Bộ Y tế Đài Loan, công bố một nghiên cứu cho thấy khoảng 88% số người bị ung thư miệng ở Đài Loan là người nhai trầu cau. Đài Loan có khoảng 1,5 triệu người thường xuyên nhai trầu cau. Như vậy cả hai tập tục này đều nguy hiểm: hút thuốc thì ung thư phổi, ăn cau trầu thì ung thư miệng.

 

Đặc biệt, ăn cau trầu là một tập tục văn hóa của Đài Loan và nó phát sinh ra một hiện tượng gọi là những người đẹp cau trầu "Betel-nut beauties", thậm chí đã lên điện ảnh và hội họa. Đó là những cô gái bán cau trầu xinh xắn mà lại ăn mặc cực kỳ khêu gọi, có khi chỉ phong phanh, cũn cỡn bikiki hay đồ lót, chạy ra đường mời khách. Tiếng Đài gọi họ là những cô gái "Bin-lang" hay "Bing-long" (檳榔西施).

 

Theo một số tư liệu, những người đẹp cau trầu có lẽ xuất phát từ sự kiện "những cô gái Shuangdong" nổi đình đám hời thập niên 1960, khi những cô gái trẻ ăn mặc "khiêu khích" được dùng để quảng bá trong dịp khai trương tiệm bán cau trầu Shuangdong ở thị thấn Guosing (hạt Nantou, Đài Loan). Chiêu tiếp thị này thành công ngoài sức tưởng tượng và sau đó lan rộng khắp đảo Đài Loan. Năm 2007, chính quyền Taipei ban hành quy định mới cấm sử dụng những cô gái cau trầu tiếp thị sản phẩm. Nhưng các chủ tiệm vẫn tìm cách lách luật bằng cách cho các cô nàng ăn mặc "kín đáo" hơn một chút và thường chuyển sang loại trang phục "mờ mờ ảo ảo".

 

Có dịp đi nhiều nước trong khu vực và tới Đài Loan nhiều lần, gã Kiến Đen có nhận xét: người Đài Loan (có lẽ cũng giống hầu hết người Hoa khác) thích cái sự ồn ào, đầy màu sắc. Nhưng đặc biệt chỉ có người xứ Đài là chuộng cái kiểu tiếp thị bằng những cô gái sexy, và coi đó là "chuyện nhỏ như con thỏ" (hỗng biết có liên can gì tới biểu tượng con thỏ của Playboy ở Mỹ?). Phụ nữ phải ăn mặc "mát mẻ" như vậy là bởi quý ông thích thế. Ngay cả trong những cuộc triển lãm công nghệ và máy tính mang tầm cỡ toàn cầu như COMPUTEX Taipei, nhiều hãng "đại gia" cũng xài tới những PG (promotion girl) ăn mặc "muốn nóng lạnh". Báo hại có không ít trường hợp, những nhà phân phối của họ ở Việt Nam chớ hề dám cho những cô PG của mình mặc những trang phục do chính hãng gởi qua.

 

Thôi thì cũng thông cảm cho cái sự xấu che, tốt khoe. Phụ nữ Đài Loan có nước da trắng và mịn màng tới não cả ruột gan lữ khách phương xa. Có lẽ do xứ sở hầu hết diện tích là núi đồi, ngay cả các con đường ở Taipei cũng nhiều "dốc mỏi", lại phải đi bộ nhiều, nên phái đẹp xứ Đài không chỉ có các vòng 1 và 3 "đầy đặn và khỏe khoắn", mà còn sở hữu những "đôi chân thon" dài và đẹp tới "ngẩn ngơ". Hình như đây là lý do mà quý ông tời Taipei siêng năng dạo phố phường và khoái đi metro?

 

 

 

Trong một tiệm bán cau trầu.

 

 

Những cô gái cau trầu (betel-nut girl) chào mời khách qua đường mua trầu cau.

 

 

 

(Ảnh tư liệu).

 

Xin xem một video clip tư liệu về những cô gái cau trầu ở Taipei.

 

 

 

 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Taipei, Taiwan 31/5 - 5/6/2011)

 

TRANG 1 |   TRANG 2  |   TRANG 3 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage