Người thầy đầu tiên
Tác phẩm bất hủ của
nhà văn Chingiz Aitmatov
Phần 3
Tiết trời đã sắp sang
đông.
Trước những trận mưa tuyết
đầu mùa, mỗi khi đi học chúng tôi phải lội qua một con suối lòng
đá chảy róc rách dưới chân đồi. Nhưng về sau không thể nào lội
qua được nữa, vì nước băng lạnh buốt cóng cả chân. Khổ nhất là
những em nhỏ, thậm chí chúng phải phát khóc lên. Những lúc ấy,
thầy Đuysen đã bế các em qua suối. Lưng thì cõng, tay thì bế và
cứ như thế thầy lần lượt đưa hết các em sang.
Giờ đây nhớ lại cảnh xưa,
thấy khó lòng mà tin được rằng tất cả những điều đó là có thực.
Nhưng lúc bấy giờ, không biết vì ngu dốt hay vì nông nổi, người
ta đã cười thầy Đuysen, nhất là bọn nhà giàu thường trú qua mùa
đông ở trên núi và chỉ xuống làng khi cần xay thóc. Đã nhiều lần
gặp chúng tôi ở chỗ lội qua suối, bọn họ, đầu đội mũ lông cáo
màu đỏ, mình mặc những chiếc áo lông cừu quý, nghễu nghện trên
những con ngựa hung dữ no căng, giương mặt nhìn thầy Đuysen rồi
bỏ đi. Một tên trong bọn cười nấc lên và huých tay tên đi bên
cạnh nói:
- Đứa thì cõng, đứa thì
bế, trông đã hay chưa!
Và tên kia ghìm con ngựa
đang thở phì phì, nói thêm:
- Ôi, thật đáng tiếc, sao
mình không biết trước, lấy vợ lẽ là phải chọn những người như
thế!
Rồi chúng quất cho ngựa
chạy làm nước và bùn bắn tung toé lên chúng tôi, cười phá lên
rồi đi khuất.
Sao lúc đó tôi muốn đuổi
theo những con người ngu xuẩn ấy thế, muốn nắm lấy cương ngựa và
quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ: “Các người không
được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các
người tồi lắm”.
Nhưng liệu có ai chịu nghe
lời một con bé thơ dại như tôi?
Và tôi chỉ còn biết nuốt
những giọt lệ căm uất đang trào lên, nóng hổi. Còn thầy Đuysen
thì dường như không để ý những lời lăng mạ đó, coi như không
nghe thấy gì hết. Thường là thầy nghĩ ra một câu chuyện vui nào
đó khiến lũ chúng tôi phá lên cười, quên mất mọi sự.
Thầy Đuysen có cố gắng bao
nhiêu cũng vẫn chưa kiếm đủ gỗ để bắc một chiếc cầu nhỏ qua
suối. Có lần ở trường về, sau khi đã đưa hết các em nhỏ sang,
tôi cùng với thầy Đuysen dừng lại bên bờ suối. Chúng tôi quyết
định lấy đá và những tảng đất cỏ đắp thành các ụ nhỏ trên lòng
suối để bước qua cho khỏi bị ướt chân.
Thật ra thì bà con trong
làng chỉ cần tập hợp lại và cùng nhau bắc qua suối đôi ba cây gỗ
là trong nháy mắt đã có chiếc cầu cho các em đi học. Nhưng số là
vì hồi ấy người ta vẫn còn u mê nên coi nhẹ việc học hành và khá
ra thì cũng chỉ cho thầy Đuysen là một con người hết sức gàn dở
không biết làm gì khác nên phải bày trò nhì nhằng với bọn trẻ
con. Thích thì dạy, không thích thì đuổi chúng về nhà. Bản thân
họ bao giờ cũng đi ngựa nên chẳng cần đến cầu. Nhưng dù sao dân
làng chúng tôi tất nhiên rồi cũng phải suy nghĩ vì đâu người
thanh niên ấy, vốn chẳng thua kém gì ai và cũng không ngu ngốc
hơn những người khác, lại phải chịu khó, chịu thiệt, phải nghe
những lời châm chọc, nhạo báng để dạy cho con cái họ học, mà lại
dạy với một ý chí kiên trì hiếm có, với một quyết tâm phi thường
như thế?
Hôm chúng tôi xếp đá qua
dòng nước, tuyết đã phủ đầy trên mặt đất và nước buốt đến chết
cóng đi được. Tôi không tưởng được thầy Đuysen làm thế nào chịu
nổi – vì thầy tôi đi chân không, làm không ngơi tay. Tôi chật
vật đặt chân xuống suối, tưởng chừng như dòng suối rải đầy than
hồng nóng bỏng. Bỗng dưng đến giữa suối tôi bị chuột rút ở chân,
người co rúm lại. Tôi không thể kêu lên một tiếng, cũng không
thể đứng thẳng lên được nữa và từ từ ngã xuống nước. Đuysen lẳng
tảng đá đi, nhảy ngay lại bên tôi, đỡ tôi lên tay, rồi bế tôi
chạy lên bờ và lót chiếc áo choàng đặt tôi ngồi vào đấy. Thầy
hết xoa hai chân đã tím bầm, cứng đờ như gỗ của tôi, lại bóp
chặt đôi tay lạnh cóng của tôi trong lòng bàn tay mình, rồi đưa
lên miệng hà hơi ấm cho tôi.
Thầy Đuysen khẽ nói:
- Antưnai, em ngồi đây cho
ấm, đừng xuống nữa. Một mình thầy làm cũng đủ…
Cuối cùng khi những chỗ
đặt chân xếp đã xong. Đuysen vừa xỏ chân vào ủng, vừa nhìn nét
mặt ỉu xìu, tái mét của tôi và mỉm cười hỏi:
- Thế nào, cô em giúp
việc, đã đỡ rét chưa? Khoác cái áo choàng lên, thế… thế! – Thầy
yên lặng một lát rồi hỏi:
- Antưnai, lần ấy có phải
em trút lại kigiăc ở trường không?
- Vâng ạ, – tôi đáp.
Thầy hơi nhếch mép mỉm
cười, như thể tự nhủ: “Mình đoán đúng mà!”
Tôi còn nhớ lúc ấy máu dồn
lên má tôi nóng ran: như vậy nghĩa là thầy đã biết và chưa quên
một điều tưởng như nhỏ mọn ấy. Tôi sung sướng quá, lịm cả người
đi và Đuysen cũng hiểu niềm hân hoan của tôi.
- Dòng suối trong trẻo của
thầy, - thầy âu yếm nhìn tôi nói, - em thông minh lắm…Ôi, ước gì
thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng
nào.
Đuysen bước nhanh lên bờ.
Và giờ đây tôi mường tượng
thấy thầy đang đứng trước mặt tôi, như lúc bấy giờ thầy đã đứng
giữa dòng suối đá đang réo lên ầm ầm, hai tay để sau gáy và đôi
mắt long lanh đăm đăm nhìn theo những đám mây trắng xa tít đang
bị gió thổi cuốn qua các ngọn núi.
Thầy nghĩ gì khi ấy? Có
thể thầy đang mơ tưởng cho tôi ra một thành phố lớn học thật
chăng? Còn tôi, lúc bấy giờ cuộn tròn trong chiếc áo choàng của
thầy Đuysen, tôi thầm nghĩ: “Ước gì thầy là anh ruột của tôi!
Ước gì tôi được bá cổ thầy, nhắm nghiền mắt lại và thủ thỉ với
thầy những lời đẹp đẽ nhất! Trời ơi, ước gì thầy Đuysen là anh
ruột tôi!”
Chắc chắn tất cả đám học
sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ, vì
những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai
chúng tôi. Tuy chúng tôi còn bé, nhưng tôi nghĩ rằng lúc đó
chúng tôi đều đã hiểu được những điều ấy. Còn có cái gì khác bắt
chúng tôi ngày nào cũng đi xa, leo đồi lội suối, bạt hơi vì gió
rét, chân ngập trong những cồn tuyết như vậy được nữa? Chúng tôi
tự nguyện đến trường, không ai phải xua chúng tôi đến cả. Không
ai có thể buộc chúng tôi phải chịu cóng trong căn nhà kho lạnh
lẽo: tuy ngồi trong nhà, mà mỗi khi thở ra là hơi giá bám trắng
xoá cả mặt mũi, tay chân, quần áo. Chúng tôi chỉ dám thay phiên
nhau đứng sưởi cạnh lò, còn tất cả đành phải ngồi tại chỗ nghe
thầy Đuysen giảng bài.
Vào một trong những ngày
giá buốt ấy – tôi còn nhớ là khoảng cuối tháng giêng. – Đuysen,
vẫn như thường lệ, đến từng nhà tập hợp tất cả chúng tôi lại và
dẫn tới trường. Thầy lặng lẽ bước đi, không nói một lời, vẻ
nghiêm nghị, đôi lông mày nhíu lại như đôi cánh chim ưng và nét
mặt lại như luyện bằng thép. Chưa bao giờ chúng tôi nom thấy
thầy như vậy. Chúng tôi liếc nhìn thầy rồi cũng đều im lặng:
chúng tôi cảm thấy có điều gì không lành.
Mỗi khi trên đường đi có
những đống tuyết lớn là thầy Đuysen thường đi trước để mở đường,
tôi đi theo sau thầy, rồi đến các bạn khác. Lần này cũng thế; ở
chỗ chân gò đêm qua tuyết xuống nhiều nên Đuysen lại đi trước.
Đôi khi chỉ cần nhìn vào lưng một người ta đã có thể đoán biết
ngay được tâm trạng họ ra sao, có những cảm xúc gì đang diễn ra
trong lòng họ. Lúc đó cũng vậy, có thể thấy rõ thầy Đuysen đang
có điều gì đau buồn vô hạn. Đầu thầy cúi gầm xuống, hai chân lê
đi một cách khó nhọc. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái
cảnh khủng khiếp của những màu đen, màu trắng lần lượt tiếp theo
nhau trước mắt tôi. Chúng tôi nối đuôi nhau leo lên đồi. Dưới
chiếc áo choàng màu đen, lưng thầy Đuysen khom hẳn lại và trên
đỉnh dốc nhấp nhô những đống tuyết trắng trông như những cái
bướu lạc đà, gió vẫn cuồn cuộn thổi hất tuyết từ các ụ đó xuống.
Và cao hơn nữa – trên bầu trời trắng nhờ nhờ lơ lửng một đám mây
đen cô độc.
Khi chúng tôi tới trường
thầy Đuysen không nhóm lò sưởi.
Thấy nói:
- Các em đứng dậy!
Chúng tôi đứng dậy.
- Bỏ mũ xuống!
Chúng tôi ngoan ngoãn nghe
theo và thầy cũng bỏ chiếc mũ kị binh ở trên đầu xuống. Chúng
tôi không hiểu tại sao phải làm như thế. Lúc đó thầy cất giọng
khàn khàn nói đứt quãng:
- Lênin đã mất. Giờ đây
trên khắp quả đất đang mặc niệm Người. Các em cũng hãy đứng tại
chỗ và yên lặng. Các em hãy nhìn lên đây, nhìn bức chân dung
này. Các em hãy ghi nhớ lấy ngày hôm nay.
Toàn trường chúng tôi lặng
ngắt đi, tưởng chừng như đã vùi kín dưới tuyết. Có thể nghe thấy
tiếng gió lùa qua các kẽ hở. Có thể nghe thấy cả tiếng những
bông tuyết rơi nhè nhè xuống mái rơm.
Trong giờ phút ấy, trong
khi tất cả các thành phố vốn nhộn nhịp đều đã lặng đi, trong khi
những công xưởng đã làm rung chuyển cả mặt đất đã im bặt tiếng
máy, trong khi những đoàn tàu lăn bánh ầm ầm bỗng đứng lặng yên
trên các đường sắt, trong khi toàn thế giới đang chìm sâu trong
tang tóc, – trong giờ phút đau thương đó thầy trò chúng tôi, một
bộ phận nhỏ bé của toàn dân, cũng đang nín thở, nghiêm trang
đứng mặc niệm trong căn nhà kho lạnh giá không hề ai biết tới,
được gọi là trường học ấy, để vĩnh biệt Lênin, thầm cho mình là
những kẻ thân thuộc nhất của Người và thương tiếc Người hơn ai
hết. Còn Lênin của chúng tôi vẫn vận chiếc áo dài quân nhân hơi
rộng với cánh tay bị thương treo ngang trên ngực, vẫn từ trên
vách nhìn xuống chúng tôi, cái nhìn trong sáng vẫn như nói với
chúng tôi: “Các cháu ơi, giá các cháu biết một tương lai đẹp đẽ
nhường nào đang chờ các cháu!” Và tôi có cảm giác rằng trong
giây phút yên lặng đó Người đang nghĩ về tương lai của tôi thật.
Sau đó thầy Đuysen đưa ống
tay áo lên lau nước mắt và nói:
- Hôm nay thầy phải lên
huyện. Thầy đi để gia nhập Đảng. Ba ngày nữa thầy sẽ về.
Đối với tôi ba ngày đó mãi
mãi là những ngày lặng lẽ nhất trong những ngày đông tháng giá
mà tôi phải chịu đựng. Dường như có những sức mạnh hùng vĩ nào
của thiên nhiên đang muốn ra sức thay thế trên mặt đất con người
vĩ đại vừa đi khỏi thế giới của chúng ta: gió không ngừng thổi
réo lên từng cơn, bão tuyết cứ quay cuồng không ngớt, băng giá
kêu lanh lảnh như tiếng sắt… Sức mạnh của thiên nhiên không sao
yên được: nó lồng lộn, vật vã trên mặt đất, khóc than nức nở.
Làng tôi chìm lặng dưới
chân những ngọn núi lờ mờ tối sẫm giữa các tầng mây mù bay là là
sát đất. Những làn khói trắng nhỏ toả ra từ các ống khói ngoằn
ngoèo. Không một ai ló ra khỏi nhà. Hơn nữa lũ chó sói đói bỗng
trở nên liều lĩnh. Ban ngày chúng trắng trợn hoành hành trên các
ngả đường, tối đến chúng sục sạo ở ngay cạnh làng và suốt đêm
cho tới sáng cứ tru lên đói khát, điên dại.
Không hiểu sao tôi cứ lo
thay cho thầy chúng tôi: không có áo lông, chỉ mặc phong phanh
chiếc áo choàng bộ đội ấy thì thầy làm sao chịu được cơn rét
này? Và đến ngày Đuysen phải về, tâm can tôi cứ như lửa đốt:
lòng tôi đã cảm thấy có điều gì chẳng lành. Chốc chốc tôi lại
chạy ra sân, nhìn ra cánh thảo nguyên vắng vẻ phủ đầy tuyết
trắng xem thầy giáo có xuất hiện trên đường cái không. Nhưng vẫn
không có lấy một bóng người.
“Thầy ơi, thầy ở đâu? Em
van thầy, thầy đừng về khuya đấy, về nhanh lên thầy! Chúng em
đang đợi thầy đây, thầy có nghe thấy không? Chúng em đang mong
ngóng thầy về”.
Nhưng thảo nguyên không hề
đáp lại tiếng gọi thầm lặng của tôi và không hiểu sao tôi oà lên
khóc nức nở.
Thím tôi đã phải bực mình
vì tôi cứ ra vào mãi. Rồi thím giơ ngón tay lên đe tôi:
- Hôm nay mày có để cho
cái cửa được yên không nào? Ngồi ngay vào một chỗ, cầm lấy ống
sợi mà quay. Mày làm cho mấy đứa trẻ chết cóng lên rồi đấy. Có
giỏi cứ nhảy ra ngoài một lần nữa tao xem nào! – Và thím không
cho tôi ra khỏi nhà nữa.
Trời đã sẩm tối, thế là
tôi không được biết thầy đã về hay chưa. Vì thế tôi không thể
nào ngồi yên được. Khi thì tôi tự an ủi rằng Đuysen chắc đã về
đến làng rồi – vì chưa lần nào thầy trở về lỡ hẹn cả. Khi thì
tôi lại chợt nghĩ hay thầy bị ốm nên phải đi chậm, hễ trời nổi
cơn bão tuyết lên là đêm hôm thế này chẳng mấy chốc thầy sẽ bị
lạc trên thảo nguyên. Tôi không sao làm việc được nữa, không sao
điều khiển nổi hai cánh tay, sợi cứ đứt luôn, làm cho thím tôi
điên tiết lên.
- Hôm nay mày làm sao thế?
Tay mày là tay gỗ hay sao? – thím tôi càng nói càng nổi xung,
mắt lườm tôi. Cuối cùng không sao chịu được nữa, thím quát:
- Ô, sao mày không chết
quách đi cho rảnh! Tốt hơn hết là mày xéo đi, mang trả cho bà cụ
Xaikan cái bao tải.
Thiếu chút nữa tôi đã nhảy
cẳng lên vì vui sướng. Thầy Đuysen lại ở ngay nhà bà cụ Xaikan.
Hai ông bà Kartanbai và Xaikan vốn có họ xa với mẹ tôi. Trước
đây tôi vẫn thường lui tới chỗ hai cụ, đôi khi tôi còn ngủ lại
đấy nữa. Không hiểu thím tôi có nhớ tới chuyện đó hay trời xui
khiếm thím ấy. Thím vừa dúi cái bao tải vào tay tôi vừa nói
thêm:
- Hôm nay mày làm tao phát
ngấy lên, như trong những năm đói phải ăn cám mãi ấy. Cút đi
ngay, nếu ông cụ bà cụ cho ngủ thì ở quách lại đằng ấy. Đi cho
khuất mắt tao…
Tôi chạy vụt ra sân. Gió
cứ điên cuồng lồng lộng như một lão phù thủy hung dữ: nó sặc sụa
một lát, rồi phần phật thổi hắt tung những nắm tuyết lạnh buốt
vào khuôn mặt nóng bừng của tôi. Tôi cặp chặt chiếc bao tải vào
nách và chạy một mạch theo những vết chân ngựa thưa thớt còn mới
nguyên đến cuối làng. Trong đầu tôi bấy giờ chỉ có một ý nghĩ
duy nhất: “Đã về chưa, thầy giáo đã về chưa?”.
Tôi chạy tới nơi, nhưng
không thấy thầy đâu. Thấy tôi im thin thít đứng ngoài ngưỡng
cửa, thở hổn hển, bà cụ Xaikan lo sợ hỏi:
- Cháu làm sao thế? Sao
cháu phải chạy hộc tốc thế? Có chuyện gì chẳng lành phải không?
- Không ạ, chẳng sao đâu
ạ. Cháu mang cái bao tải đến đây này. Bà cho cháu ở lại đây tối
nay được không?
- Cháu quý của bà, cháu cứ
ở lại đây. Trời ơi, con ranh này làm cho hoảng cả lên, sao từ
mùa thu đến giờ cả thấy cháu thò mặt đến? Cháu ngồi lại gần lửa
mà sưởi cho ấm.
Ông cụ Kartanbai đang ngồi
cạnh cửa sổ vá mấy chiếc ủng cũ nói vọng ra:
- Này, bà nó này, đem thịt
rang lại cho cháu gái nó ăn đi. May ra Đuysen cũng sắp về rồi
đấy. Lẽ ra anh ấy phải về từ lâu rồi, nhưng không sao, anh ấy
sắp về đấy, cũng mới bắt đầu tối thôi. Con ngựa nhà này phóng
nước mã hồi nhanh lắm.
Ngoài cửa sổ trời đã tối
sẫm lại từ lúc nào không biết. Trong lòng tôi cứ thấp thỏm không
yên. Mỗi khi nghe thấy tiếng chó sủa hay tiếng người nói văng
vẳng là tôi im lặng đi. Nhưng thầy Đuysen vẫn chưa về. May sao
bà cụ Xaikan luôn miệng nói chuyện này chuyện nọ, thành thử cũng
đỡ sốt ruột.
Chúng tôi cứ thế đợi thầy
Đuysen hết giờ này sang giờ khác, nhưng tới gần nửa đêm ông cụ
Kartanbai cũng đã mệt và bảo bà cụ:
- Thôi, bà nói trải giường
đi. Anh ấy chả về tối nay đâu khuya rồi. Các ông lãnh đạo ấy
khối việc ra, chắc lại giữ anh ta lại thôi, không thì anh ấy đã
về đến nhà từ lâu rồi.
Ông cụ lên giường ngủ.
Bà cụ dọn chỗ nằm cho tôi
trong góc nhà sau lò sưởi. Nhưng tôi không tài nào chợp mắt
được. Ông cụ cứ ho húng hắng, trở mình thì thầm đọc kinh, rồi lo
lắng lẩm bẩm:
- Chả hiểu con ngựa của
mình ra sao? Đến nắm cỏ cũng chẳng ai cho không, còn lúa thì dù
có tiền cũng chẳng mua được cho nó ăn.
Chả mấy chốc cụ Kartanbai
đã ngủ say. Nhưng ngoài trời gió vẫn không dịu xuống. gió sục
sạo trên mái nhà, lùa những đuôi mái tranh ở đầu hồi bay lất
phất, quất từng trận vào cửa kính. Nghe thấy cả tiếng tuyết rơi
đập vào tường ở mé ngoài.
Lời nói của ông cụ cũng
chẳng làm tôi yên tâm được. Tôi cứ có cảm tưởng là thầy giáo sắp
về đến nơi và tôi cứ nghĩ mãi về thầy, hình dung thấy thầy đang
trên đường về, ở giữa cánh đồng tuyết phủ mênh mông. Tôi cũng
không hiểu tôi chợp mắt ngủ được bao lâu, nhưng bỗng có cái gì
khiến tôi phải cất đầu lên khỏi mặt gối. Có tiếng tru ú ớ chuyền
đi trên mặt đất rồi mất hút trong thinh không. Chó sói! Và không
phải chỉ một con, mà cả một bầy. Lũ chó sói gọi nhau ở tứ phía,
rồi dồn lại rất nhanh. Những tiếng tru của bầy sói quyện lại với
nhau thành một tiếng rống kéo dài hoà theo gió vang đi khắp thảo
nguyên, khi xa dần, khi gần lại. Có khi tưởng chừng luẩn quẩn
đâu đây, ngay bên cạnh, ngay ngoài đầu làng.
- Tiếng sói gọi bão đấy! –
Bà cụ thì thầm.
Ông cụ im lặng lắng tai
nghe, rồi nhảy từ trên giường xuống.
- Không, bà nó ạ, không
phải chỉ có thế đâu! Chó sói đang rượt theo ai. Chúng nó vây
người hay ngựa đấy. Thấy không? Cầu chúa phù hộ cho Đuysen tai
qua nạn khỏi. Anh ấy chẳng biết lo nghĩ gì cả, anh ấy còn trẻ
người non dạ quá thôi! – Ông cụ Kartanbai đứng phắt dậy, tìm cái
áo lông trong bóng tối. – Đèn đâu, bà nó ơi, thắp cái đèn lên!
Trời ơi nhanh lên!
Chúng tôi run cầm cập vì
sợ hãi và choàng dậy. Trong lúc bà cụ Xaikan tìm được đèn, đang
thắp lên thì tiếng chó sói rống bỗng câm bặt, như bị cắt ngang.
- Lũ chó chết tiệt chộp
được mồi rồi. – Ông cụ Kartanbai thét to lên, vớ lấy chiếc gật
toan chạy ra cửa, nhưng vừa lúc ấy lại có tiếng chó sủa. Có
tiếng đế giày bước lạo xạo trên mặt tuyết, có ai chạy qua dưới
các cửa sổ, rồi có tiếng gõ mạnh, dồn dập vào cánh cửa.
Hơi lạnh ở bên ngoài lùa
vào phòng thành một đám mây dày đặc. Khi đám mây đó đã tan hết,
chúng tôi mới nhìn thấy Đuysen. Mặt xám ngắt, thở hổn hển, thầy
lảo đảo bước qua ngưỡng cửa, rồi ngả lưng dựa vào tường.
- Súng! – Đuysen nói trong
tiếng thở phào. Nhưng chúng tôi hầu như không hiểu thầy định nói
gì. Mắt tôi tối sầm lại, rồi tôi chỉ còn nghe thấy hai cụ vừa
khóc vừa than thở.
- Xin cúng một con cừu
đen, xin cúng một con cừu trắng! Thôi nhờ đức Baubêdin phù hộ
cho anh. Có phải anh đấy không?
- Súng, đưa súng đây cho
tôi! – Thầy Đuysen nhắc lại.
- Không có, anh định làm
gì đấy, anh đi đâu?
Ông cụ và bà cụ mỗi người
bám lấy một bên vai thầy Đuysen.
- Đưa cho tôi cái gậy vậy!
Nhưng hai cụ khẩn khoản
nói:
- Chừng nào chúng tôi còn
sống, anh không được đi đâu cả, không đi đâu nữa. Thà anh giết
chúng tôi ngay tại chỗ còn hơn.
Tôi bỗng thấy người mệt lả
rã rời, đành lặng lẽ nằm xuống giường.
- Tôi không kịp… chúng đã
đuổi sát đến tận nhà – thầy Đuysen vừa thở hổn hển vừa nói rồi
lẳng chiếc roi da vào góc nhà. – Dọc đường về ngựa đã kiệt sức,
rồi lại bị chó sói đuổi, nó vừa chạy đến đầu làng thì ngã gục
xuống. Lũ chó sói nhảy xổ ngay tới.
- Thôi kệ xác nó, quý hồ
anh còn sống là được rồi. Con ngựa mà không quỵ xuống thì chúng
nó cũng chẳng tha cho anh về đâu. May mà đức Baubêdin phù hộ cho
nên mới được như thế. Bây giờ cởi áo ra, ngồi lại gần lửa mà
sưởi. Đưa tôi tháo ủng cho – cụ Kartanbai lăng xăng bên cạnh
Đuysen nói, - còn bà lão xem có gì ăn đem ra hâm lại đi.
Họ ngồi xuống cạnh lửa và
bây giờ cụ Karkunbai mới thở phào nhẹ nhõm.
- Thôi, cái gì trời đã
định là không sao tránh khỏi. Nhưng sao anh lại ra về muộn thế?
- Thưa bác, hội nghị ở uỷ
ban huyện bị kéo dài. Cháu vào Đảng rồi.
- Hay lắm. Nhưng sáng hôm
sau hãy về có phải hơn không, nào có ai bắt anh phải về ngay
đâu.
- Cháu đã trót hứa với các
em là sẽ về hôm nay. – Thầy Đuysen đáp. – Mai phải bắt đầu học
rồi.
- Ôi, thật là ngốc! – Cụ
Kartanbai nhổm cả người dạy và bực dọc lắc đầu. – Này, bà già nó
ơi, thử nghe xem: anh ấy đã trót hứa với lũ trẻ con, với cái bọn
nhãi ấy mất rồi! Thế nhỡ mệnh hệ nào thì sao hả! Mà anh có hiểu
là anh đang nói gì không?
- Đây là bổn phận của
cháu, nhiệm vụ của cháu bác ạ. Nhưng còn cái này bác thử nghĩ
xem: thường cháu vẫn đi bộ, thế mà lần này, không biết ma quỷ
nào xui khiến cháu mượn của bác con ngựa để đem cúng cho lũ sói…
Cụ Kartanbai cáu kỉnh nói:
- Nhưng tôi không nói
chuyện ấy. Con ngựa chết tiệt ấy mất đi thì mặc xác nó. Coi như
nó hiến thân để chuộc mạng cho anh! Trước kia hàng bao nhiêu năm
tôi không có ngựa, thì bây giờ mất ngựa cũng chẳng sao. Chính
quyền Xô-viết còn thì tôi còn làm ra được.
- Ông già nói phải đấy, –
bà cụ Xaikan tiếp lời, giọng đầy nước mắt, – Chính quyền Xô-viết
còn là ta sẽ còn lảm ăn được… Này, ăn đi con, kẻo nguội mất.
Họ yên lặng. Một lát sau
cụ Kartanbai vừa cời than hồng ra, vừa nói, vẻ trầm ngâm:
- Anh Đuysen, tôi xem anh
cũng không đến nỗi đần độn mà lại còn thông minh nữa là khác.
Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao anh cứ bịn rịn với cái trường
này, với bọn trẻ con khờ dại ấy? Hay anh không kiếm được nghề
nào khác? Anh cứ đi chăn cừu thuê cho người ta cũng sẽ được no
ấm chán…
- Bác ạ, cháu hiểu rằng
bác chỉ mong điều lành cho cháu. Nhưng nếu những trẻ thơ dại kia
sau này cũng cứ nói như bác cần gì trường học, cần gì phải đi
học, thì sự nghiệp của nhà nước Xô-viết sẽ chẳng nhích đi được
bao xa. Thế nhưng bác lại muốn sao cho chính quyền Xô-viết đứng
vững, sao cho nó sống mãi. Chính vì vậy nên đối với cháu trường
học không phải là gánh nặng bác ạ, giá cháu dạy được cho các em
học thật tốt thì cháu không còn mơ ước gì hơn nữa. Chính Lênin
đã từng nói…
- Ừ thì tiện anh nói… – Cụ
Kartanbai chặn lời Đuysen, yên lặng một lát rồi nói tiếp: - Đấy,
anh cứ đau buồn thương tiếc mãi. Nhưng nước mắt cũng chẳng làm
cho Lênin sống lại được! Hừ, giá có được phép lạ ấy! Hay là anh
tưởng những người khác không hề buồn, không hề đau khổ chăng?…
Anh thử nhìn vào tận trong lồng ngực tôi mà xem, tim tôi cũng ứa
máu ra chứ có phải không đâu. Tôi không biết làm như vậy có hợp
với cái chính trị của anh không, chứ mặc dầu Lênin là người khác
tín ngưỡng, tôi cứ mỗi ngày năm lần cầu nguyện cho Người. Anh
Đuysen ạ, có khi tôi lại nghĩ rằng dẫu chúng ta khóc Người bao
nhiêu chăng nữa cũng chẳng được ích gì. Anh Đuysen ạ, tôi cứ tự
phán đoán theo lối các cụ thế này: Lênin bao giờ cũng sống mãi
trong nhân dân và cứ theo dòng máu lưu truyền từ đời cha đến đời
con…
- Thật cháu xin cảm ơn
những lời bác nói. Bác nghĩ đúng lắm, Lênin tuy mất rồi, nhưng
chúng ta sẽ noi gương Người mà sống.
Trong khi nghe cụ
Kartanbai và Đuysen nói chuyện với nhau tôi hoàn hồn dần: hồn
vía tôi từ một nơi nào xa lắm từ từ trở lại. Thoạt đầu tất cả
những việc xảy ra hệt như một giấc mơ. Mãi tôi vẫn chưa tin được
rằng Đuysen đã về, vẫn còn sống và vẫn lành lặn. Rồi một nguồn
vui bồng bột, chan hoà như dòng nước lũ mùa xuân tràn vào tâm
hồn tôi, rồi dường như chìm ngập trong dòng tình cảm nóng hổi
đó, tôi oà lên khóc nức nở. Có lẽ chưa có ai qua những phút mừng
rỡ như tôi bấy giờ. Trong giây phút đó đối với tôi không còn gì
tồn tại nữa: kể cả túp lều vách đất, cả đêm bão tuyết ngoài sân,
cả đàn sói đang xâu xé con ngựa duy nhất của cụ Kartanbai ở đầu
làng. Không có gì nữa hết! Tất cả tâm hồn, ý nghĩa, cả con người
tôi đều tràn ngập một niềm hạnh phúc phi thường, không lường hết
được, vô tận, vô cùng như vũ trụ. Tôi trùm chăn kín đầu và bịt
chặt miệng lại để đừng ai nghe thấy tiếng khóc của tôi. Nhưng
thầy Đuysen đã hỏi:
- Ai khóc thút thít sau lò
sưởi thế?
Bà cụ Xaikan đáp:
- Antưnai đấy mà, lúc nãy
nó sợ quá nên đang khóc đấy.
- Antưnai à? Em ấy ở đâu
đến đây? - Thầy Đuysen đứng phắt dậy chạy lại quỳ xuống đất ngay
cạnh đầu giường tôi rồi khẽ chạm tay vào vai tôi: - Antưnai làm
sao thế? Tại sao em khóc?
Tôi quay mặt vào tường và
càng khóc to hơn trước.
- Sao thế, sao em sợ đến
thế? Em đã lớn rồi kia mà, sao lại thế… nào, nhìn thầy này…
Tôi ôm chặt lấy thầy
Đuysen, áp chặt đôi má nóng bừng, ướt đẫm nước mắt vào vai thầy
giáo và khóc nức nở, không tài nào tự chủ được nữa. Niềm vui
sướng tràn ngập tâm hồn tôi, tôi run lên như trong cơn sốt và
không còn đủ sức để kìm lại nữa.
- Ừ…hẳn là con bé hồn xiêu
phách lạc đi đâu hết. Cụ Kartanbai cũng đâm lo và đứng dậy. –
Kìa, bà khấn khứa cho nó một tí, nhanh lên nào…
Và cả hai cụ bỗng tíu tít
cả lên. Bà cụ Xaikan thì thầm mấy câu thần chú, rồi vẩy hết nước
lạnh đến nước nóng vào mặt tôi, xông hơi cho tôi và cũng khóc oà
lên cùng với tôi.
Trời ơi, giá các cụ hiểu
được rằng tôi “hồn xiêu phách lạc” vì một niềm hạnh phúc lớn lao
mà tôi không đủ sức để kể ra có lẽ cũng không tài nào diễn tả
nổi.
Thầy Đuysen vẫn ngồi cạnh
tôi, đưa bàn tay mát lạnh vuốt nhẹ lên vầng trán nóng hổi của
tôi cho đến lúc tôi nín hẳn và ngủ thiếp đi.
PHẦN 1 |
PHẦN 2 | PHẦN 3 |
PHẦN 4 |
PHẦN KẾT