Người thầy đầu tiên
Tác phẩm bất hủ của
nhà văn Chingiz Aitmatov
Phần 4
… Mùa đông đã du mục sáng
bên kia đèo. Mùa xuân đang lùa những đàn gia súc màu xanh của nó
đến. Trên những cánh đồng bằng, tuyết đã tan, mặt đất ướt như
sưng phù lên từng chỗ. Từ miền ấy, những luồng hơi ấm bốc lên
lùa vào núi, mang theo hơi thở mùa xuân của đất đai, hương vị
của sữa đang lên hơi. Các cồn tuyết cũng xẹp xuống, những tảng
băng trên núi đã chuyển mình và các dòng suối đóng băng cũng nứt
nẻ, vỡ toác ra, rồi tràn lên, cuồn cuộn chảy thành những thác
nước dũng mãnh réo ầm ầm trong các thung lũng.
Có lẽ đó chính là mùa xuân
đầu tiên trong thời niên thiếu của tôi. Dù sao đối với tôi nó
cũng vẫn đẹp hơn tất cả các mùa xuân trước. Đứng ở trường chúng
tôi, từ trên đỉnh đồi, có thể nhìn thấy cả thế giới tươi đẹp của
mùa xuân mở rộng ra trước mắt. Mặt đất dường như dang tay chạy
từ trên núi xuống và không đủ sức dừng lại nữa, cứ lao vùn vụt
vào các vùng xa tắp của cánh thảo nguyên đang lấp lánh như bạc
dưới ánh nắng, bao phủ trong một làn hơi huyền ảo. Ở một nơi nào
xa tít tận góc biển chân trời có những hồ nước băng tan xanh
biếc, ở một nơi nào xa tít tận góc biển chân trời có những bầy
ngựa đang hí lên, trên nền trời xanh đàn sếu bay qua cánh nâng
những làn mây trắng. Đàn sếu bay từ đâu tới và gọi lòng người về
đâu mà cất tiếng kêu lanh lảnh buồn buồn như vậy?
Mùa xuân tới, gieo vui vào
lòng chúng tôi. Chúng tôi bày đủ trò chơi, luôn cất tiếng cười
vô cớ, cứ đến giờ tan học, suốt dọc đường về làng, chúng tôi vừa
chạy vừa gọi nhau ầm ĩ. Thím tôi rất ghét cái lối ấy và không bỏ
lỡ dịp mắng mỏ tôi:
- Con đĩ, mày làm gì mà cứ
tớn tác lên thế? Mày làm bà cô thế mãi mà không biết dơ à? Con
nhà có phúc như người ta mà bằng tuổi mày cũng đã có chồng có
con vui nhà vui cửa từ lâu rồi, còn mày thì… Đằng này lại thích
đi học cơ! Nhưng cứ đợi đấy…bà sẽ cai quản mày…
Thật ra thì tôi cũng chẳng
để tâm đến những lời doạ nạt của thím ấy lắm, vì đó không phải
chuyện lạ – suốt đời thím ấy chỉ chửi mắng. Còn nói rằng tôi làm
bà cô thì thật không đúng chút nào. Có điều là mùa xuân năm nay
tôi lớn như thổi.
Thầy Đuysen nói đùa tôi:
- Em còn là một cô bé đầu
bù tóc rối, mà hình như tóc em lại còn đỏ nữa kia chứ!
Những lời của thầy không
làm tôi chạnh lòng chút nào cả. Tôi thầm nghĩ: “tất nhiên mình
đầu bù tóc rối thật đấy, nhưng tóc mình chả đỏ tí nào đâu. Rồi
đến lúc mình lớn hơn ít nữa, mình sẽ là một cô gái đến tuổi lấy
chồng, mình chả đầu bù tóc rối thế này nữa đâu. Lúc đó thím cứ
thử nhìn xem mình có xinh không”. Thầy Đuysen vẫn nói tôi có đôi
mắt sáng như sao, có khuôn mặt cởi mở thật thà.
Có một lần, khi chạy ở
trường về, tôi thấy hai con ngựa lạ đứng ngoài sân. Cứ trông yên
ngựa, dây thắng, cũng biết chủ của chúng là những người ở trên
núi xuống. Và trước đây cũng có khi họ đã ghé vào nhà chú tôi
mỗi khi đi chợ về hay mang thóc xuống xay.
Đứng ngoài ngưỡng cửa tôi
đã nhói lên vì tiếng cười thiếu tự nhiên của thím tôi:
- Gớm, thôi, đừng lo anh
ạ, không nghèo đi đâu mà sợ. Rồi sau này khi con chim non đã cầm
chắc trong tay rồi, anh sẽ thầm cảm ơn tôi cho mà xem, hì hì hì!
– Đáp lại lời thím tôi có tiếng vâng dạ rối rít và những tiếng
cười ha hả. Đến khi tôi bước vào cửa thì mọi người im bặt. Cạnh
đống nỉ phủ chiếc khăn trải bàn có một người đàn ông to béo phục
phịch, mặt đỏ, ngồi chềnh ềnh như khúc gỗ. Đầu hắn đội mũ lông
chồn che kín cả cái trán nhễ nhại mồ hôi. Hắn đưa mắt liếc tôi
rồi đằng hắng một cái và cụp mắt xuống.
Thím tôi nhoẻn miệng cười
âu yếm, nói:
- Ồ, con đã về đấy à, vào
đây con!
Chú tôi cũng ngồi cạnh
đống nỉ với một người lạ mặt. Hai người vừa đánh bài, vừa nhắm
rượu với bánh ô mạch. Cả hai đều ngà ngà say và mỗi khi họ quất
bài xuống, đầu họ cứ lắc lư đến kì quặc.
Con mèo mướp bò lên chỗ
khăn trải bàn, nhưng lão mặt đỏ dùng đốt ngón tay cốc mạnh vào
đầu nó một cái, khiến nó kêu thét lên, rồi nhảy vọt sang một bên
và chúi đầu vào xó nhà. Khổ thân con mèo, nó đau quá! Tôi muốn
bỏ đi ngay, nhưng tôi không biết làm thế nào. May vừa lúc ấy
thím tôi nói:
- Con ạ, thức ăn ở trong
chảo ấy, con ăn đi kẻo nguội.
Tôi bước ra khỏi phòng,
trong lòng rất khó chịu với thái độ của thím tôi vừa rồi. Và tôi
bắt đầu thấy chột dạ. Tôi bất giác đề phòng.
Chừng hai giờ sau, hai
người khách lên ngựa trở về núi. Lập tức thím tôi lại bắt đầu
chửi mắng tôi như thường lệ và tôi thấy đỡ lo. Tôi nghĩ thầm:
“té ra thím có vẻ ôn tồn như vậy chẳng qua vì say rượu thôi”.
Ít lâu sau có lần bà cụ
Xaikan ghé qua nhà chú tôi. Lúc đó tôi ở ngoài sân, nghe thấy bà
cụ nói:
- Lạy trời, mợ làm gì vậy!
Mợ giết nó thôi.
Bà cụ Xaikan và thím tôi
lấp cả lời nhau, tranh cãi kịch kiệt điều gì và lát sau cụ
Xaikan bước ra khỏi nhà, vẻ rất tức giận. Bà cụ nhìn tôi bằng
đôi mắt vừa giận dữ vừa thương xót và lặng lẽ ra về. Tôi bỗng
thấy bứt rứt trong người. Tại sao cụ lại nhìn tôi như vậy, tôi
đã làm gì đến nỗi cụ không hài lòng?
Ngày hôm sau đến trường
tôi nhận thấy ngay thầy Đuysen vẻ mặt sa sầm, như đang có điều
gì lo nghĩ, mặc dầu thầy cố giấu đi. Tôi còn nhận thấy có điều
nữa là không hiểu tại sao thầy không hề nhìn về phía tôi. Sau
buổi học, khi chúng tôi ào ào chạy ra khỏi trường như ong vỡ tổ,
thầy Đuysen gọi giật tôi lại:
- Antưnai, đứng lại thầy
bảo. – Thầy bước lại gần tôi, nhìn chằm chằm vào mắt rồi đặt tay
lên vai tôi. – Em đừng về nhà nữa. Antưnai, em có hiểu thầy
không?
Tôi lặng người đi vì kinh
hãi. Bây giờ tôi mới hiểu thím tôi định làm gì tôi.
Thầy Đuysen nói:
- Thầy sẽ chịu trách nhiệm
về em. Em ở tạm nhà bác Kartanbai với thầy. Và lúc nào cũng phải
đi theo thầy.
Chắc hẳn lúc ấy tôi không
còn chút máu mặt nào nữa. Thầy Đuysen lấy tay nâng cằm tôi lên,
nhìn thẳng vào mắt tôi và mỉm cười như mọi khi:
- Antưnai, em đừng sợ! -
Thầy vừa cười vừa nói. - Thầy còn ở bên em, thì em không phải sợ
ai cả. Em cứ học đi, cứ đến trường như cũ và đừng nghĩ ngợi gì…
Vì thầy vẫn biết là em nhát lắm. Và nhân đây thầy kể cho Antưnai
nghe một câu chuyện mà thầy đã định kể từ lâu – thầy Đuysen lại
phì cười, hẳn đang nhớ lại điều gì ngộ nghĩnh – Chắc em còn nhớ
có lần cụ Kartanbai dậy thật sớm và biến đi mất ấy. Té ra cụ đi
mời… cụ dẫn ai về nhà em có biết không? Dẫn bà lang Giainakôva
về. Thầy hỏi: “Làm gì thế bác?”. Cụ trả lời là: “Ấy để cho bà ấy
cúng bái một chút đi gọi hồn nó về, không thì con bé sợ quá hồn
xiêu phách lạc đi đâu mất”. Thầy nói: “Mời bà ấy ra đi, không
lại phải cúng cho bà ấy một con cừu mất thôi. Mà nào nhà mình có
giàu có gì cho cam. Ngựa cũng chả có mà cúng, có mỗi con thì
cúng bầy chó sói mất rồi…”. Còn em thì lúc đó đang ngủ say. Thế
là thầy đuổi cổ được mụ thầy cúng ra khỏi nhà. Về sau cụ
Kartanbai giận thầy suốt một tuần lễ, không thèm trò chuyện với
thầy. Ông cụ nói: “Tôi già cả thế này mà anh còn chơi khăm tôi”.
Nhưng ông cụ, bà cụ là những người phúc hậu, hiếm có những người
tốt như thế. Thôi bây giờ ta về đi, Antưnai…
Dù tôi có cố gắng can đảm
lên bao nhiêu cho thầy Đuysen khỏi bận tâm, những ý nghĩ lo sợ
cũng vẫn không buông tha tôi. Vì bất thần lúc nào thím tôi cũng
có thể đến cưỡng bức lôi tôi đi. Rồi ở nhà họ muốn làm gì thì
làm, không ai ở trong làng cấm được họ cả. Suốt đêm tôi trằn
trọc không ngủ được vì mải lo nghĩ tới tai hoạ sắp đến.
Tất nhiên thầy Đuysen hiểu
rõ tâm trạng tôi. Cũng có thể vì muốn xua đuổi những ý nghĩ đen
tối đó của tôi nên ngày hôm sau thầy mang về trường hai cây
phong nhỏ. Sau buổi học, thầy cầm tay tôi dẫn sang một bên.
Thầy mỉm một nụ cười bí ẩn
và bảo tôi:
- Antưnai, bây giờ thầy
với em cùng làm chung một việc. Hai cây phong này thầy mang về
cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên,
ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một
người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao
giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thông thái. Thầy tin
như vậy, em ạ, số phận em nhất định sẽ như thế. Em bây giờ trẻ
măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này. Antưnai ạ,
ta sẽ tự tay trồng lấy hai cây phong này. Và mong sao em sẽ tìm
thấy hạnh phúc trong học tập, ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy
ạ…
Hai cây phong ấy còn non,
vừa cao bằng người tôi, thân biêng biếc. Và khi hai chúng tôi đã
trồng xuống khoảng đất cạnh trường, từ chân núi đưa lên một làn
gió nhẹ, lần đầu tiên chạm vào những khóm lá bé lăn tăn như thổi
một luồng sinh khí vào chúng. Mấy khóm lá run rẩy, hai cây phong
bắt đầu lay động, đung đưa…
- Em trông, đẹp chưa kìa!
– Đuysen cười, lùi lại ngắm. – Bây giờ ta hãy đào một đường dẫn
nước ở ngọn suối đằng kia về. Rồi em sẽ thấy hai cây phong của
chúng ta đẹp đến nhường nào! Chúng nó sẽ đứng trên ngọn đồi này,
sát cánh nhau như hai anh em. Và mọi người sẽ luôn luôn nhìn
thấy chúng và những người lành sẽ thấy lòng vui lên khi nhìn
thấy chúng. Đến khi ấy cả cuộc sống cũng sẽ khác, Antưnai ạ. Tất
cả những gì đẹp nhất đều hãy còn ở phía trước…
Ngay cả bây giờ tôi cũng
không sao tìm được những lời lẽ có thể nói lên ít nhiều lòng cảm
kích của tôi trước tâm hồn cao thượng của Đuysen. Còn khi ấy,
tôi chỉ đứng yên nhìn thầy. Tôi nhìn Đuysen như thể lần đầu tiên
tôi được thấy hết vẻ đẹp sáng ngời trên gương mặt thầy, tấm lòng
trìu mến và trung hậu ánh lên trong đôi mắt thầy, dường như
trước kia tôi chưa từng biết đôi bàn tay của thầy mạnh mẽ và
khéo léo như thế nào trong lao động, nụ cười trong sáng của thầy
có có sức sưởi ấm lòng người đến nhường nào. Và trong lòng tôi,
như một đợt sóng nồng nàn, bỗng cuộn lên một tình cảm mới mẻ mà
tôi chưa hề biết, từ một thế giới xa lạ nào lan tới. Và cả tâm
hồn tôi như vươn mạnh đến Đuysen, để nói với người: “Thầy ơi, em
cảm ơn thầy đã sinh ra với một tâm hồn đẹp đẽ như vậy…Em muốn ôm
hôn thầy!” Nhưng tôi e ngại không dám nói lên những lời ấy. Đáng
lẽ tôi nói ra mới phải.
Lúc ấy chúng tôi chỉ đứng
yên dưới vòm trời trong sáng giữa vùng đồi xuân xanh mơn mởn,
mỗi người theo đuổi một ước mơ riêng. Và giờ phút ấy tôi quên
bẵng mối nguy cơ đang lơ lửng trên đời tôi. Thậm chí tôi cũng
không hề nghĩ xem ngày mai đây cái gì đang chờ đợi tôi và cũng
không nghĩ xem tại sao đã hai ngày nay thím tôi không đi tìm
tôi. Có lẽ họ đã quên tôi chăng, hay họ đã đành chịu để mặc tôi.
Nhưng thật ra Đuysen lại đang nghĩ đến điều đó.
- Em đừng buồn, Antưnai ạ,
ta sẽ tìm ra lối thoát, – Đuysen nói khi chúng tôi trở về thôn,
– Ngày kia thầy sẽ lên huyện. Thầy sẽ bàn việc của em với các
đồng chí trên ấy. Có lẽ họ sẽ nghe thầy mà cho em lên tỉnh học.
Em có muốn không?
- Thầy đã nói sao, em cũng
xin vâng lời, – tôi đáp.
Tuy tôi không hình dung
được trên tỉnh ra sao, nhưng những lời của Đuysen nói cũng đủ
sức để tôi ước mơ cuộc sống ở thành thị. Có khi tôi thấy sợ hãi
trước cảnh sống xa lạ nơi đất khách quê người, có khi tôi lại
quyết tâm ra đi – nói tóm lại bấy giờ trong trí óc tôi không lúc
nào không lởn vởn những tỉnh với thành.
Và hôm sau, trong khi ngồi
học, tôi cũng chỉ nghĩ đến việc ấy: tôi sẽ sống ở tỉnh ra sao và
biết ở nhà ai? Nếu có ai cho tôi ở nhờ, tôi sẽ bổ củi, xách
nước, giặt giũ, họ sai gì tôi cũng làm. Tôi đang suy nghĩ liên
miên như thế trong khi ngồi học thì bỗng giật mình thảng thốt
khi chợt nghe tiếng vó ngựa dồn dập sau mấy bức vách ọp ẹp của
ngôi trường chúng tôi. Những tiếng động ấy đột ngột quá và mấy
con ngựa phi nhanh quá, đến nỗi tưởng như chúng sắp xéo bừa lên
ngôi trường. Chúng tôi ai nấy đều nín thở, chờ đợi.
- Các em đừng để ý, cứ lo
việc của các em đi, - Đuysen nói nhanh.
Nhưng lúc ấy cánh cửa bỗng
mở toang nghe đánh sầm một tiếng và trên ngưỡng cửa thím tôi
hiện ra, trên môi nở nụ cười hả hê nanh ác, đầy vẻ thách thức.
Đuysen bước ra cửa.
- Bà đến có việc gì?
- Đến có việc chẳng dính
dáng gì đến mày. Tao đem con tao đi gả chồng. Ê! Cái con cầu bơ
cầu bất kia! – Thím chồm về phía tôi, nhưng Đuysen đã chặn lối.
- Ở đây toàn là nữ sinh
cà, chưa có em nào gả chồng được! – Đuysen nói, giọng rắn rỏi và
điềm tĩnh.
- Để rồi xem. Ê! Bọn đàn
ông! Bắt lấy con chó chết ấy, lôi nó ra! Thím tôi giơ tay vẫy
một tên trong bọn cưỡi ngựa. Đó chính là cái lão mặt đỏ đội mũ
da cáo. Thêm hai tên nữa cầm những chiếc gậy nặng vót nhọn xuống
ngựa theo sau lão ta.
- Đồ chó lộn nòi, sao mày
lại dám tự tiện xem con gái nhà người ta như vợ mày thế hả? Thôi
cút đi!
Nói đoạn tên mặt đỏ xông
vào Đuysen như một con gấu.
- Các người không có quyền
vào đây, đây là trường học! – Đuysen nói, hai tay nắm chặt lấy
thành cửa.
- Tôi đã bảo mà! – Thím
tôi rít lên – Hắn hú hí với con ấy đã lâu. Hắn rủ rê con chó đẻ
ấy đến đây để hưởng không!
- Tao nhổ toẹt vào cái
trưởng học của mày! – Lão mặt đỏ gầm lên, tay hoa chiếc roi da.
Nhưng Đuysen đã nhanh tay
hơn hắn. Thầy giơ chân đạp mạnh vào bụng hắn. Hắn kêu lên một
tiếng và ngã xuống. Ngay lúc ấy hai tên cầm gậy nhọn xông vào
Đuysen. Lũ trẻ con kêu rú lên và chạy bổ về phía tôi. Cánh cửa
bị xô mạnh vỡ ra từng mảnh. Tôi lao vào đám đánh nhau, lôi theo
cả lũ trẻ đang bíu vào người tôi.
- Buông thầy giáo ra!
Không được đánh! Tôi đây, bắt tôi đi chứ không được đánh thầy
giáo!
Đuysen quay lại nhìn. Mình
mẩy Đuysen máu me bê bết, vẻ căm giận trông rất khủng khiếp.
Thầy cúi xuống đất lấy một tấm ván khoa lên, quát:
- Chạy đi các em, chạy về
làng! Antưnai, chạy đi! – Tiếng kêu của Đuysen nghẹn ngào thành
tiếng nấc.
Chúng nó đã đánh gãy tay
Đuysen; thầy ép cánh tay vào ngực, bước lùi lại, còn bọn kia
thấy thầy không còn sức chống cự, liền xông vào đánh thầy, rống
lên như một đàn bò dại.
- Đánh! Đánh! Đập vỡ đầu
nó ra! Đánh chết nó đi!
Thím tôi và lão mặt đỏ hầm
hè xông vào tôi. Họ lấy bím tóc của tôi quấn quanh cổ tôi và lôi
xềnh xệch ra sân. Tôi cố sức vùng dậy và thoáng một giây tôi
trông thấy đám bọn trẻ đờ người ra gào thét và Đuysen đứng cạnh
tường, mình đầy những vết máu đen thẫm.
- Thầy ơi!
Nhưng Đuysen không thể có
cách gì cứu tôi được. Thầy hãy còn đứng được, nhưng loạng choạng
như người say rượu dưới trận đòn của lũ ác ôn. Mái đầu Đuysen
gục xuống ngực, thầy cố ngẩng lên trong khi bọn vô lại ra sức
đánh thầy. Bọn chúng vật tôi xuống và trói tay tôi lại. Trong
lúc đó Đuysen lăn lộn trên mặt đất.
- Thầy ơi!
Nhưng bọn chúng đã bịt mồm
tôi lại và xốc tôi nằm vắt ngang trên yên ngựa.
Lão mặt đỏ đã lên ngựa,
hai tay và ngực lão đè lên người tôi. Hai tên đang đánh Đuysen
cũng lên yên. Thím tôi thì chạy bên cạnh và nện vào đầu tôi.
- Thấy chưa! Thấy chưa!
Tao tống tiễn mày đi như thế đấy! Còn thằng thầy mày thì hết
kiếp rồi…
Nhưng không, thầy tôi chưa
hết kiếp. Từ phía sau bỗng vang lên một tiếng kêu tuyệt vọng:
- Antưna-a-ai!
Tôi chật vật ngẩng mái đầu
đang buông thõng bên yên ngựa và nhìn lại, Đuysen đang chạy theo
sau. Bị đánh gần chết, máu me bê bết, thầy cầm một hòn đá lớn
đuổi theo. Và sau lưng thầy, cả lớp cũng vừa kêu khóc vừa chạy
theo.
- Đứng lại! Đồ thú dữ!
Đứng lại! Buông nó ra, buông ra! Antưnai! – Đuysen đuổi kịp quát
lên.
Bọn hung đồ kìm ngựa, hai
tên kia cho ngựa quay lại kèm hai bên Đuysen. Đuysen cắn lấy ống
tay áo cho cánh tay khỏi vướng, nhắm đích và ném hòn đá, nhưng
không trúng. Hai tên kia liền đâm hai nhát gậy nhọn vào Đuysen,
khiến thầy ngã xuống một vũng nước. Mắt tôi hoa lên, tôi chỉ kịp
nhận thấy lũ trẻ trường chúng tôi chạy lại chỗ thầy, vẻ sợ hãi.
Tôi không nhớ chúng đem
tôi đến đâu và như thế nào. Tôi tỉnh dậy trong một căn lều vải.
Những ngôi sao đầu hôm, trầm tĩnh, không chút ưu tư, dòm qua
chóp lều để hở. Gần đâu đây một con sông chảy róc rách và nghe
văng vẳng có tiếng nói chuyện của những người chăn cừu đêm. Bên
bếp lửa đã tàn lụi có một bà già lầm lì, người khô đét như que
củi đang ngồi yên. Mặt bà ta đen xạm như màu đất. Tôi ngoảnh đầu
sang phía bên kia. Ôi, giá cái nhìn của tôi có thể giết chết
được lão ấy!
- Mụ đen, đỡ nó dậy. – Lão
mặt đỏ ra lệnh.
Người đàn bà đen đủi đến
bên cạnh tôi và đưa bàn tay khẳng kheo lay vai tôi.
- Mụ bảo con bạn mụ cho nó
biết điều, không nghe cũng không xong đâu: ta sẽ không nhiều lời
với nó.
Hắn ra khỏi lều. Còn người
đàn bà, mặt đen xạm thậm chí cũng chẳng buồn nhúc nhích và chẳng
nói lấy nửa lời. Có lẽ bà ta câm chăng?… Đôi mắt đờ dẫn như màu
tro lạnh của bà ta nhìn thẫn thờ, không biểu lộ một cảm xúc gì
hết. Có những con chó bị đánh đập liên miên từ khi còn bé. Những
con người độc ác luôn luôn bạ gì vớ nấy đánh vào đầu chúng và
chúng cũng quen dần đi. Nhưng trong khoé nhìn của chúng có một
vẻ gì âm thầm, trống trải đến nỗi trông mà ghê người. Tôi nhìn
vào đôi mắt không hồn của người đàn bà mặt đen xạm và có cảm
giác như chính tôi bây giờ cũng không còn sống nữa, tôi đang nằm
dưới mộ. Tôi đã sẵn sàng tin như vậy, nếu không có tiếng nước
róc rách từ ngoài sông đưa lại. Dòng nước cuồn cuồn vỗ vào các
ghềnh đá – nước nó được tự do.
Thím ơi, tâm hồn thím sao
mà đen tối đến thế, thím thật đáng muôn đời nguyền rủa! Hãy chết
sặc trong nước mắt và máu của tôi!… Đêm hôm ấy mới mười lăm tuổi
đầu, tôi đã không còn là một người con gái trinh trắng nữa… Tôi
còn ít tuổi hơn con cái tên hung đồ…
Đến đêm thứ ba nhất quyết
trốn đi, dù có sao cũng mặc. Dù có lạc đường hay bị bọn hung đồ
đuổi kịp, tôi cũng sẽ chống cự cho đến hơi thở cuối cùng như
Đuysen thầy tôi.
Trong đêm tối, tôi lặng lẽ
lần ra phía cửa lều. Tôi sờ lên cửa thì thấy nó đã bị buộc chặt
bằng một sợi dây thừng tết bằng lông đuôi ngựa. Nút dây xiết
cứng rắc rối, tối mịt thế này không thể mở ra được. Tôi bèn cố
vén thành lều lên để tìm cách bò ra ngoài. Nhưng dù tôi cố sức
bao nhiêu cũng không sao vén được: ở phía ngoài cũng có những
sợi chão căng sát vách lều xuống đất.
Chỉ còn cách tìm một cái
gì sắc cạnh để cắt những sợi dây buộc cửa. Tôi bắt đầu lục lọi
chung quanh, nhưng không tìm thấy gì ngoài một cọc gỗ nhọn.
Trong cơn tuyệt vọng tôi bắt đầu lấy cọc đào đất dưới vách lều.
Dĩ nhiên làm như vậy cũng chỉ uổng công, nhưng lúc bấy giờ tôi
không còn hay biết gì nữa. Trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ vô
hi vọng – cố thoát ra khỏi chốn này hay là chết, miễn sao đừng
phải ở lại đây; có chết thì cũng chết tự do, chết trong khi
chống chọi với chúng, chứ không thể chịu khuất phục.
Tôkôn nghĩa là vợ lẽ. Ôi,
sao tôi căm thù hai tiếng này đến thế! Ai đã nghĩ ra hai tiếng
ấy, nó sinh ra từ những thời quái gở nào? Còn gì có thể ô nhục
hơn tình cảnh của người vợ lẽ, bị ép buộc một bề, một kẻ tôi mọi
cả về thể xác lẫn linh hồn? Hỡi những người khốn khổ kia, hãy từ
đáy mộ đứng lên, hỡi oan hồn của những người đàn bà bị chà đạp,
bị lạng mạ, bị tước hết phẩm cách làm người! Hãy đứng lên, hỡi
những người bị đoạ đày hành hạ, hãy lay chuyển bóng tối đen đặc
của thời xưa ấy! Hãy nghe tôi, người cuối cùng trong những người
đã bước qua số kiếp ấy!
Đêm ấy tôi có hay đâu rằng
sau này tôi sẽ thốt lên những lời kia. Tôi cứ hăm hở, mê mải đào
đất dưới vách lều. Mặt đất ở chỗ ấy lởm chởm những đá không sao
đào được. Tôi cào bằng móng tay, mấy ngón tay tôi toạc rách rớm
máu. Và đến khi lỗ đào đã vừa rộng để thò tay ra ngoài lều thì
trời đã hửng sáng. Chó sủa ran, người ở các lều bên đã bắt đầu
thức dậy. Có tiếng vó rầm rập của một đàn ngựa phi qua lều xuống
sông uống nước. Những đàn cừu ngái ngủ kéo qua, thở phì phò. Rồi
có ai đến cạnh lều, tháo cởi những sợi chão căng ở ngoài và bắt
đầu đỡ các tấm nỉ lợp lều. Đó là người đàn bà mặt đen trầm lặng.
Thế nghĩa là thôn du mục
này sắp rời đi nơi khác. Tôi chợt nhớ ra rằng hôm qua tôi tình
cờ nghe loáng thoáng họ nói sáng nay sẽ dời đến cắm lều ở trên
đèo, tới chỗ chăn thả mới rồi sẽ sang bên kia đèo, đi sâu vào
vùng núi ở suốt mùa hè trong ấy. Và tâm hồn tôi lại càng nặng
trĩu: từ đấy trốn đi còn khó gấp trăm lần.
Lúc nãy tôi ngồi cạnh lỗ
đào ra sao thì bấy giờ tôi cũng vẫn ngồi yên như thế, thậm chí
chẳng buồn nhích sang bên nữa. Tôi còn giấu giếm làm gì cơ chứ…
Người đàn bà mặt đen có trông thấy chỗ đất bị đào lên dưới vách,
nhưng cũng chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục làm công việc mình. Và
nói chung bà ta luôn có vẻ như không có việc gì dính dáng đến
mình cả, như thể không có gì trên đời này có thể gợi lên trong
lòng bà ta một mảy may cảm xúc. Thậm chí bà ta cũng không muốn
đánh thức chồng dậy, không dám xin hắn giúp mình một tay để thu
vén lên đường. Hắn đang ngáy như một con gấu, mình ngập dưới
đống chăn và áo khoác.
Những tấm dạ đều đã cuộn
lại, lều chỉ còn lại một cái sườn và tôi như ngồi trong một cái
lồng nhìn ra ngoài: cách đấy không xa, bên kia sông có mấy người
đang thắng yên ngựa và xếp đồ đạc lên lưng bò. Rồi tôi thấy ba
người cưỡi ngựa từ đâu bỗng phi về phía lều tôi đang ngồi. Thoạt
tiên tôi tưởng họ đi tập hợp mọi người lên đường, nhưng khi nhìn
kĩ lại tôi choáng người đi. Đó là Đuysen, còn hai người kia thì
đội mũ lưỡi trai công an, mặc áo khoác đính dải khuy đỏ.
Tôi ngồi thừ ra như người
chết rồi, thậm chí cũng không kêu lên được nữa. Tôi mừng quýnh
lên: thầy tôi vẫn sống! – và đồng thời tôi bỗng thấy lòng tôi
như trống hoác ra: nay tôi đã là một kẻ bỏ đi, một con người ô
uế…
Đầu Đuysen quấn băng, tay
cũng đeo băng. Thầy nhảy xuống ngựa, giơ chân đập sập cửa, chạy
vào lều và kéo phắt tấm chăn đắp trên người lão mặt đỏ.
- Dậy! – Đuysen giận dữ
quát.
Lão kia nhấc đầu lên, dụi
mắt rồi toan chồm lên người Đuysen, nhưng lập tức phải chịu im
khi thấy hai khẩu súng lục của hai người công an chĩa vào mặt.
Đuysen túm lấy cổ áo hắn lay mạnh rồi kéo đầu hắn vào sát mặt
mình.
- Đồ hèn mạt! – Đuysen nói
thì thào qua đôi môi trắng bệch. – Bây giờ phải đi theo ta! Đi!
Lão kia ngoan ngoãn cất
bước. Nhưng Đuysen lại nắm chặt lấy vai hắn rồi nhìn thẳng vào
tận mặt hắn nói, giọng đứt quãng:
- Mày tưởng đã giày xéo
lên Antưnai như xéo lên đám cỏ dại hẳn, mày tưởng đã hãm hại
được Antưnai?… Mày lầm! Thời của mày đã hết, bây giờ đến thời
của Antưnai, cái thời mà mày đã mạt kiếp rồi!…
Họ để cho tên mặt đỏ đi
ủng, trói tay hắn lại và xốc lên ngựa. Một trong hai người công
an cầm cương dắt đi, còn người kia cưỡi ngựa theo sau. Tôi ngồi
lên yên ngựa của Đuysen, còn thầy đi bộ bên cạnh.
Khi chúng tôi cất bước, ở
phía sau bỗng vang lên một tiếng rú man rợ, nghe không còn ra
tiếng người nữa: người đàn bà mặt đen đang chạy theo chúng tôi.
Như một người điên, bà ta nhảy chồm vào chồng, tay cầm một hòn
đá ra sức đánh vào chiếc mũ da cáo đội trên đầu hắn, miệng hét
thất thanh:
- Mày đã uống máu tao, đồ
sát nhân! Mày đã đày đoạ tao suốt đời! Quân giết người! Tao
không để cho mày sống mà đi khỏi nơi này đâu!
Chắc hẳn bốn mươi năm nay
bà ta không ngẩng đầu lên. Và tất cả những gì bấy lâu chồng chất
lại, sôi sục trong lòng bà ta, những gì vẫn đầu độc đời bà như
một loài cỏ đắng, giờ đây đã bùng nổ ra. Những tiếng rú the thé
của người đàn bà vang dội khắp các vách đá trong thung lũng. Bà
ta lồng lộn quanh lão mặt đỏ đang sợ sệt co rúm người lại, ném
vào lão ta nào đá, nào phân ngựa, nào những cục đất sét, vớ được
gì cũng ném, lớn tiếng nguyền rủa:
- Sao cho cỏ đừng mọc ở
những chỗ chân mày bước qua! Sao cho xương mày phơi trên đồng
nội, sao cho quạ mổ mắt mày đi! Cầu trời đừng bắt tao thấy lại
mặt mày lần nữa! Mày chết đi cho khuất mắt tao, đồ quái vật, mày
chết đi, chết đi, chết đi! – Bà ta thét, rồi im bặt, vừa kêu gào
vừa bỏ chạy. Có thể tưởng như bà muốn trốn thoát khỏi mớ tóc
đang bay tả tơi trước gió đuổi theo mình.
Mấy người láng giềng vừa
đến liền lên ngựa rượt theo.
Như một cơn ác mộng, đầu
tôi cứ váng lên. Mình mẩy ê ẩm, tôi đờ đẫn ngồi trên lưng ngựa.
Đuysen cầm cương đi trước một quãng. Thầy lặng thinh, mái đầu
quấn băng cúi gầm.
Đi mãi hồi lâu chúng tôi
mới ra khỏi cái thung lũng ghê rợn kia. Hai anh công an vượt lên
trước, cách chúng tôi khá xa. Đuysen cho ngựa dừng lại và lần
đầu tiên nhìn tôi, đôi mắt buồn rười rượi.
- Antưnai ơi, thầy không
bảo vệ được em, em tha thứ cho thầy nhé. – Đuysen nói, đoạn cầm
lấy tay tôi áp lên má. – Nhưng dù em có tha thứ đi nữa thì thầy
cũng không đời nào có thể tự tha thứ cho mình việc này được.
Tôi khóc nấc lên và gục
xuống bờm ngựa, Đuysen đứng cạnh, lặng lẽ vuốt tóc tôi và đợi
tôi nín khóc. Cuối cùng thầy nói:
- Em bình tâm lại, Antưnai
ạ, ta đi đi. Em nghe thầy nhé. Hôm kia thầy vừa lên huyện. Em sẽ
lên tỉnh học. em nghe thầy không?
Khi chúng tôi dừng lại bên
một ngọn suối trong veo tuôn chảy róc rách, Đuysen nói:
- Antưnai, em xuống ngựa
mà tắm một chút. - Thầy rút trong túi ra một miếng xà phòng nhỏ.
- Cầm lấy, Antưnai, cứ tha hồ dùng cho hết. Thầy sẽ ra kia cho
ngựa ăn cỏ một lát, em cởi áo quần xuống tắm đi. Và em hãy quên
những chuyện đã xảy ra, đừng bao giờ nhớ đến nữa. Tắm đi,
Antưnai, em sẽ thấy dễ chịu hơn. Được chứ?
Tôi gật đầu. Và khi Đuysen
đã dắt ngựa đi khuất, tôi cởi áo quần, thận trọng bước xuống
suối. Những viên sỏi trắng, tím, xanh, đỏ từ dưới lòng suối nhìn
tôi. Làn nước xanh lơ chảy xiết réo lên quanh mắt cá tôi. Tôi
lấy tay vốc nước vỗ lên ngực. Những dòng nước mát rượi chảy trên
thân thể tôi. Và tôi bất giác cất tiếng cười, lần đầu tiên trong
suốt mấy ngày hôm ấy. Được cười, thích biết bao nhiêu! Tôi luôn
tay vốc nước phả lên người rồi gieo mình xuống làn nước sâu.
Dòng suối băng băng cuốn tôi đến một cồn cát. Tôi đứng lên rồi
ngụp xuống xuống dòng nước chảy cuồn cuộn, tung bọt trắng xoá.
- Nước ơi, hãy cuốn đi tất
cả những bùn nhơ, những nỗi ô nhục của mấy ngày hôm nay! Hãy làm
cho tôi trong sạch như nước suối này! – Tôi thì thầm rồi cất
tiếng cười vô cớ.
Tại sao vết chân con người
không còn lại mãi mãi ở những nơi thân thiết, đáng ghi nhớ đối
với lòng họ? Giá giờ đây tôi có thể tìm lại con đường mòn mà
Đuysen đã đưa tôi xuống núi, tôi sẽ phục xuống đất và hôn lên
những vết chân của thầy tôi. Đối với tôi con đường mòn ấy là con
đường dẫn tới mọi con đường. Thiêng liêng và diễm phúc thay ngày
hôm ấy, con đường mòn ấy, con đường đã dẫn tôi trở về với cuộc
sống, với niềm tin mới vào bản thân mình, với những niềm hi vọng
mới, với ánh sáng… Cảm ơn ánh sáng mặt trời, cảm ơn mảnh đất
ngày hôm ấy…
PHẦN 1 |
PHẦN 2 |
PHẦN 3 | PHẦN 4
|
PHẦN KẾT