Có lẽ cuộc phỏng vấn này không làm cả cô Nguyễn Thị Bích Thủy lẫn phu quân của mình là thầy Đỗ Ngọc Trang hoàn toàn thoải mái. Bởi vì xưa nay, thầy cô luôn là một cặp “đi đâu cho thiếp theo cùng; đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Gia đình THKT cũng đã xác định tặng thầy cô ngoại hiệu TT Cali, một trong 3 đôi TT của THKT cho tới nay (hai đôi kia là TT Saigon: thầy Bùi Trung Tính và cô Huỳnh Thị Tuyết ở TP.HCM, và TT Colo: thầy Nguyễn Hữu Thành và cô Huỳnh Kim Thọ ở Colorado). Nhưng “giang hồ” THKT coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở để tạm thời tách đôi TT Cali ra, không phải chỉ vì cái tính “già không bỏ” của bọn tiểu đệ ma quỷ, mà cô Bích Thủy và thầy Trang đều có rất nhiều điều để “khui hầm”.
Cô Bích Thủy về THKT từ năm 1969, dạy hai môn chính Việt văn và Anh văn. Cô rời THKT năm 1972. Cô và phu quân cùng một số thầy cô trẻ và năng động, giàu tâm huyết khác như Cao Thành Phát, Võ Xuân Sơn, Bùi Trung Tính,… đã góp công thổi làn gió mới vào sinh hoạt của một ngôi trường trung học tỉnh lẻ biên giới. Những cuộc cắm trại toàn trường, những cuộc hội diễn văn nghệ, thi bích báo (báo tường), làm giai phẩm xuân,… đã được các thầy cô tổ chức.
Gia đình thầy cô rời Việt Nam vào những ngày cuối cùng của tháng 4-1975, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Hiện nay thầy cô sống tại thành phố nhỏ Elk Grove (bang California, Mỹ). Cô hiện là nhân viên Sở Xã hội tỉnh Sacramento (bang California).
Cô Bích Thủy và thầy Trang (hai người đứng ở bìa trái) trong những ngày mới sang Mỹ.
- 1. Thưa cô, Bích Thủy có nghĩa là nước xanh. Có lẽ sợ bị “đụng hàng” với cái tên mình, thầy Đỗ Xanh bèn gọi phu nhân là Nước Biếc. Thôi thì, xanh hay biếc cũng đều là màu đem lại sự tươi mát, màu của môi trường. Trong cuộc đời mình, cô sống như thế nào cho hợp với cái tên của mình?
– Cô cũng đang tự hỏi phải sống làm sao để mọi người quen biết mình may ra có cảm giác đang đi tắm biển vào một ngày đẹp trời.
- 2. Giang hồ THKT xếp cô vào một trong Tứ đại mỹ nhân THKT. Xin cô cho biết phản ứng của mình khi lần đầu tiên nghe cái danh hiệu này?
– Hết hồn. 40 năm trước, ông thầy nói “Cô Thủy đẹp”. Lúc đó rất thích. Từ đó cứ tưởng là đẹp thật… 40 năm sau, gặp lại bạn thân xưa, họ không nhận ra. Họ nói, “Sao xuống sắc quá vậy?”
(Kiến Đen: Xin cô yên tâm. Nhóm giám khảo bầu chọn Tứ đại mỹ nhân THKT ngày xưa bây giờ có thị lực cũng tỷ lệ thuận với tuổi tác rồi. Nghĩa là bây giờ nếu được cho bầu chọn lại, họ vẫn chọn 4 cô là Tứ đại mỹ nhân THKT.)
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy và thầy Đỗ Ngọc Trang trong ngày thầy Võ Xuân Sơn “sang ngang”. Đám cưới ngày 30-7 âm lịch năm Canh Tuất, tức 31-8-1970. Ảnh chụp trước nhà “nhạc phụ đại nhân” của thầy Sơn.
- 3. Con đường tới nghề giáo của cô thế nào?
– Cô không bao giờ dám nghĩ mình sẽ là nhà giáo vì không có khiếu ăn nói. Tuy nhiên hồi nhỏ tính tình cô rất tự nhiên và tự tin. Nhớ hôm thi vấn đáp vào giáo chức chánh ngạch, vị giám khảo hỏi, “Cô có nghĩ là cô nói quá chậm không?” Cô thản nhiên trả lời, “Nói chậm thì học trò dễ hiểu hơn. Học trò rất thích nghe giọng nói của tôi.” Thế là người ta… cho đậu.
(Kiến Đen: Có lẽ vị giám khảo đó cũng liều nhắm mắt qua truông vì không đủ kiên nhẫn để hỏi cô nhiều hơn. Cô làm Kiến Đen nhớ tới 2 câu chuyện. Chuyện thứ nhất: Hồi trước 1975 ở miền Nam có thời rộ lên chuyện mấy ông “đạo”, bà “đạo”. Hễ ai làm chuyện gì khác người – mà thầy Đỗ Xanh gọi là “dị nhân” – thì được gọi là “đạo” gắn với cái hành tung dị thường. Có một ông “đạo Chậm”, vì đi 3 bước lùi lại 2 bước. Bữa nọ ở trước chợ Bến Thành, ông ta “mót” quá nên “tè” đại ngoài đường, bị cảnh sát huýt còi, ông ta hoảng quá ba chân bốn cẳng chạy trốn, nên từ đó mất danh “đạo Chậm”. Chuyện thứ hai: Ở Mỹ, ông sếp có một thư ký nói năng rất đủng đỉnh. Bữa nọ, khi cô nàng báo với sếp là tàn thuốc rơi cháy chiếc cà vạt, nói dứt câu thì lửa đã cháy hết cái áo!)
- 4. Cơ duyên gì đưa đẩy cô về với THKT?
– Cô có người anh họ là Trưởng ty Y tế Kiến Tường, vì vậy cô đi theo anh. Thú thật lúc đầu chỉ nghĩ là đi dạy tạm để chờ đến hè về Saigon thi vào trường Nông Lâm Súc. Nhưng nhờ ơn Thiên Chúa ban cho, cô gặp thầy Đỗ Ngọc Trang, vậy là ở lại và theo nghiệp giáo dục luôn, không hối tiếc.
(Kiến Đen: Gia đình THKT mang ơn thầy Đỗ vì đã cho tụi em một cô giáo dễ thương và một trong Tứ đại mỹ nhân THKT. Vì nếu không, biết đâu trong lịch sử của Lò heo Chánh Hưng có ghi chép về một cô nữ bác sĩ thú y kiểm dịch xinh xắn nói giọng Huế!)
- 5. Hồi ở THKT, cô và thầy rất thích các hoạt động tập thể, xã hội, văn nghệ – gọi chung là văn thể mỹ. Thầy cô thuộc nhóm những thầy cô khởi xướng việc tổ chức cắm trại cho toàn trường. Đó chỉ là sự ham vui của tuổi trẻ hay thầy cô muốn gửi gắm điều gì cho lớp học trò tỉnh lẻ?
– Thích hoạt động với cộng đồng là bản tính của cô. Lúc cô về Kiến Tường, không khí hồi đó rất buồn, nên đề nghị với thầy Sơn, thầy Phát và thầy Trang tổ chức những sinh hoạt cho học trò vui với xuân, vui với hè. Làm những việc để vui với nhau, chứ không có những ý nghĩ sâu xa gì nhằm gửi gắm cho học trò.
- 6. Em vẫn còn nhớ ngày xưa cô dạy cho học trò múa bài Trống cơm để tham gia hội diễn văn nghệ Xuân. Cô có khiếu văn nghệ hay từng học qua trường lớp nào về văn nghệ?
– Hồi nhỏ, cô ở trong đoàn Công giáo Gia Long. Đoàn này được hướng dẫn bởi cô Phan Ngọc Quới, một giáo sư du học ở Mỹ về, tính tình rất phóng khoáng. Đoàn thường hay diễn kịch, làm báo, cắm trại, du khảo… Sau đó, với nhóm sinh viên trường ĐH Chính trị – Kinh doanh Đà Lạt thì cô có sinh hoạt cộng đồng rất nhiều. Khả năng sinh hoạt cộng đồng mà cô có được là nhờ học hỏi từ những kinh nghiệm đó.
- 7. Điều gì đọng lại sau những năm cô ở THKT?
– Nhớ nhất là kỷ niệm một buổi tối các thầy Sơn, Phát, Trang và cô vào tòa hành chánh tỉnh mượn chiếc máy quay Ronéo để in báo Xuân. Chiếc máy khá nặng phải dùng xe ba gác để chở. Cô được ngồi trên xe với chiếc máy. Ba thầy phải đẩy máy từ tòa tỉnh về trường. Thật là vui.
Nhớ người học trò ruột mỗi năm khi tết về.
Nhớ những bài hát “sến” của học trò mỗi độ hè về hay tết đến. Hồi đó thì nghe thấy buồn cười, nhưng khi xa rồi mới thấy rất nhớ và thương, đôi khi chảy nước mắt được.
(Kiến Đen: Cô quả là một người dũng cảm, không sợ mếch lòng ai. Trước giờ, đi phỏng vấn, ai nấy cũng đều nói là “nhớ Kiến Đen” để không làm mất lòng người phỏng vấn mình.)
- 8. Có điều gì khiến cô mãi day dứt ở THKT?
– Nghĩ lại thì thấy hồi đó sao khờ quá, chỉ biết sống theo bản tính vô tư mà không biết giữ gìn ý tứ. Ước gì nếu trở lại KT và làm lại từ đầu thì sẽ ý tứ hơn và sẽ yêu học trò của mình nhiều hơn.
(Kiến Đen: Ồ, nếu hồi THKT, cô không sống vô tư, chan hòa với đồng nghiệp và học trò thì bây giờ liệu có ai còn nhớ đến một cô Bích Thủy như thế này!)
- 9. Cô Huỳnh Trung Dung đã từng nếm mùi nước lụt ở Kiến Tường (lóp ngóp với chiếc áo dài trong nước lụt do lật xuồng). Còn cô có kỷ niệm vui buồn gì với mùa nước lụt ở Kiến Tường không? Lần đầu tiên gặp mùa nước lụt, cô có sợ không?
– Cô chưa hề nếm mùi nước lụt tới mức phải di chuyển bằng xuồng. Có lần nước lên cao, nhưng không phải lụt, lại rất thích vì được xem cá con bơi loanh quoanh.
- 10. Cô còn nhớ ấn tượng đầu tiên khi cô gặp thầy Đỗ ở THKT? Có điều gì làm cho thầy Đỗ nổi bật hơn các thầy khác?
– Lần đầu tiên cô gặp thầy Trang ở văn phòng nhà trường. Trong văn phòng có nhiều người nhưng không hiểu sao cô chỉ thấy có một mình thầy Trang…. Lúc ấy thật sự tinh tú quay cuồng…. Những ngày tháng sau đó dù chiến tranh, dù nước ngập, rắn, muỗi, đỉa… cô đều coi như “pha”. Kiến Tường không còn là đất lưu đày nữa mà đây là chốn của tình yêu.
(Kiến Đen: Không biết có khi nào thầy cô từng có ý nghĩ về Mộc Hóa dựng bia kỷ niệm không nhỉ? Hôm rồi, nghe thầy Đỗ tiết lộ từng khắc tên thầy cô trên một gốc cây trong Núi Đất, báo hại hai bạn Phạm Văn Định và Dương Tấn Lương đã xách máy ảnh vào đi rà từng gốc cây trong Núi Đất để tìm. Khi nghe hai bạn báo tin sẽ làm một cú bất ngờ làm quà tặng thầy cô, Kiến Đen hồi hộp muốn chết, vì sợ bị “văng miểng”, bởi Kiến Đen cũng từng cúp cua ra Núi Đất hì hục khắc tên người ta, nhưng không giống ông thầy của mình, Kiến Đen khắc mỗi người ta một gốc cây! Hú vía cho Kiến Đen, nhưng buồn cho thầy cô vì ở Núi Đất đâu còn cây nào thọ hơn 30 năm.)
- 11. Theo tiết lộ của một đồng nghiệp THKT rất thân với cô, người mà cô coi như bà chị và thường tâm sự những vui buồn, khi thầy Đỗ đổi về dạy ở Rạch Kiến (Tân An), cô treo một chiếc áo thun của thầy Đỗ ở đầu giường cho đỡ nhớ. Có những lúc cô vùi mặt vào chiếc áo mà khóc. Xin được hỏi là chừng bao lâu thì chiếc áo thun đó “tỏa hương” khiến cô phải “xếp tàn y lại để dành hương”?
– Lúc đầu khi nghe nói vụ này, cô thật sự không nhớ nên mạnh mẽ phủ nhận. Sau được một vài em nữ sinh e-mail cho biết họ chính mắt thấy cô mặc áo thun của thầy. Vậy chuyện ấy phải có thật. Tiện đây xin lỗi thầy Tính, trò Phước, và trò Bách vì đã làm quí vị “quê” độ. Có lẽ bây giờ cô đang có triệu chứng mắc bệnh Alzeimer nên quên nhiều lắm. Xin lỗi nhe.
(Kiến Đen: Ồ, xin cô chớ quá bận tâm. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, hằng hà sa số người đã, đang và sẽ làm như cô – chỉ có khác là họ chưa bị “bại lộ”. Ngày xưa vua Tự Đức thương nhớ Bằng Phi tới mức đã làm một điều mà không bậc đế vương nào chịu công khai làm: “xếp tàn y lại để dành hương”. Xin mời click vào đây để đọc lại “kỳ án chiếc áo thun TT Cali”.)
- 12. Cô có đôi mắt rất đẹp. Nhưng hồi ở THKT, cô thường mang cặp kính mát sậm màu to đùng. Chẳng hay là vì cô sợ cái nắng chói chang của Đồng Tháp Mười hay là muốn dành đôi mắt đẹp đó cho một mình thầy Đỗ độc quyền ngắm?
– Cô đeo kính vì thích giống tài tử ciné… Sau nữa thích đeo kính vì… muốn che những khuyết điểm trên mặt của mình.
(Kiến Đen: Hỏi cô cho vui vậy thôi, chứ ngày xưa ở THKT, hầu như cô giáo đẹp nào cũng khoái cái “mode” kính đen to tướng như vậy. Cô Huỳnh Trung Dung, cô Trần Thị Trị, cô Hoàng Thị Thịnh, cô Kim Sa,… Hơn nữa, Kiến Tường dư nắng và nhiều bụi. Ôi, cô làm Kiến Đen xúc động khi liên tưởng tới chính mình phải nhìn cuộc đời qua hai mảnh ve chai. Ở tuổi nào đó – thường ngắn ngủi, người ta có quyền lựa chọn đeo hay không đeo kính. Sau đó, người ta bắt buộc phải lựa chọn: muốn nhìn mọi vật rõ ràng hay mờ ảo.)
- 13. Thầy Đỗ Hiền triết có bộ râu bạc trắng rất đẹp, mà học trò gọi là bộ râu Thánh Pierre. Vậy cô có điều gì thích, điều gì không thích ở bộ râu của phu quân mình?
– Thích vì bộ râu trắng khiến thầy trông đạo mạo hơn.
Không thích vì tuy có râu, nhưng trông thầy lại có vẻ trẻ hơn cô nhiều quá.
(Kiến Đen: Ôi, hình như rất lâu rồi cô chưa đi khám lại thị lực của đôi mắt phải không ạ. Thật ra, thầy Đỗ trông trẻ trung vì cả đời thầy chỉ tập trung yêu có mỗi mình cô. Có lẽ, lúc này, có ai đó xì một tiếng: “Trẻ mà như vậy cũng hoài phí đi!”)
- 14. Cô và thầy cùng dạy Việt văn. Hồi ở THKT, hai người hỗ trợ cho nhau thế nào? Và bây giờ, cô có tham gia gì trong thú viết lách của phu quân? Có khi nào hai người không cùng một quan điểm về một vấn đề nào đó? Nếu có thì những lúc đó, cô tung chiêu gì?
– Về phưong diện văn học, những sự hiểu biết của cô là học ở thầy. Ít khi có sự khác biệt, mà nếu có thì cô nhịn thầy với câu kết, “Không nói nữa. Cứ để cho người ta cười cho.”
- 15. Trong PPS “Merry Christmas” mà chị Vân Hồng tìm chọn và chia sẻ trong mục Ngẫm và Nghĩ có một slide nói rằng: “Nếu cha mẹ bạn còn sống và chung sống với nhau,… khó tìm được một người như bạn lắm, ngay cả ở nước Mỹ.” Điều đó phản ánh một thực trạng là trong xã hội ngày nay, người ta rất dễ trở thành diễn viên của những cuộc hôn nhân nhiều tập, giống như phim truyện truyền hình Mỹ có lắm episode. Bí quyết gì để Đỗ Nguyễn Gia trang luôn là một mái ấm hạnh phúc?
– Cô và thầy cả hai đều không có bí quyết gì cả. Thầy cô lấy nhau vì tình. Chắc chắn là như vậy. Hôn nhân với tình yêu đích thực sẽ là tình yêu vĩnh cửu. Thương Hoài Không Thôi. Cũng có lẽ một phần là nhờ nền giáo dục từ tôn giáo và một phần vì thầy có tính lãng mạn nên duy trì được sự thơ mộng lâu dài.
(Kiến Đen: Thầy Đỗ hội tụ cả hai tính cách: lãng mạn và gallant. Điều này thì Kiến Đen có thể làm chứng, ngay từ thời còn ở THKT cho tới bây giờ ở Đỗ Nguyễn Gia trang. Nhưng có lẽ nên nói thêm: thầy lãng mạn một cách mô phạm.)
Thầy Đỗ Ngọc Trang, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, em Hoàng Teresa Kim Thư (vị hôn thê của em Duẫn) và em Đỗ Duẫn Martin (con trai thầy cô). Ảnh chụp Noel 2010.
- 16. Nghe nói là gia đình thầy cô rất thích hôn nhau? Đó là minh chứng hay là bí quyết của một gia đình hạnh phúc?
– Cô rất thích được cả nhà… hôn (hôn má và hôn trán), thành ra cả nhà luôn hôn cô rất tự nhiên. Có lẽ lối bày tỏ tình cảm như vậy không hợp với văn hóa bên nhà phải không?
(Kiến Đen: Trong phóng sự ảnh về Đỗ Nguyễn Gia trang hồi tháng 9-2010, Kiến Đen có quảng bá về cái tập tục “cả nhà hôn nhau” của gia đình thầy cô và nhận xét đó là một trong những bí quyết giúp Đỗ Nguyễn Gia trang luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Hình như cũng có một số bà con THKT noi gương. Bằng chứng là vài bữa sau, một ông anh THKT gọi điện cho Kiến Đen mắng vốn: “Chú mày nói sao chớ tao mới dợt thử có đôi ba ngày mà nín thở muốn chết luôn!”)
- 16. Một ngày gần đây, cô sẽ trở thành bà nội. Vậy cô đã biết cách làm bà nội chưa? Và theo cô, bà nội phải như thế nào?
– Chưa biết cách làm bà nội. Có điều đã có sự rung động vì dù chưa có cháu đã thích được đặt tên cho cháu. Cô thích nhất là câu nói “khi nào tôi lớn lên, tôi rất thích giống bà nội của tôi”.
(Kiến Đen: Có lẽ đó là cháu gái. Bởi cháu gái sẽ kế thừa cái gien “mỹ nhân” và tài đảm đang, quán xuyến gia trang của bà nội. Chứ nếu cháu gái mà giống ông nội thì tội nghiệp cho… chồng cháu: ông nội có nhiều râu và mê Thiền. Còn nếu cháu trai mà giống bà nội thì mất công ông bác Kiến Đen phải dẫn đi Pattaya (khi xa người yêu, nữ mặc đồ của người yêu thì “vô tư”, chứ nam mà bận đồ nữ thì…)
- 17. Theo cô, có nên sửa lại câu nói của dân gian: “cháu bà nội, tội bà ngoại” thành “cháu bà ngoại, hại bà nội”?
– Cháu nội hay cháu ngoại đều là cháu cả.
- 18 Trong xã hội hiện nay, bất luận ở Việt Nam hay ở Mỹ, theo cô thì mẹ chồng chọn nàng dâu hay nàng dâu chọn mẹ chồng?
– Cả hai đều không ai chọn ai. Con cái có hạnh phúc của con cái. Mỗi gia đình là một đơn vị độc lập. Cha mẹ và con cái đều phải tôn trọng tự do của nhau và cha mẹ phải yêu thương con dâu thật lòng.
(Kiến Đen: Có lẽ ở đâu cũng vậy thôi ạ. Nói đơn giản là sự “biết điều” qua lại giữa đôi bên. Mẹ chồng mà không “lấy lòng” con dâu, nó về nó “đì” thằng quý tử của mình tới bến luôn.)
- 19. Cô vẫn luôn trang trọng đeo trên ngực cây thánh giá gỗ do phu quân làm cho. Phải chăng cô tìm thấy nơi đó sự nương tựa, chở che và tình yêu của hai người đàn ông mà cô yêu thương nhất đời, đó là Chúa Jesus và phu quân mình? (Xin hiểu là ở đây không có sự đánh đồng giữa hai nhân vật này.)
– Đường đạo thì có Chúa hướng dẫn. Đường đời thì chia sẻ chung với thầy.
Cây Thánh giá thầy tặng sẽ theo cô đến hết cuộc đời.
- 20. Hình như cô không thích thiền? Khi nhìn phu quân mình ngồi thiền, cô gọi đó là một kiểu ngủ ngồi. Những lúc đó cô làm gì?
– Cô không thiền được vì tâm rất động, nên cô tập thể dục. Nếu không tập thể dục từ 6’ đến 10’ mỗi ngày để dãn các cơ bắp thì đau lắm.
- 21. Thầy Đỗ tiết lộ là cô làm ở sở xã hội tỉnh Sacramento (bang California) nên có nhiều điều kiện để trợ giúp những người khó khăn, hoạn nạn. Vậy thì khi gặp một người gốc Việt tới tìm sự trợ giúp của sở xã hội Mỹ, cô có ưu tiên hơn không?
– Bất cứ ai nghèo đều được giúp đỡ. Gặp người Việt, cô cố gắng giúp đỡ họ hết mức tối đa và còn chỉ cho họ những quyền lợi mà họ có thể hưởng.
- 22. Làm việc lâu năm trong ngành xã hội ở Mỹ, nhất là ở nơi có nhiều người Việt sinh sống, cô thấy điều gì đáng lưu ý về mặt xã hội ở cộng đồng người Việt ở Mỹ ngày nay?
– Hầu hết gia đình không còn 3 thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái sống chung với nhau. Do đó không còn những đụng chạm mâu thuẫn về văn hóa. Đa số người Việt đã hội nhập đời sống Mỹ. Tuy nhiên những giá trị dân tộc thì vẫn còn. Chẳng hạn như duy trì tiếng Việt, tổ chức ngày hội Tết, lập chùa, lập nhà thờ, và tôn kính cha mẹ…
Thầy cô TT Cali đón khách quý thầy cô Ngô Bảo Toàn (bìa trái và bìa phải) từ Việt Nam sang tại Đỗ Nguyễn Gia trang ỡ Elk Grove hồi tháng 11-2011.
- 23. Thầy cô từng tuyên bố Đỗ Nguyễn Gia trang luôn mở rộng cửa cho các thành viên THKT. Vậy lời tuyên bố này có giá trị tới chừng nào? Cô sẽ hành xử ra sao khi có ai đó ăn quen tới hoài, bởi ở Mỹ tiền nhà trọ, khách sạn rất đắt?
– Thầy cô rất yêu những thành viên của gia đình THKT. Từ Việt Nam qua đây lại là một công trình khó khăn. Vì vậy ai tới thăm thầy cô cũng là khách quí cả.
(Kiến Đen: Cảm ơn thầy cô. Được lời như cởi tấm lòng.)
- 24. 24 giờ trong một ngày của cô như thế nào ạ?
– 5 giờ sáng thức dậy. 7:30AM có mặt ở sở. 6:00PM tan sở. Về đến nhà là 6:30PM. Nấu nướng cơm chiều, vào mạng THKT. Đọc kinh tối. Lên giường 22:30PM.
- 25. Sau một tai nạn giao thông, cô bị chấn thương mấy đốt sống cổ. Cho tới nay, chúng vẫn hành cô khi trở trời và cô gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm, khi phải quay nhìn phía sau. Cô đã được cơ quan chức năng Mỹ cấp cho cái biển Handicap (tạm dịch: người tàn tật). Vậy, bây giờ, nếu muốn nhìn phía sau, cô làm thế nào? Cô sử dụng cái biển Handicap để làm gì? Và từ sau sự cố đó, thầy Đỗ đi phía trước (để mở đường) hay phía sau (để bảo vệ sau lưng) của phu nhân mình?
– Cô có thể nhìn nghiêng qua trái phải với một góc độ giới hạn nhỏ mà thôi. Lái xe thì hơi khó, nhất là khi de xe. Cô dùng thẻ handicap để được ưu tiên park xe gần cửa ra vào nơi công/tư sở. Nhờ tấm thẻ này, cô cũng không phải trả tiền park xe nơi công cộng. Vụ thầy Đỗ đi trước hay đi sau là câu hỏi chọc quê phải không? Thông thường cô đi trước vì cô muốn đi đâu thì đi. Thầy đi theo cho tiện.
(Kiến Đen: Ở Việt Nam, người ta gọi như vậy là “phu tòng phụ” hay “phụ xướng phu tùy”. Còn ở Mỹ thì lại là “lady first”. Cái này xin nói thêm, không có dính líu gì tới câu hỏi nhé: Hôm rồi có anh bạn hỏi Kiến Đen rằng câu “lady first” tương đương với câu thành ngữ nào trong tiếng Việt, Kiến Đen bảo rằng: “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.)
- 26. Khi đi đâu đó, thầy Đỗ lái xe, còn cô ngồi phía sau làm hoa tiêu chỉ đường theo bản đồ. Vậy có khi nào người lái không nghe theo lời hoa tiêu không? Nếu có, lúc đó, cô làm gì?
– Thầy không bao giờ không nghe lời chỉ đường của cô… Thầy đâu muốn bị lạc.
- 27. Thầy Đỗ đã về hưu. Còn cô thì khoảng nửa đầu năm 2011 cũng sẽ về hưu sớm. Thầy cô đã có plan gì cho đôi vợ chồng hưu?
– Việc đầu tiên là không làm gì hết chỉ ngồi nhìn trời nhìn đất. Sau đó sẽ đi du lịch. Đi đâu thì chưa biết. Sau đó cô sẽ trở lại trường học vào mùa Fall 2011 hay Spring 2012.
- 28. Cô muốn nhắn gửi điều gì cho Gia đình THKT?
– Cám ơn gia đình THKT đã cho thầy cô rất nhiều niềm vui. Cho cô cám ơn thêm đất Kiến Tuờng đã cho thầy cô hạnh phúc. Thầy cô rất yêu THKT.
- 29. Thay mặt thầy Đỗ Xanh, Chủ nhiệm Hãng tin THKT – Tin Hay Không Tin, em xin cảm ơn cô (hình như là phải cảm ơn luôn cả thầy thì mới fair play) đã “mất trọn một ngày trả lời sau nhiều ngày chuẩn bị và suy nghĩ” (như cô nói) để hoàn tất bài phỏng vấn này. Kính chúc Đỗ Nguyễn Gia trang mãi mãi là Ngôi Đền của Tình yêu – Hạnh phúc – Niềm vui.
Theo thông lệ, cô sẽ đề cử nhân vật nào cho lần phỏng vấn sắp tới của Hãng tin THKT – Tin Hay Không Tin?
– Cô đề nghị ta phỏng vấn đôi TT Colo, thầy Nguyễn Hữu Thành và cô Huỳnh Kim Thọ nhé.
KIẾN ĐEN
(Hãng tin THKT – Tin Hay Không Tin 8-1-2011)
Bàn làm việc của cô Bích Thủy tại nhà ở Elk Grove tháng 9-2010.
CÂU HỎI QUÁ GIANG:
- Từ bạn Nguyễn Thị Vân Hồng (Michigan):
Thưa cô, em xin phép được “quá giang” chút chút…
1 – Thầy Đỗ làm gì khi chuẩn bị “cua” cô, và thầy nói câu tỏ tình gì mà được cô “chấm”?
– Làm gì có chuyện “cua”. Thầy không nói gì cả, nhưng viết thư tỏ tình thì tuyệt vời. Có thể gọi đó là cách “cua” của thầy. Còn ngoài đời, hình như lúc nào cô cũng đi theo thầy tò tò. Vậy ai “cua” ai, cô cũng không rõ. Khi đi qua Mỹ, cô chỉ mang theo mình một túi thơ tình của thầy gửi cho cô.
(Kiến Đen: Cái này thì thầy Đỗ vốn am tường Việt văn đã vận dụng đúng câu dân gian nói rằng: “Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đánh chết voi!” Còn trong vụ này, có lẽ Kiến Đen phải quẳng dép xin xăm bởi: “Con cua mà biết thốt thưa. Ngoắc càng chỉ rõ ai cua người nào.”)
2- Tại THKT thời đó, ngoài thầy Đỗ, còn có ai “rấp ranh” “cao cung” “bắn sẻ“ trái tim cô?
– Hồi đó gặp thầy, cô chỉ biết có thầy nên mắt không còn thấy ai khác.
3 – Khi vừa gặp nhau, nghĩa là lần đầu đụng mặt với thầy Đỗ, trái tim cô “có lỗi nhịp” nào không? (mượn chữ của KĐ)
– Có chứ, như động đất. Tim lỗi nhịp loạn cả lên. Đã nói rồi là không còn thấy ai khác.
4 – Nhìn hình, thấy cô có mái tóc, khuôn mặt và đặc biệt có cái trán dô giống như tài tử Ali Mc Graw trong cuốn phim Love Story. Người ta nói, ai có cái trán như thế thì có chút “bướng bỉnh” cô thấy vậy không? Và nếu có, thì thầy làm gì để “dỗ” cô?
– Vô cùng kiên cường. Cô rất hiền nếu… không ai cãi lại mình từ việc nhỏ đến việc lớn.
(Kiến Đen: Nói có cây sồi ở bên hông phải Đỗ Nguyễn Gia trang làm chứng, trong việc quán xuyến rất thành công gia trang của mình, cô Bích Thủy rất dân chủ, không gia trưởng áp đặt, cô cho mọi thành viên trong gia đình mình có tới 3 quyền lựa chọn: a) Cô luôn luôn đúng. b) Cô không bao giờ sai. c) Cả hai câu trên đều đúng.)
5 – Nhìn gia đình cô, ai cũng thấy đó là một mái ấm tràn trề tình yêu & hạnh phúc không hề vơi bớt hay đứt đoạn, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cô có thể “tiết lộ” bí quyết?
– Không có bí quyết nào cả. Nói như vậy chắc em không chịu. Cô rặn óc suy nghĩ thì thấy hạnh phúc gia đình của cô một phần nhờ nền giáo huấn của tôn giáo, một phần nhờ cô yêu thầy rất nhiều, một phần vì bản tính hồn nhiên của cô, một phần nhờ tính lãng mạn của thầy.
Thật tình, mh còn nhiều câu hỏi, nhưng thôi vì phải “chừa” cho những thành viên khác vì là dịp may hiếm có, mọi người sẽ thay nhau “quay”…. cô “tới bến”!
– Cám ơn sự vắn tắt của em (chứ không như gã Kiến Đen nhiều chiện). We love you.
- Từ thầy Nguyễn Đức Nhuận (Seattle):
Chị Thủy thân kính,
Biết được anh chị bởi “văn kỳ thinh….” chứ chưa được gặp mặt dù không xa xôi lắm (cách nhau chỉ cái tiểu bang Oregon). Lúc tôi về trường, anh chị đã “thăng” xa lơ xa lắc, còn hơn “Thanh Y nữ hiệp” trường ta nữa. Xin được có một vài théc-méc với chị:
1 – Qua hình ảnh, qua anh Kiến Đen tiết lộ, anh chị là một cặp -đôi-hạnh-phúc rất dài lâu. Xin cho một vài bí quyết… (nói theo Đông Tây Y là toa thuốc chẳng hạn).
– Thưa anh Nhuận, có chớ. Đây là toa thuốc: 1) Phải cho người mình yêu biết là mình yêu họ hết lòng bằng lời nói, bằng hành động. Đừng để khi mất rồi mới hối tiếc. 2) Chỉ có một người ở trong tim mình mà thôi. 3) Luôn làm cho người đang sống với mình cảm thấy hạnh phúc. Đọc bài thơ “Thím Giáo” của anh, tôi thấy anh cũng giống chúng tôi đấy chứ ạ. Anh thường làm thơ ca tụng người yêu một cách thắm thiết, vậy anh thừa tài nói với chị nhà như vậy. Cứ “vô tư” (tôi mới học được chữ này từ Kiến Đen) nói ra đi.
(Kiến Đen: Cô nhận xét chính xác, nhưng chính vì thế mà làm cho thầy Nhuận khó xử rồi đó. Xưa nay, thầy Nhuận chỉ làm thơ ca tụng thắm thiết… người yêu thôi! Ngay cả mới đây thầy làm bài thơ Thím Giáo thì cũng như thể làm giùm ai đó.)
2 – Phải công nhận anh Đỗ có một bộ râu khá ấn tượng. Khi “đối diện” với anh ấy, chị có cảm giác gì?
– Từ khi nhà tôi về hưu, anh ấy lười không cạo râu. Ai dè râu càng ngày càng dài. Gặp người quen ai cũng phì cười. Có bà còn túm râu anh ấy giựt giựt. Cô em họ bảo anh ấy cạo đi trông già quá. Còn phần tôi, tôi lại thấy anh ấy trẻ ra.
(Kiến Đen: Có lẽ thầy Nhuận không dám bắt chước Đỗ sư huynh để râu cho trông trẻ ra đâu. Bởi thầy Đỗ Xanh từng tiết lộ rằng thầy Nhuận có cái “thú đau thương” là nhậu “rụ” Tây với đồ nhắm là dăm câu thơ tình quá đát phơi khô ngâm mắm cá linh. Món đó mà dính vô râu thì xài hết nước Washington Lake ở Seattle rửa cũng không hết mùi.)
Chúc vui.
– Không dám, xin chào anh và cho kính lời thăm chị.
- Từ thầy Nguyễn Văn Hòa (TP.HCM):
Lần đầu xem ảnh của anh chị là tôi rất ấn tượng với bộ râu của anh và áo dài anh chị mặc, tôi thì rất thích ngắm người khác mặc áo dài, nhưng mình thì chưa mặc bao giờ. Vây xin hỏi: khi mặc áo dài ở nước ngoài thì anh chị thấy vì nó đẹp hay còn ý muốn “gìn vàng giữ ngọc”. Cái nhìn của người khác (người ngoại quốc và người VN) ở Mỹ thế nào? Ở nơi anh chị đang sinh sống có nhiều người VN mặc áo dài vào các dip lễ hội không?
Thầy Đỗ Ngọc Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy dự một đám cưới ở San Jose tháng 11-2010.
– Chúng tôi mặc áo dài vì muốn “gìn vàng giữ ngọc”. Ở Mỹ rất ít người trẻ mặc quốc phục. Khoảng 50% các cụ bà còn mặc áo dài đi nhà thờ đi chùa. Mỗi năm có vài cụ giữ chân dâng hương, trong lễ giỗ tổ Hùng Vương, bắt buộc phải mặc quốc phục. Áo dài của họ thường là gấm màu sặc sỡ. Áo của nhà tôi là áo thâm của giới văn học (scholar) Việt Nam. Bộ râu của nhà tôi rất hợp với chiếc áo dài. Có lẽ vì vậy mà biểu lộ được chút ấn tượng Việt tính. Người Mỹ rất trọng tự do cá nhân và nét đặc thù của những nền văn hóa khác. Họ đón nhận áo dài với tình cảm rất cởi mở. Có một chuyện tức cười là trong dịp chúng tôi đi dự đám cưới đứa cháu tháng trước. Hai cậu phù rể là người Mỹ. Chúng cứ tránh né khi phải đứng gần nhà tôi. Sau đó cháu tôi, là cô dâu, cho biết chúng tin nhà tôi là một vị sư phụ kungfu. Chúng tin áo dài đen là y phục của một grand master. Loạng quạng là bị nhà tôi cho một chưởng thì khốn!
XIN THAM KHẢO THÊM:
Trang thông tin cá nhân của TT Cali.
Phóng sự ảnh về Đỗ Nguyễn Gia trang tháng 9-2010.