Chiều nay là Chúa nhật của tuần lễ thứ 2 Quyến đã vĩnh viễn ra đi, không còn thở chung cái không khí nơi trần thế cùng người thân và bạn bè nữa. Chúa nhật rồi đưa Quyến vào nhà thờ để tham dự thánh lễ của giáo xứ lần cuối, trời đất ảm đạm, mưa suốt ngày rỉ rả, không một tia nắng. Con hẻm vào nhà Quyến nước ngập lầy lội, khi động quan, di quan rất vất vả khi khiêng ra xe. Có lẽ trời đất cũng chia sẻ khi chứng kiến cảnh tiễn đưa một người trở về với cát bụi
Tôi bước vào nhà thờ, hình ảnh đầu tiên mà tôi nhìn thấy là những cây chổi vải, khép nép treo trên mỗi đầu hàng ghế, của Quyến đó… Quyến đã miệt mài ngày đêm cắt vải vụn rồi kết lại với nhau thành những cây chổi, cái quạt và từng bao túi thơm với những lời chúc lành thánh thiện. Theo tôi biết, những vật dụng Quyến làm ra không những tặng cho xứ đạo Mộc Hóa, mà còn theo chân Quyến đi khắp nơi trong những dịp lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp ở Cà Mau, đại chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ), nhà thờ của quý cha hưu dưỡng Chí Hòa lúc cha Augustino còn làm giám đốc, Quyến làm một cách âm thầm không vụ lợi, hay một cử chỉ đáp trả. Chỉ với một tấm lòng tìm vui từ đại chúng mà thôi
Dù tôi vẫn biết ngày ra đi của Quyến không xa, nhưng buổi sáng khi biết tin Quyến đã trút linh hồn thì tôi vẫn chơi vơi, hụt hẫng. Ký ức của tôi như bị đánh thức, lãng đãng trong đầu và tôi cảm thấy có quá nhiều kỷ niệm. Lời dặn dò mà Quyến đã nói với tôi cách nay 1 năm rằng: “Khi em mất, chị nhớ viết cho em một bài trên trang web THKT của mình nghen chị.” Chiều nay sao tôi thấy nhớ Quyến lạ lùng.
Quyến ơi! Còn đâu nữa bộ đồ màu đen lấm đầy bụi đường và rất nhiều…rất nhiều buổi chiều về muộn, em hay ghé qua nhà tôi để rồi hai chị em cùng đi ăn tối lúc thì tô bún riêu hay tô cháo trắng đầu ngõ. Quyến nói em ăn cho xong bữa để tối về nhà nghỉ, lúc sáng em đi chẳng ai biết, em về cũng chẳng ai hay. Rồi chuyện gia đình, chuyện cơ quan, những chuyện mưu sinh khó khăn cho cơm áo gạo tiền cùng với nỗi nhớ mẹ, nhưng mỗi lần xuống thăm mẹ, Quyến lại than với tôi: “Em khổ tâm lắm chị ơi!” Và còn nhiều chuyện buồn nữa… Quyến luôn giấu mọi người, cố tạo ra những nụ cười, trong khi chuyện gia đình riêng, gia đình chung của em quá đỗi nặng nề. Nhiều người vẫn lầm tưởng Quyến thong dong khi nghĩ tới cô tiểu thơ đài các của một gia đình thương gia giàu có nức tiếng ở Kiến Tường xưa. Có một vài năm liền đêm cuối năm Quyến khô khan trống túi, gần đến giờ giao thừa, em qua nhà chở tôi vào sân nhà thờ xin lộc Đức Mẹ, sau đó hai chị em về nhà tôi chia sẻ cho nhau từng bọc bánh mứt và ít tiền dằn túi đầu năm. Lúc đó tôi thấy em buồn lắm, nhưng chưa một lần tôi thấy Quyến khóc. Kể chuyện buồn mà miệng cứ cười như chấp nhận.
Tôi mải mê nhớ về Quyến. Trên tòa giảng, Cha sở chủ tế thánh lễ an táng cho em. Ngài đang kể cho những người đang dự thánh lễ này một câu chuyện mà tình cờ đọc qua một trang báo nào đó nội dung như sau: Có hai anh em nhà nghèo, hàng ngày đến từng đống rác tìm kiếm những bọc ni lông hoặc bất cứ cái gì mà người khác bỏ đi để bán lấy tiền mua gạo, rồi một ngày nọ, hai hai anh em đang bới rác thì một chiếc xe ô tô chầm chậm chạy qua. Trên xe một cô gái quay kính xe thò tay ra ngoài và ném vào đống rác một cái bánh kem rất to, nhưng ai đó đã ăn một góc nhỏ, xe chạy vút đi, hai cậu bé ào tới nhặt cái bánh lên trầm trồ, thèm khát. Nhưng vì sức ném mạnh quá nên cái bánh vỡ ra dính đầy rác bụi, hai cậu bé tiếc bánh nhặt lên và cả hai anh em cùng cố sức thổi bụi và nhặt rác ra, nhưng chúng sơ ý đâu ngờ trước mặt chúng là một đường cống người ta đào để thoát nước bẩn. Loay quay thế nào đó mà cái bánh vuột khỏi tay lọt thỏm xuống cái cống đen ngòm rồi chìm dần, chìm dần. Cậu em tiếc cái bánh càm ràm: “Tại anh Hai giữ bánh không chặt nên mới rơi như thế.” Gương mặt người anh đau xót, nhưng rồi như nhớ ra điều gì đó, cậu anh la to lên: “Mình còn bánh ăn đây em.” Cậu quay người lại và giơ cao năm ngón tay còn dính nhiều kem của chiếc bánh. Cậu anh nói với em: “Mình còn 5 ngón tay, anh sẽ chia cho em mút 3 ngón, còn lại 2 ngón của anh có được không?” Thế rồi hai anh em chia sẻ cho nhau những mẩu kem còn dính trên những ngón tay của người anh và mút ngon lành.
Qua câu chuyện trên, tôi cảm thấy ngậm ngùi cho Quyến. Khi em còn sống lại chỉ nhận về cho mình những cái nhìn vô cảm, vô ưu. Quyến ơi! phải chăng trên cõi đời này, xã hội hôm nay, mỗi con người là một cá thể vô cùng phức tạp. Tôi biết và hiểu những khát vọng mà em muốn làm, nó nặng hơn gấp trăm lần thể xác của em, để rồi em cũng buông xuôi theo số phận của mình
Quyến! Hôm nay chị đã làm một việc là viết bài này như em đã dặn dò chị, dù tang lễ của em được tổ chức một cách đơn sơ nhỏ bé, dù em ra đi khi chưa già nhưng vô cùng ấm áp tình người. Tình giáo xứ ưu ái, tình thầy trò THKT, quý thầy cô dù đã cao tuổi, bạn bè đồng môn ở xa nhưng vẫn về thăm em lần cuối và khóc trước linh cữu của em. Chị rất cảm động chứng kiến cảnh lá vàng khóc lá xanh rơi và biết ơn. Hãy tạ ơn và cầu nguyện cho những ân nhân của mình Quyến nhé.
Nguyện xin Hồng ân Thiên Chúa nâng đỡ sớm đón em về chầu thiên nhan Chúa trên nước Thiên đàng
Vĩnh biệt em
TRẦN THỊ THANH NGUYÊN (Cựu học sinh THKT)
*****
+ Bài này được chị Thanh Nguyên viết tay và anh Trần Ngọc Bách đã gõ lại để đưa lên web.
Nhớ chị Quyến
Chị đã sống một cuộc đời có ích
Bốn phần cho ta, còn sáu cho người
Khi ta sống vì người là hạnh phúc
Lúc chết đi ta sống mãi trong người
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 7-8-2015)