Tội nghiệp Tết

 

Thiệt bụng mà nói, tôi chớ hiểu vì sao những năm gần đây, cụ Tết đã hàng ngàn năm tuổi rồi cứ bị người này, kẻ nọ lôi ra cật vấn, đòi xét lại. Tết nào bên cạnh những nô nức, lo toan cho dịp lễ hội truyền thống lớn nhất và thiêng liêng nhất cứ xuất hiện những nét cọ lẻ loi khác thường đòi bỏ Tết hay gộp Tết. Mà hầu như năm nào cũng có những phân tích thiệt hơn, đúng sai, để rồi Tết năm sau lại lôi lên như mới nói lần đầu.

Bộ thiên hạ quởn quá chăng? Hay báo chí mụ mị cạn kiệt đề tài?

Đặc biệt, tôi thấy thương cho một nhà nông học nổi tiếng ở nơi từng là xứ lúa gạo miền Tây nay cũng đã vào tuổi “bát thập đắc hi hỉ”. Chỉ vì một lần vào năm 2006, lúc đó ở tuổi 66, chẳng hiểu thế nào ông lên tiếng đề nghị cải cách Tết, bỏ Tết cổ truyền, gộp chung Tết ta vào Tết tây ăn mừng một phát vào đầu năm mới rồi thôi. Tết Canh Tý 2020 này, nhà nông học khoa bảng này một lần nữa lại bị lôi ra “hành Tết”, càng xây sốc hơn khi có báo giựt tít bằng trích dẫn lời ông nói “Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa”. Ôi, đất nước ta mãi tới nay còn nghèo là vì vẫn còn ăn Tết cổ truyền ư? Tôi nghĩ là ý của ông không thật sự như vậy, mà do tôi chưa đủ tầm để thấu đáo. Nhưng tôi xin tôn trọng ý kiến của ông như là một ý cá nhân muốn tốt cho đời cho người.

Ảnh bìa giai phẩm Saigon Mới Xuân Canh Dần 1950. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Tất nhiên, ai cũng có quyền tự do nghĩ về một vấn đề nào đó mà mình cho là đúng với mình. Miễn đừng bao giờ quyết liệt áp đặt cái mình nghĩ thành cái nghĩ của người khác. Vậy là thế giới đa sắc màu thêm lung linh mà vẫn an yên.

Mà xưa nay cũng chẳng ai bị ép buộc phải ăn Tết cả. Đó là một trong những quyền lựa chọn, là sự tự nguyện của từng người. Bằng chứng là sau này, ngày càng có nhiều người, nhiều gia đình “nhà chẳng có gì ngoài điều kiện” đã bứt phá khỏi nền nếp xưa để tranh thủ những ngày nghỉ Tết mà cùng gia đình ra nước ngoài du lịch, thăm thú. Âu cũng có thể là một nét đẹp mới của mùa Tết 4.0 (xin cho một giây theo trend).

Cái đáng để bàn luận hầu làm cho ngày Tết vừa luôn giữ được bản sắc, vừa ngày càng văn minh tiến bộ hơn là “ăn Tết như thế nào” thì lại coi mòi hỗng hấp dẫn người viết, kẻ đọc. Đừng để cụ Tết đã bị người đời lợi dụng rồi lại bị ai đó “gắp pháo bỏ tay người” đổ hết mọi thói hư tật xấu của người đời cho cụ.

Rồi cũng đừng để cho những người con Việt bao nhiêu năm nay ráng giữ lề thói tốt đẹp mà cha ông truyên lại có lúc chạnh nghĩ mình vẫn ăn Tết cổ truyền là mang tội với… ai đó!

Tội nghiệp cụ Tết lắm ru!

PHẠM HỒNG PHƯỚC