Ngày hôm nay 11-9-2021 là tròn 20 năm xảy ra thảm kịch khủng bố Hồi giáo tấn công ngay tại đầu não quốc gia trên lãnh thổ Mỹ ngày 11-9-2001 (người Mỹ gọi là September 11 attacks; 9/11).
Vụ tấn công 11-9-2001 không phải là nỗi tang tóc của riêng nước Mỹ. Hơn 90 quốc gia có công dân bị thiệt mạng trong vụ tấn công này. Vụ tấn công 11-9-2001 đã trở thành vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất lịch sử thế giới và vụ tấn công từ nước ngoài chết nhiều người nhất trên đất Mỹ kể từ vụ tấn công vào Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới máy bay hành khách bị không tặc cướp để biến thành những quả bom sống lao vào các mục tiêu.
Sự kiện 11-9-2001 là một loạt bốn cuộc tấn công khủng bố có sự tham gia của nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda nhằm chống lại Hoa Kỳ diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 11-9-2001.
Vào sáng ngày định mệnh đó, 4 chiếc máy bay thương mại cất cánh từ Đông Bắc nước Mỹ bay tới bang California. Nhưng không lâu sau khi cất cánh, chúng đã bị cướp bởi 19 tên khủng bố al-Qaeda.
■ Chuyến bay 11 của American Airlines: Máy bay Boeing 767, rời Sân bay Logan (Boston, bang Massachusetts) vào lúc 7:59 sáng trên đường tới Sân bay LAX (Los Angeles, bang California) với 11 thành viên phi hành đoàn và 76 hành khách, chưa bao gồm 5 không tặc. Các không tặc lái chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center, WTC) tại Lower Manhattan của Thành phố New York lúc 8:46 sáng.
■ Chuyến bay 175 của United Airlines: Máy bay Boeing 767, rời Sân bay Logan vào lúc 8:14 sáng trên đường tới Los Angeles với 9 thành viên phi hành đoàn và 51 hành khách, chưa bao gồm 5 không tặc. Các không tặc lái chiếc máy bay đâm vào Tháp Nam của WTC lúc 9:03 sáng.
■ Chuyến bay 77 của American Airlines: Máy bay Boeing 757, rời Sân bay quốc tế Washington Dulles (Hạt Loudoun và Fairfax, bang Virginia) vào lúc 8:20 sáng trên đường tới Los Angeles với 6 thành viên phi hành đoàn và 53 hành khách, chưa bao gồm 5 không tặc. Các không tặc lái chiếc máy bay đâm vào Lầu Năm Góc tại Hạt Arlington, Virginia, lúc 9:37 sáng.
■ Chuyến bay 93 của United Airlines: Máy bay Boeing 757, rời Sân bay quốc tế Newark (thành phố Newark và Elizabeth, bang New Jersey) vào lúc 8:42 sáng trên đường tới Sân bay SFO (San Francisco, bang California), với 7 thành viên phi hành đoàn và 33 hành khách, chưa bao gồm 4 không tặc. Do các hành khách cố gắng khống chế các không tặc sau khi chúng điều khiển máy bay bay về hướng thủ đô Washington DC, chiếc máy bay đâm vào một cánh đồng tại xã Stonycreek gần Shanksville (bang Pennsylvania), lúc 10:03 sáng. Các nhà điều tra không thể xác định mục tiêu chính xác của chuyến bay 93 nhưng kết luận máy bay được lên kế hoạch đâm vào Điện Capitol (trụ sở Quốc hội) hoặc Nhà Trắng (Phủ Tổng thống).
Trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp 110 tầng đều sụp đổ. Sự sụp đổ hoàn toàn của 2 WTC Tower này đã dẫn tới sự sụp đổ của cấu trúc các tòa WTC khác bao gồm WTC số 7 và làm hư hại đáng kể những tòa nhà xung quanh.
Vụ tấn công 11-9-2001 khiến cho 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương. Con số thiệt mạng bao gồm 265 người trên bốn chiếc máy bay (không một ai trên những chiếc máy bay này sống sót), 2.606 người trong WTC và khu vực xung quanh, và 125 người tại Lầu Năm Góc. Hầu hết những người thiệt mạng là dân thường, ngoại trừ 343 lính cứu hỏa, 72 sĩ quan cảnh sát, 55 sĩ quan quân đội, và 19 tên khủng bố. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản ít nhất là 10 tỷ USD.
Chính vụ tấn công1-9-2001 này đã dẫn tới hàng loạt cuộc chiến do Mỹ khởi xướng hay tham gia tại nước ngoài để “báo thù”. Lớn nhất là 2 cuộc chiến tranh ở Afghnistan (từ ngày 7-10-2001 đến ngày 30-8-2021) và Iraq (từ ngày 20-3-2003 tối ngày 15-12-2011). Biết bao sinh mạng của các bên đã tiếp tục thương vong.
Mãi tới ngay 2-5-2011, trùm khủng bố quốc tế Osama bin Mohammed bin Awad bin Laden, thủ lĩnh tổ chức al-Qaeda, kẻ bị Mỹ quy trách nhiệm cho vũ tấn công 11-9-2001 mới bị biệt kích Mỹ tiêu diệt khi hắn đang cùng gia đình ẩn náu tại Abbottabad (Pakistan).
Cờ rũ tại khu vực Golden Gate (San Francisco) ngày 11-9-2010)
A Phủ có một kỷ niệm ghi mãi trong tâm khảm về nước Mỹ và sự kiện 11-9. Lần đầu tiên A Phủ tới Mỹ là vào ngày 11-9-2010. A Phủ lại bay bằng máy bay Boeing của hãng hàng không United Airline vốn có 2 chuyến bay bị không tặc trong vụ tấn công trước đó 9 năm. Khi transfer tại sân bay Hong Kong, A Phủ thấy kiểm tra hành lý và hành khách khá gắt. Và khi đặt chân lên San Francisco, A Phủ thấy các nơi treo cờ Mỹ trong tình trang cờ rũ Vậy là A Phủ lần đầu tiên lưu ADN trên nước Mỹ đúng vào ngày nước này tưởng niệm 9 năm xảy ra thảm kịch 11-9-2001.
Tác giả tại khu vực Golden Gate (San Francisco) ngày 11-9-2010. Ở góc trên bên trái là cờ rũ,
Nguyện cầu hương linh các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9-2001 an nghỉ trong niềm tin tôn giáo của mình. R.I.P. Nguyện cầu hương linh các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9-2001 an nghỉ trong niềm tin tôn giáo của mình. R.I.P. Xin chia buồn cùng các thân nhân của họ. Xin chia sẻ từ đáy lòng với những người bị chấn thương cả thể xác lẫn tâm thần từ thảm kịch vô tiền khoáng hậu đó. Và cầu nguyện không ngơi nghỉ để không tái diễn những thảm kịch tương tự trên khắp hành tinh này.
9/11 Nerver Forgotten! Không bao giờ quên không phải để tiếp tục nuôi lòng hận thù mà là để tìm mọi cách tránh nó tái diễn.
God bless America!
PHẠM HỒNG PHƯỚC