Nước Mỹ đổi sang giờ chuẩn ST từ ngày 6-11-2022

Đến hẹn lại lên, xuân thu nhị kỳ, nước Mỹ lại đổi giờ. Từ 2 giờ sáng Chủ nhật 6-11-2022, hầu hết nước Mỹ lại bắt đầu đổi giờ lần thứ hai trong năm. Từ giờ mùa hè DST (Daylight Saving Time hay Summer Time, Spring Forward) đã đổi vào ngày Chủ nhật 13-3-2022, lần này, nước Mỹ đổi lại giờ tiêu chuẩn (Standard Time) hay giờ mùa đông (Fall Back hay Winter Time).

Theo quy định mới nhất đang áp dụng, lần đổi giờ đầu tiên trong năm (spring forward, đổi sang giờ DST) diễn ra vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 3 và lần thứ nhì (fall back, trở lại giờ ST) vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11.

Từ giờ DST đổi sang giờ ST là phải trừ đi 1 giờ. Chẳng hạn, bữa trước là 8g sáng, nay là 7 giờ sáng.

Như vậy người ở Bờ Đông, bao gồm thủ đô Washington DC vốn xài giờ ET (Eastern Time), thay vì phải cách giờ Việt Nam 13 giờ (lấy giờ Việt Nam trừ 11 nếu là PM và cộng 13 nếu là AM sẽ thành giờ ET, như 10g VN là 23g ET), nay cách giờ Việt Nam đúng 12 giờ, (lấy giờ Việt Nam trừ 12 nếu là PM và cộng 12 nếu là AM sẽ thành giờ ET, như 18g VN là 6g ET).

Sở dĩ nói là hầu hết nước Mỹ vì có bang Hawaii và phần lớn bang Arizona cùng các lãnh thổ hải ngoại của Mỹ (Puerto Rico, American Samoa, Guam, Northern Mariana Islands, và US Virgin Islands) không áp dụng cái vụ đổi giờ phiền phức này. Ở bang Arizona, chỉ có vùng lãnh thổ gọi là Navajo Nation – một khu bảo tồn của người da đỏ bản địa ở phía Bắc bang là áp dụng đổi giờ.

Đổi từ giờ DST sang giờ ST, người ta sẽ đi ngủ muộn hơn 1 giờ và dậy trễ hơn 1 giờ. Bất tiện nhất là đi làm về trễ hơn 1 tiếng đồng hồ nên trời tối hơn – đặc biệt là khi có mưa hay tuyết.

Ngày nay, các thể loại đồng hồ điện tử có kết nối có tính năng tự động đổi giờ theo giờ chuẩn trên Internet nên hầu như người ta không phải bận tâm chuyển chỉnh lại giờ. Vấn đề chỉ là phải chỉnh lại cái đồng hồ sinh học trong mấy ngày đầu tiên sau đổi giờ, dễ bị chập cheng. Và đặc biệt là người ở Việt Nam cần lưu ý chuyện thay đổi giờ giấc này kẻo làm phiền bà con bạn bè của mình bên xứ Mỹ.

Theo Almanac, “Một dự án kinh tế” (An Economical Project) của Benjamin Franklin, viết năm 1784 khi ông đang là Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp và chỉ 1 năm trước khi trở thành Thống đốc thứ 6 của bang Pennsylvania, được coi là đề xuất sớm nhất được biết về chuyện tiết kiệm ánh sáng ngày. Nó ủng hộ luật pháp buộc công dân phải dậy vào lúc bình minh ló dạng để tiết kiệm chi phí thắp nến.

Báo Huffington Post cho biết những phiên bản đầu tiên của giờ DST có từ cuối thế kỷ 19. Vào năm 1895, một người đàn ông New Zealnad tên George Vernon Hudson đã đưa ra sáng kiến này.

Người đề xuất thực sự đầu tiên về Giờ Tiết kiệm Ánh sáng Ban ngày (Daylight Saving Time) lại là một người Anh tên là William Willet – một nhà xây dựng ở London (Anh). Ông đã nảy ra ý tưởng này khi đang cưỡi ngựa vào một buổi sáng sớm năm 1907. Ông nhận thấy cửa chớp của những ngôi nhà được đóng chặt dù mặt trời đã mọc. Trong “Sự lãng phí của ánh sáng ban ngày” (The Waste of Daylight), tuyên ngôn của chiến dịch tiết kiệm ánh sáng cá nhân của mình, Willet đã viết: “Mọi người đều đánh giá cao những buổi tối dài và đầy ánh sáng. Mọi người đều than thở về sự teo tóp của họ khi ngày tháng ngắn lại; và gần như tất cả mọi người đều phải thốt lên tiếc nuối rằng ánh sáng gần như trong trẻo, tươi sáng của một buổi sáng sớm trong những tháng Xuân và Hè rất hiếm khi được nhìn thấy hoặc sử dụng…. Theo tất cả các mục đích, có tới 210 giờ ánh sáng ban ngày bị lãng phí hàng năm là một khiếm khuyết trong nền văn minh của chúng ta. Hãy để nước Anh nhận ra và khắc phục nó.”

Sau đó, Willet đã bỏ ra một món tài sản nhỏ để vận động hành lang cho các doanh nhân, các thành viên của Nghị viện Anh và cả Quốc hội Hoa Kỳ để đặt đồng hồ trước 20 phút vào mỗi ngày trong số 4 Chủ nhật trong tháng Tư, và đảo ngược quy trình vào các Chủ nhật liên tiếp trong tháng Chín. Nhưng đề xuất của Willet hầu như vấp phải sự chế giễu. Thậm chí, một cộng đồng phản đối nó vì lý do đạo đức, gọi việc thực hành này là tội “nói dối” về thời gian thực (the sin of “lying” about true time).

Nhưng thái độ đó đã thay đổi sau khi Đệ nhất Thế chiến (World War I) nổ ra. Chính phủ và người dân nhận ra sự cần thiết phải bảo tồn than dùng để sưởi ấm cho các ngôi nhà. Người Đức là những người đầu tiên chính thức áp dụng hệ thống kéo dài ánh sáng (light-extending system) vào năm 1915, như một biện pháp tiết kiệm nhiên liệu trong Đệ nhất Thế chiến. Và Đức và Áo-Hung đã áp dụng DST đầu tiên vào ngày 30-4-1916. Điều này dẫn đến việc đưa ra Giờ mùa Hè (British Summer Time) của Anh vào năm 1916: từ ngày 21-5 đến ngày 1-10, đồng hồ ở Anh đã đặt lại trước một giờ.

Theo kênh truyền hình CNN, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu áp dụng giờ DST trong Đệ nhất Thế chiến. Vào năm 1918, Quốc hội thông qua Đạo luật Giờ chuẩn (Standard Time Act), trong đó thiết lập các múi giờ. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối lớn của công chúng. Một Ủy ban Quốc hội của Chính phủ Hoa Kỳ đã được thành lập để điều tra những lợi ích của giờ DST. Nhiều người Mỹ coi việc đổi giờ này là một nỗ lực phi lý để khiến những người ngủ muộn dậy sớm. Những người khác cho rằng việc theo “giờ đồng hồ” (clock time) thay vì “giờ mặt trời” (Sun time) là không tự nhiên. Một người viết chuyên mục trên tờ Saturday Evening Post đã chế giễu dự án này: “Tại sao không ‘tiết kiệm mùa hè’  bằng cách để tháng 6 bắt đầu vào cuối tháng 2?”

Vấn đề có ý nghĩa mới vào tháng 4-1917, khi Tổng thống Woodrow Wilson tuyên chiến đưa nước Mỹ tham gia Đệ nhất Thế chiến chống quân Đức (vào ngày 6-4-1917, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua lệnh tuyên chiến này với tỷ lệ phiếu 82-6 ở Thượng nghị viện và 373-50 ở Hạ nghị viện). Đột nhiên, việc bảo tồn năng lượng trở nên quan trọng hàng đầu, và một số nỗ lực đã được đưa ra để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng đối với việc thay đổi giờ. Một nhóm có tên là National Daylight Saving Convention đã phát những tấm bưu thiếp in hình Chú Sam (Uncle Sam) cầm cuốc làm vườn và khẩu súng trường đang xoay lại kim của chiếc đồng hồ bỏ túi khổng lồ. Các cử tri được yêu cầu ký tên và gửi vào bưu thiếp dân biểu của họ với nội dung tuyên bố: “Nếu tôi có nhiều ánh sáng ban ngày hơn, tôi có thể làm việc lâu hơn cho đất nước của mình. Chúng ta cần ánh sáng mỗi giờ”. Chủ tịch quận Manhattan đã làm chứng trước Quốc hội rằng thời gian có thêm ánh sáng sẽ là một lợi ích cho việc làm vườn tại nhà và do đó tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho Đồng minh. Các tấm áp phích nổi bật dòng chữ: “Chú Sam, kẻ thù của chú đã thức dậy và đang làm việc vào ban ngày – khi nào chú sẽ thức dậy?”

Với sự ủng hộ của dư luận, Quốc hội Hoa Kỳ chính thức tuyên bố rằng tất cả đồng hồ sẽ được chỉnh lại kim trước một giờ lúc 2 giờ sáng vào ngày 31-3-1918. (Canada cũng áp dụng chính sách tương tự vào cuối năm đó.) Người Mỹ được khuyến khích tắt đèn và đi ngủ sớm hơn bình thường – vào khoảng 8 giờ tối.

Sau khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc (11-11-1918), những người nông dân và tầng lớp lao động của Mỹ lại lên tiếng phản đối giờ DST, đòi phải kết thúc nó, phân bua rằng giờ DST chỉ có lợi cho những người làm việc văn phòng và tầng lớp ăn chơi. .

Cuối cùng, thời gian áp dụng thử nghiệm giờ DST ở Mỹ chỉ kéo dài cho tới năm 1920, khi luật liên quan phải bãi bỏ do sự phản đối của nông dân chăn nuôi bò sữa. Không ít hơn 28 dự luật bãi bỏ giờ DST đã được đưa ra Quốc hội và cuối cùng luật đã bị xóa khỏi sổ sách.

Chuyện giờ giấc này đã trôi vào lãng quên cho đến sau cuộc tấn công của quân phiệt Nhật Bản vào Trân Châu Cảng của Mỹ ngày 7-12-1941 dẫn tới việc Hoa Kỳ một lần nữa tham chiến, lần này là cuộc Đệ nhị Thế chiến chống lại 2 kẻ thù chính là phát xít Đức và quân phiệt Nhật.

Trong Đệ nhị Thế chiến, giờ DST đã được áp dụng một lần nữa (lần này là quanh năm) để tiết kiệm nhiên liệu. Đồng hồ đã được chỉnh lại trước một giờ để tiết kiệm năng lượng.

Sau Đệ nhị Thế chiến (kết thúc với sự đầu hàng của quân phiệt Nhật vào ngày 2-9-1945), hệ thống giờ DST bắt đầu được áp dụng chính thức ở Mỹ cho tới nay.

Vào năm 1986, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật nhằm tăng thời gian áp dụng giờ DST lên, chuyển thời gian bắt đầu tới ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng 4. Mục đích là để tiết kiệm khoản dầu dùng để chạy máy phát điện – ước tính tiết kiệm được 300.000 thùng dầu mỗi năm. Năm 2005, bang Indiana đã trở thành bang thứ 48 áp dụng đổi giờ, sử dụng giờ DST.

Tuy nhiên, các tổ chức nông dân đã tiếp tục vận động Quốc hội chống lại thông lệ này, họ thích ánh sáng ban ngày sớm hơn để đi đến các cánh đồng của mình và hoàng hôn theo giờ ST để kết thúc công việc của họ vào một giờ hợp lý hơn. Một số nông dân chỉ ra rằng giờ DST được đặt tên sai. Katherine Dutro, người phát ngôn của Cục Trang trại Indiana, cho biết: “Đó là một mánh lới quảng cáo thay đổi mối quan hệ giữa thời gian ‘mặt trời’ và thời gian ‘đồng hồ’ nhưng không tiết kiệm thời gian cũng như ánh sáng ban ngày”.

Từ năm 2015 đã có ngày càng nhiều bang đề xuất các dự luật chấm dứt việc đổi giờ hàng năm như hiện nay (tính đến năm 2021 có tới 33 bang như vậy). Có những bang co biết sẽ làm theo nếu như các bang chung quanh bỏ việc đổi giờ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể có hiệu lực nếu như luật liên bang thay đổi. Cụ thể, Đạo luật về Thời gian Thống nhất (Uniform Time Act) do Quốc hội thông qua năm 1966 sẽ cần được sửa đổi để cho phép thay đổi như vậy.

Tới bây giờ, số phận của cái tập quán đổi giờ 2 lần mỗi năm của Mỹ coi bộ sẽ sớm được định đoạt theo hướng cho nghỉ hưu. Theo hãng tin REUTERS, ngày 15-3-2022, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ chuyển sang giờ DST, Thượng nghị viện đã thông qua dự luật Senate Bill 623 có tên gọi Đạo luật Bảo vệ Ánh nắng (Sunshine Protection Act of 2021) do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida bảo trợ với quyết định chấm dứt chuyện đổi giờ vào cuối năm 2023. Dự luật này được thông qua theo quy đình nhất trí, không cần bỏ phiếu, nghĩa là không có ai phản đối. Theo quy định, dự luật này sau đó phải được Hạ nghị viện thông qua và rồi Tổng thống Joe Biden ký lệnh ban hành. Và theo tinh thần của dự luật này, giờ DST (giờ hiện nay được dùng tới 8 tháng trong năm) sẽ được giữ vĩnh viễn, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-11-2023, chủ yếu để có thời gian cho các ngành công nghiệp thay đổi lịch của mình.

Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ nghị viện đã tổ chức một buổi điều trần về dự luật do Thượng nghị sĩ Marco Rubio bảo trợ. Dân biểu Frank Pallone, Chủ tịch Ủy ban, cho thấy mình ủng hộ dự luật này, nhưng vấn đề là không quyết định được nên giữ lại một giờ duy nhất là giờ ST hay giờ DST. Ông dẫn kết quả một cuộc thăm dò công chúng năm 2019 cho thấy có tới 71% người Mỹ được hỏi thích bãi bỏ cái vụ đổi giờ mỗi năm.

Theo cập nhật ngày 8-11-2022 của tổ chức Sleep Foundation, cho tới ngay trước lần đổi giờ thứ 2 của năm 2022, Hạ nghị viện và Nhà Trắng vẫn chưa có quyết định cụ thể gì về dự luật đã được Thượng nghị viện nhất trí thông qua. Nghĩa là bà con ở Mỹ vẫn phải tiếp tục cái vụ đổi giờ.

Thời gian dùng giờ ST chỉ dài có 4 tháng. Tới 2g ngày Chủ nhật 12-3-2023, nước Mỹ sẽ đổi thành giờ mùa Hè DST.

HẠNH LEE

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.