Đại học là cơ sở giáo dục bậc đại học, nhưng không phải là trường đại học, mà là một nhóm trường đại học. Cách giải thích mang tính hack não này là để giải thích cho 2 khái niệm “đại học” và “trường đại học” của Việt Nam.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định nâng cấp lên thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong ngữ cảnh này, chỉ cần tề bớt chữ “trường” là đã có tư cách hoành tá tràng, trở thành trường mẹ của nhiều trường con.
Nhân tiện, VN quy định chỉ có tập đoàn của nhà nước được nhà nước công nhận mới là tập đoàn (group). Vì thế, có những doanh nghiệp tư nhân muốn có danh xưng tập đoàn nên phải đặt tên có chữ tập đoàn. Như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn A Phủ. Trong ngữ cảnh này, “tập đoàn” không có nghĩa là quy mô, tầm cỡ mà chỉ là một cái tên. Và có lẽ chỉ có ở VN, tập đoàn thuộc… công ty, để rồi tập đoàn mà hỗng phải tập đoàn nhưng vẫn là tập đoàn có pa-tăng tư cách pháp nhân hẳn hòi.
Sau khi đội Bồ-đào-nhà rạng sáng 7-12-2022 thoát khỏi cái dớp của anh Tây-bán-nhà (bị đội Ma-rốc-cốc-keng hạ knock-out trên chấm 11 mét luân lưu dừng bước ở vòng 1/8 FIFA World Cup Qatar 2022) mà dập “nát tan” đồng hồ Thụy Sĩ 6-1 để vô tiếp vòng Tứ kết đụng ngay “khắc tinh” của đội Tây-bán-nhà, A Phủ mang nỗi buồn rầu của anh Bảy CR7 phải ngồi cô đơn trên ghế dự bị mà ngẫm nghĩ rằng tiếng Anh của người Việt mình thiệt là đa dạng.
Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tên tiếng Anh là Hanoi University of Science and Technology (HUST), mà nếu dịch rạch ròi là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM có tên tiếng Anh là Ho Chi Minh City University of Technology (HCMUT), mà nếu dịch rạch ròi là Đại học Công nghệ TP.HCM.
Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn có tên tiếng Anh Saigon Technology University (STU), mà nếu dịch rạch ròi là Đại học Công nghệ Sài Gòn.
Trong khi từ hồi nẳm năm xưa, trên thế giới người ta thường dùng cụm từ “polytechnic university” để gọi “đại học bách khoa”. Như The Hong Kong Polytechnic University, Polytechnic University of the Philippines, Florida Polytechnic University, Tokyo Polytechnic University…; ngay cả trong tiếng Tây Ban Nha cũng là Universitat Politècnica de València, …
Tội nghiệp mấy anh Tây qua Việt Nam mà đi tìm trường đại học bách khoa theo cách mình quen gọi có thể bị… trớt quớt.
Trở lại, dù Bồ-đào-nhà hay Tây-bán-nhà thì cũng là bị mất cái sổ đỏ.
A.P.
Theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.
Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Điều này có thể hiểu, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao gồm các trường đại học.
Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác.