Du lịch quá giang cùng “Có Gì Sau Phía Chân Trời” của Nguyễn Trí Thông

Gần nửa khuya Chủ nhật 28-1-2024, shipper tới nhà A Phủ giao cuốn sách mà “trung niên bằng hữu lưu niên” Nguyễn Trí Thông – tác giả sách – gởi tặng.

Cuốn sách dày 378 trang ruột do Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành tháng 1-2024 theo dạng liên kết xuất bản này có tựa đề “Có Gì Sau Phía Chân Trời”. Cứ tạm gọi đây là một dạng “bút ký lữ hành” về một cuộc hành trình ngao du thế giới mới nhất của tác giả – cuộc hành trình ra thế giới mới nhất, xa nhất; lâu nhất và sâu nhất của anh – một người trước đó từng đi đó đi đây cùng khắp thế gian, nhưng hầu hết là trong những chuyến công tác nước ngoài. Dĩ nhiên, trước đây chỉ là những chuyến xuất ngoại ngắn ngày và mang tính chuyên môn, nghiêng ngó bên ngoài chỉ là chút giải lao, thư giãn kiểu “du lịch quá giang”.

Nguyễn Trí Thông, sinh năm 1979, quê quán TP.HCM, mê và nhập hội văn chương thơ thẩn từ tuổi “mực tím”. Anh là một cây bút thành viên của Bút nhóm Vòm Me Xanh (do báo Mực Tím thành lập ngày 25-11-1990). Nghe đồn thổi, thành viên của nhóm đó thường là những người “mơ văn mộng” biết yêu sớm và yêu nhiều. Tất nhiên, yêu cái gì thì cũng như cái tựa cuốn sách này theo ngữ pháp câu hỏi mà lại không có dấu hỏi.

“Trung niên” (cái nickname mà bạn bè đặt cho) Nguyễn Trí Thông là một người kinh doanh chuyên nghiệp, xuất thân từ cái lò “Samsung” – nơi anh tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Thương mại Quốc tế ở Hàn Quốc và rời đi sau nhiều chục năm gắn bó với chức vụ cuối cùng ở đó là Giám đốc Corporate Marketing của Công ty Điện tử Samsung Vina. Sau đó, anh trải qua một thời gian làm việc ở Vingroup (mảng công nghệ) và Casper Electric (Thái Lan), rồi rong chơi cuối trời “không” quên lãng.

Vì thế, ngay từ những ngày đầu khi theo dõi dấu chân của Nguyễn Trí Thông trong chuyến đi mới nhất và dài nhất này (đến nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh) được cập nhật trên Facebook, A Phủ đã thầm nghĩ rất uổng khi cậu bạn mình không phải Vlogger, YouTuber, nhưng hy vọng sẽ ngứa ngáy tay chưn mà là Travel blogger, ghi chép lại cuộc lữ hành mà nhiều người thèm tới “khô cạn dịch vị” (nôm na là “chảy nước miếng”). Và đây là một trong những lần hiếm hoi trong đời mà A Phủ cầu được, ước thấy khi cầm trên tay cuốn sách của “trung niên bằng hữu lưu niên” Nguyễn Trí Thông.

Với Nguyễn Trí Thông, anh đi du lịch thiệt sự (không phải ăn ké những chuyến công tác) chớ phải chỉ để nhìn ngắm thiên hạ thế gian mà còn để ngẫm nghĩ, trải nghiệm cuộc sống thế giới chung quanh với nhiều chiều kích. Vì thế, đọc những gì anh viết trong sách, người ta thấy chúng không phải là mô tả theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa” thường thấy, mà chúng đưa người đọc nhập hồn vào tác giả rồi cùng nhau nghiêng ngó, nghiền ngẫm những gì mình trải nghiệm. Đọc sách, người đọc sẽ được trải nghiệm cùng tác giả trong cuộc hành trình. Mở đầu là Nepal, rồi Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Ethiopia, Kenya, Tanzania, Madagascar, Châu Âu, Cuba, Panama, Colombia, Chile và cuối cùng là Đài Loan (thứ tự này là theo cấu trúc của cuốn sách chớ không phải theo lịch trình lữ hành).

Cuốn sách “bút ký lữ hành” này được viết bởi một tác giả thích đi đó đi đây, có kinh nghiệm xuất ngoại, có kiến thức nền sâu rộng, có cái nhìn không quẩn quanh lũy tre làng, và đặc biệt là có khiếu văn chương biết nghề viết văn. Tất cả hội tụ lại một cuốn sách dễ đọc, hoàn toàn do người “gõ bàn phím” chớ không phải do “siêu tác gia” AI xào nấu.

Ở bìa cuối của cuốn sách, tác giả Nguyễn Trí Thông chia sẻ: “… được đi đây đi đó, được mục sở thị những nơi chốn mà tôi chưa biết đến sau bao năm ngụp lặn chốn công sở chật chội. Đi để có những cảm nhận và kết luận của riêng mình, dù những kết luận đó chưa chắc lúc nào cũng đúng. Vì thực ra, không phải cứ đi là hiểu biết, mà đi chỉ là để biết cái trước giờ ta chưa biết mà thôi…”

Cái tựa sách “Có Gì Sau Phía Chân Trời” không phải là một câu hỏi nên chẳng có dấu hỏi. Đó là một sự khám phá để rồi kể cho người đọc về “những cái gì sau phía chân trời” mà tác giả Nguyễn Trí Thông đã khám phá được trong chuyến ngao du thế giới mới nhất của mình.   

Trong lời kết của cuốn sách, tác giả Nguyễn Trí Thông viết: “Thật vậy, sau chuyến đi này, nếu có một ‘sự biết’ nào tôi có thể đoan chắc nhất, thì đó chính là tôi biết mình chưa biết gì về thế giới này cả”.

Theo thiển ý của A Phủ, chuyến đi ngao du thế giới này đã giúp “trung niên bằng hữu lưu niên” Nguyễn Trí Thông biết thêm được nhiều “cái gì”, nhưng biết chưa đủ hay chưa đã, nên đó sẽ là động lực để anh tiếp tục những cuộc khám phá tiếp theo. Và mục đích của cuốn sách “Có Gì Sau Phía Chân Trời” hình như là lời rủ rê mọi người cùng làm như tác giả: quẳng hết níu kéo thường nhựt, xách balô lên mà ngao du khắp thế gian làm quen và kết nối với nhân thế bên ngoài thế giới của cái bản ngã.

Nhân tiện, A Phủ có ghẹo “trung niên bằng hữu lưu niên” của mình rằng: “Sau phía chân trời có một Lady Lion đang chờ chồng mải mê rong chơi mém quên cả lối về hang”. Bởi vậy, cuốn sách này còn như một thông báo “Tui đã hồi gia an toàn tánh mạng”.

Tạm khép lại cuốn sách, điều mà A Phủ hờn dỗi “trung niên bằng hữu lưu niên” là soi tìm từng dấu chấm, dấu phẩy mà chớ hề thấy tác giả bày cho cách kiếm tiền để đi chơi quá xá đã như tác giả. Đi cho đáng nên đi. Hứ, ghét ghê vậy đó!

Sách “Có Gì Sau Phía Chân Trời” của Nguyễn Trí Thông có giá bìa 180.000 đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC