Người Mỹ có khá nhiều ngày lễ độc đáo, không đụng hàng, chẳng hạn lễ Pi Day (Ngày số Pi – đọc là “pai”).
Pi là gì? Bạn thử làm một thí nghiệm này. Bạn vẽ một vòng tròn rồi lấy sợi dây đặt nó lên trên vòng tròn đó. Bây giờ bạn vuốt thẳng sợi dây ra rồi đo chiều dài của nó. Độ dài này là chu vi của hình tròn. Tiếp đó bạn đo đường kính của hình tròn. Nếu bạn lấy chu vi của hình tròn chia cho đường kính của nó, bạn sẽ được con số bằng 3,14159 và nhiều số lẻ sau đó. Để ngắn gọn người ta dùng con số 3.14. Bất kể bạn vẽ hình tròn to hay nhỏ cỡ nào, với phép tính trên, bạn luôn luôn được con số 3.14. Năm 1706, nhà toán học người Anh William Jones đã lấy chữ cái Hy Lạp π (pi) làm ký hiệu cho con số đó. Ký hiệu này được dùng cho tới ngày nay.
Ngày 14 tháng 3, viết theo văn hóa Mỹ sẽ là 3-14, ứng với 3.14, dân Mỹ yêu toán chọn nó là Ngày số Pi (Pi Day). Nhiều người ăn mừng vào lúc 1 giờ 59 phút để có con số 3.14159. Tiệc mừng là ăn bánh Pie (cũng có âm là pai – bánh mứt). Bạn đừng tưởng ngày lễ này là trò đùa. Ngày 3-14, năm 1988, nhà vật lý học Larry Shaw tổ chức lễ kỷ niệm Pi Day đầu tiên tại viện bảo tàng khoa học San Francisco Exploratorium. Pi Day có truyền thống từ đó rồi nó được hưởng ứng trên toàn nước Mỹ. Ngày 12-3-2009, Hạ viện Mỹ chính thức công nhận 3-14 là Pi Day. Tuy nhiên nó không phải là ngày lễ được nghỉ việc (public holidays).
Lịch sử cho biết từ thời cổ đại (287–212 BC), người ta đã biết đến số π, nhưng họ chỉ phỏng đoán nó trong khoảng 3.12 – 3.16 gì đó. Mãi đến năm 1665, nhà toán học và vật lý học người Anh Isaac Newton mới tính ra số pi với 15 chữ số thập phân. Sau đó, năm 1699 người ta tính được tới 71 số thập phân. Năm 1706 số pi tính được đến 100 chữ số. Năm 1956 con số kỷ lục thế giới của pi gồm 620 con số. Kỷ lục này đã bị phá vỡ vào năm 2005 bởi ông Rajveer Meena. Raiveer đã bỏ ra 10 giờ để tính số Pi lên tới 70.000 con số thập phân. Ngày nay người ta cho số pi là con số siêu việt vì nó dài, thật dài, và rất dài đến không bao giờ hết. Nếu bạn dùng computer để tính pi, bạn sẽ thấy những con số nhảy ra ào ào trên màn hình hầu như vô tận.
Pi chẳng phải chỉ là một chuỗi số khô khan, nó cũng có một tâm tình đầy dí dỏm. Chẳng hạn mừng năm mới, bạn có thể chúc ai đó tiền vào như số pi. Tại sao anh chàng Pi thi rớt bằng lái xe? Vì anh ta cứ chạy như điên mà không biết “xì-tốp”. Điều xui xẻo nhất trên đời là nhận 1 cú đấm của Pi, vì nó cứ liên tục đấm hoài không ngừng. Đừng tranh luận với Pi, hắn chỉ nói vòng vo mỏi miệng mà không đi đến đâu. Face book đã xóa sổ tài khoản của Pi, vì bài viết của cậu ta không thể chấm hết. Đêm nghe tiếng mưa rơi. Đếm tới 3.14 triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ…
Chẳng biết ngẫu nhiên hay định mệnh, nhà toán học lừng danh thế giới là Albert Einstein ra đời vào ngày 14 tháng 3. Toán học có nhiều điều kỳ diệu phải không các bạn. Chúc các bạn yêu toán hay không yêu toán đều có một Ngày số Pi vui vẻ. Happy Pi Day.
TRANG N DO, California
Nguồn ảnh từ Internet. Thnaks.