Tản mạn với TÂM XUÂN của Hòa Nguyễn (*)

nguyenvanhoa-tho-tamxuan-cover_resize

 

TÂM XUÂN là tập thơ gồm trên dưới 30 bài thơ và vài ba bài phú, tản mạn, ngẫm nghĩ, Hòa Nguyễn đi vào Xuân thật thong dong, gợi nhớ  –  phảng phất hơi hướm Trung học Kiến Tường, tràm xanh bao la, mặn mòi gió nồng nắng cháy.

Thơ anh lênh láng như nước lũ tràn đồng, xoáy vào lòng người chút thao thức, chút bâng khuâng, chút tiếc nuối, đầy đặn niềm son sắt của một thời cầm viết điểm danh, múa phấn…

 

VỌNG XUÂN, anh viết:

Đêm nghe hơi sương lạnh

Vừa hay gió sang mùa

Cuối năm nơi đất khách

Chạnh lòng nhớ quê xưa

 

Nửa đêm chợt tỉnh giấc

Giá buốt tiếng thời gian

Đời ta bao được mất

Sầu tư hàng nối hàng

 

Sao rơi nơi xa xăm

Ước nguyện chưa kịp thành

Thương thêm sợi tóc bạc

Nỗi buồn cứ loanh quanh

 

Lắng nghe hơi sương lạnh

Đã hay gió sang mùa

Mùa Xuân yêu thương cũ

Sắp về với ta chưa ?

(Vọng Xuân)

 

Tôi thích Sầu tư hàng nối hàng. Nỗi buồn cứ loanh quanh

Nghe như vang vọng nỗi bâng khuâng, niềm ray rứt từ hoài niệm …

Vào mỗi Tết, anh thanh thản vào lệ nghinh xuân, tiếc hối khi hoa nở sớm sau vườn nhà

Sáng nay hương ngát sân nhà

Đóa hoa Ngọc Điễm nở ra sớm rồi

Nghinh Xuân sao vội hoa ơi

Cho lòng ta cũng bồi hồi ý xuân

(Nghinh Xuân)

 

Theo anh, Ngọc Điểm là loại lan rừng VN có hoa rất thơm, thường nở đúng dịp Tết nên còn có tên là Nghinh Xuân.

Chắc hẳn anh đã phải lòng Ngọc Điểm nương nương, bởi chất ngòn ngọt phảng phất hoa hồng, hay hăn hắt đậm hương X – men gợi cảm, chập chùng quyến rũ – anh viết Nghinh Xuân 2

 

Nghinh Xuân lại nở trước thềm

Vẫn hương hoa cũ gợi niềm nhớ nhung

Bâng khuâng hoa nở mấy lần

Mở tung cánh cửa, rước Xuân vào nhà

(Nghinh Xuân 2)

 

Tâm Xuân của Hòa Nguyễn long lanh, lấp lánh hoa và hoa. Có nên gọi anh là  đạo sĩ yêu hoa   Cái yêu thi vị, thổi hứng vào hoa, trong veo thơm mát, hiu hiu gió ấm đầu Xuân…

 

Sáng tinh mơ

Hạt sương rung nhánh lúa

Gió đưa về hoa cau thoảng mùi hương

Trời chưa xuân mà vàng hoa thơm ngát

Áo ai bay ấm áp lối thiên đường

 

Êm như mơ

Đường nở hoa theo chân bước

Tháng hai nầy cây lúa trỗ đều bông

Ta vẫn biết

Trời xanh soi đáy nước

Hiên nhà ta vừa nở nụ hoa hồng

(Tâm Xuân)

 

Từ hoa sang người, nét liên tưởng nghĩ cũng hay hay, dễ cảm

Trời chưa xuân mà vàng hoa thơm ngát

Áo ai bay ấm áp lối thiên đường .

 

Tôi chợt thương quá một thời tình ái “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc – Áo nàng xanh anh mến lá sân trường (Nguyên Sa)”. Có khi nào Đạo Sĩ viết: Áo em xanh anh về yêu màu nước – Ngọc Thủy ơi nàng đẹp tựa thiên thần – Săm soi ngắm hình nàng theo lượn sóng – Ta ôm nàng vào tận cõi trăm năm …ngày anh ghi nhật ký Kiến Tường xưa ?!

 

Khe khẽ, trầm ngâm, Hòa Nguyễn nghiền ngẫm thời gian trên con Đường Một Chiều

Thời gian vẫn lướt nhẹ qua kẽ tóc

Tóc đen xưa dần nhuốm vết phong trần

Mãi đeo đuổi theo dấu chân hạnh phúc

Mà không hay mắt hằn dấu chân chim

 

Xuân trôi nhanh đâu dừng mãi bên thềm

Ta nghiền ngẫm biết bao điều được mất

Chiều tan ca giữa phố đông tất bật

Càng thấy cần một khoảng trống lắng im

…..                           (Đường một chiều)

 

Cái tiếc nuối của anh như từng Dấu Lặng trong đời, dẫu có lúc nặng lòng về cõi nhớ. Cái lãng mạn, đa mang mờ ảo của một người yêu văn yêu thơ ! Dễ thương, dung dị …

Ta lẫn khuất trong dòng người hối hả

Cũng nặng lòng về một cõi nào xa

 

Trời cuối Xuân hắt hiu bao nỗi nhớ

Kỷ niệm nào rồi cũng hóa xa xưa

Lòng ngỗn ngang bao nỗi niềm tâm sự

Chút tình riêng, vướng víu mãi chưa vừa

 

Người lữ khách trên bước đường cô quạnh

Tóc phai màu theo ngày tháng dần trôi…

(Dấu lặng)

 

Kỷ niệm, kỷ niệm và kỷ niệm …rồi cũng hóa xa xưa. Anh như người lữ  khách (Người lữ khách trên bước đường cô quạnh)

“cô quạnh” không dám đâu ! Hòa Nguyễn mà cô quạnh chắc khối người cô độc .

Ta bỗng bâng khuâng, Xuân qua mau

Bừng ra cũng một giấc chiêm bao

Tóc mai nay đã thêm sợi bạc

Đâu giấc mộng Xuân của thuở nào !

(Giấc mộng Xuân)

 

Thao thức của Hòa Nguyễn phải chăng là chuỗi tiếc nuối thời tóc xanh, thuở bôn ba đi lại Kiến Tường, ung dung ca hát trên sân trường trung học cùng bè bạn, học trò bên lều trại. Thời gót chân rảo qua phố nhỏ, loanh quanh cư xá Nhà Thờ, đong đưa ành mắt mơ tìm một tà áo trong gần chục tà áo màu thướt tha, tóc bay theo gió…sông Vàm Cỏ

Yêu thương cũ bây giờ mong manh lắm

Như hoàng hôn đọng giọt nắng tơ vàng

Chiều cuối năm qua nhanh trên phố vắng

Em về mau kẻo lạc lối thiên đàng

 

Xin để lại đêm dài không mộng mị

Xin chiều về không còn chút vấn vương

Xin Chân Như chứa đầy trong hạt bụi

Duyên ba sinh mãi mãi vốn vô thường

 

Xin cứ hẹn sau vài mươi thế kỷ

Cùng nắm tay đùa cợt chốn trăng sao

Cho quá khứ, tương lai cùng hòa quyện

Gom trăm năm vào một giấc chiêm bao!

                                    (Giã từ)

 

Xin cứ hẹn sau vài mươi thế kỷ

Gom trăm năm vào một giấc chiêm bao!

Người thơ có tham không ?

Theo tôi: Gom đam mê vào một giấc chiêm bao chắc nó huy hoàng nồng cháy hơn hẹn đợi … vài mươi thế kỷ

TT Saigon coi bộ khá thực dung – đã viết  :

Sao em nhìn trộm ta như thế

Để thấy ta già lắm phải không ?

Tóc nhiều sợi bạc hơn đen đủi

Biết còn tinh lực lúc ta gần ?!

Với em, từ đốm tro tàn lạnh

Ta phát bùng lên tựa bão giông

Đôi tay ta chắc như cơn sóng

Vồ vập tình em : một khúc sông !

 

Ta giờ không thể yêu chầm chậm

Không có thời gian để đón đưa

Bởi đó gần em ta cuồng nhiệt

Đời vốn hư vô: một giấc trưa!

(Trích Cuồng Nhiệt – TT Saigon)

 

Trên đỉnh Phù Vân của Hòa Nguyễn nghe qua hấp dẫn thiệt . Lên đỉnh là khoái rồi, mấy ai lên đỉnh!

Đỉnh của anh có 4 nấc: 1. Mơ  2. Ảo ảnh  3. Kỷ niệm  4. Thực

  1. Ảo ảnh

Duyên may một thuở trùng phùng

Dang tay níu mộng mịt mùng khói sương

Hiểu ra cũng lẽ vô thường

Người quên, kẻ nhớ vấn vương câu thề

 

3.Kỷ niệm

Một hôm trở lại sơn khê

Cây oằn nhớ bóng, người về xa xưa

Rong rêu đã trải nắng mưa

Ta ngồi bên đá, bài thơ vô đề

                           (Trên đỉnh Phù Vân)

 

Đỉnh của anh chỉ có vậy. Cụm từ một thuở trùng phùng – vấn vương  – một hôm trở lại – Cây oằn nhớ bóng phải chăng anh đâu vô tình với cố nhân xưa, mỹ nữ thời trai trẻ 20, tuy anh tự kiểm với vợ :

Bởi yêu em, nên ta không mơ ai khác

Dù có đôi lần ta nhìn trộm dáng hoa

Em không ghen như mệnh phụ Hoạn Thư

Một liếc mắt mà lòng ta kiêng nể

Kể từ ấy ta về vui kinh kệ               

Làm việc hết giờ, một nẻo thẳng mà đi

                          (Cám ơn em)

 

Chỉ một liếc mắt mà người thơ đã ngoan, về vui kinh kệ . Ngưỡng mộ , tâm phục, khẩu phục cho chàng đôi lần nhìn trộm dáng hoa !

Tiếc điều tui chẳng  những một lần được bà nhà liếc mắt, mà là chục lần liếc mắt …nhưng lãng tử cứ lượn lờ rong chơi – Đi đâu rồi cũng về thôi. Vì hết chỗ đi rồi chớ gì! Khà, khà, khà …

Muốn tĩnh lặng bỗng đong đầy nỗi nhớ

Cứ bâng khuâng ray rứt mãi lòng ta

Người chân mây theo cánh nhạn mịt mờ

Ta lạc bước chờ ai chừng hóa đá

Người tuy gần mà cũng hóa xa xôi

Ta lận đận mấy vần thơ mộng mị

Những dấu yêu ngày ấy đã về đâu

Con đường quen chiều xuống nắng thay màu

Ta chờ mãi trên đỉnh đời dâu biển…

                                         (Hạ nhớ)

 

Ta sẽ khác, sẽ không còn thương nhớ

Giữ làm chi hình bóng với chân dung

Ta đâu biết ai yêu ai lầm lỡ

Cũng không mong hội ngộ với tương phùng

Ta phải khác, muốn khi xưa cũng khó

Đêm trở mình trằn trọc với âu lo

Kiếp nhân sinh làm sao mà định nghĩa

Còn lòng người ai lấy thước mà đo ?

                                           (Ta đã khác)

Tiếc hối hay trách móc đây? Nào ai biết… vì người thơ tình nguyện “đã khác”.

Nếu không khác mới là lạ, bởi:

Ta đã khác, tóc xanh nay chớm bạc

Thân hao gầy ngơ ngẫn giữa nhân gian

Mắt mờ tỏ tâm tư chừng quên lãng

Và hồn thơ lạc mất dấu thiên đường

                                     (Ta đã khác)

 

Qua câu chữ, Hòa Nguyễn hơi bị… thiếu tự tin vì ngần ngại “ngoại hình già”.  Đang tuổi vừa nghỉ hưu, sắc diện anh còn “thịnh” lắm, thân còn cường tráng, tay chân săn chắc, toàn thân lắc lư chắc dẻo! Ai bảo anh già …

Từ U70, trở lại tuổi anh, nếu có cơ hội tôi chắc lả lướt hơn, cam đoan… tương tư sẽ đong đầy cùng thi phú. Tuổi U60, với tôi …vẫn ấp đầy sinh lực và lềnh bềnh tinh lực!  Anh không còn trẻ, nhưng anh còn khỏe – Anh không còn son , nhưng anh còn ngon! Tâm niệm vậy đi

Tại sao cứ mang cái áo già – dù già thiệt, già khằn, già khú đế đi nữa – cứ ru mình vào thế giới hình hài nhăn nhúm, hẽm vực chân chim dọc ngang da thịt rồi tự chán, sợ hồn thơ lạc dấu thiên đường?!

Ngày xưa, Trung học Kiến Tường đã xuất hiện “đạo sĩ” Uông Văn Đính với áo dài tóc cột. Hiện tượng thời trang lạ, cũng hiểu được, bởi anh coi Kiến Tường như nơi chốn ẩn thân, chưng diện với ai, điệu đà với ai. Một cách “xuất thế” kiểu Lão Tử vậy thô ! Có  người coi đó là lập dị…. Có người thấy dạng rồi đồng hóa thầy là Đạo Sĩ  – nhất là lúc Thầy kéo đệ tử diễu hành từ Trường vào Núi Đất rao giảng…

Cũng chẳng ai châm chọc ông thầy. Tùy ý thích mỗi người ở cái xứ đêm về hỏa châu rơi, đạn  pháo hà rầm, nếu không nói là “chốn vùng sâu vùng xa đồng chua nước mặn”…

Sau 1975, hiện tượng thời trang “Uông Văn Đính” mất hút… Anh em cố tìm tung tích vẫn bặt vô âm tín.

Thay vào đó, “đạo sĩ Trung học Kiến Tường” thỉnh thoảng giáng sinh đâu đó… trên trang Web THKT!

Qua phong thái từ tốn, tỉ mỉ, cẩn trọng. Thầy Xuân Kỳ lấy hoa mai sấy khô làm “Trà Mai” – theo thầy trà này uống rất tốt cho sức khỏe – Từ đó thầy yêu nhất Hoa Mai.

Thầy trò THKT tôn vinh thầy như một “đạo sĩ trà Mai”, tạo hứng cho Hòa Nguyễn bùng phát hứng thơ :

Không phải kẻ phàm phu

Ta hái trăm hoa nở

Đặt đầy trong cái rổ

Hương hoa đang lan xa,

 

Không là phường tục tử

Ta yêu cánh hoa nhỏ,

Những đóa hoa rực rỡ

Sắc hương luôn đậm đà.

 

Đóa hoa mai nở muộn

Vẫn đầm thắm nét duyên

Lung linh trong nắng ấm

Sắc Xuân còn tơ vương

Dáng hoa của nàng Xuân

Tinh hoa cho thi nhân

Hương hoa cho đạo sĩ

Tâm hoa của thánh nhân

(Đạo sĩ thưởng hoa)

 

Riêng Hòa Nguyễn, đôi khi cũng nhập vai “đạo sĩ”

Sáng sớm lên tầng cao

Ngắm bầu trời đầy sao

Quên một thời mơ mộng

Cung bậc xa xưa nào

Hít sâu cho đến chân

Thở ra tận kẽ tóc

Cho mặt trời lên dần

Trái tim tăng nhịp đập

Buổi sáng trên xa lộ

Có khi nơi góc phố

Nhâm nhi ly cà phê

Ngày vui đang đâu đó

 

Còn lâu ta mới chịu

Đứng bên lề cuộc đời

Ngắm dòng người xuôi ngược

Bỏ qua mọi cuộc chơi

…..

(Một ngày của đạo sĩ)

 

“Đạo sĩ” Hòa Nguyễn nào đâu yếm thế. Vì “Còn lâu ta mới chịu

Đứng bên lề cuộc đời”

140223-thkt-hopmat-kientuong-phphuoc-039_resize

Thầy Nguyễn Văn Hòa và phu nhân Ngọc Thủy (tháng 2-2014)

Anh yêu đời như “đạo sĩ trà” yêu Mai, như Kiến Đen thả trôi về “dòng sông ngọc”, Bùi Lão mê bài ca tuyết trắng, thiền sư họ Đỗ tận Cali yêu “dòng nước biếc”,  Hữu Thành ngâm nga “áo nàng vàng anh về yêu Vạn Thọ”, Lê Công Phúc chạnh lòng với “vóc liễu Bình Dương”, Nguyễn Nh Seattle chếnh choáng hơi men  ngâm nga “em một bên và rượu một bên”, Ngô Bảo Toàn ngong ngóng nàng răng khểnh, người đẹp Sà-rông … để thấy đời còn nở hoa và ngoài kia hồng lắm những mùa xuân.

140223-thkt-hopmat-kientuong-phphuoc-037_resize

Thầy Bùi Trung Tính (bên phải) và thầy Nguyễn Văn Trọi (tháng 2-2014)

Nhắc đến Lão Trang Thiền sư, tại hạ khoái nhất bài thơ Hát Ka Tê có mấy câu như sau:

Tại hạ kiến thợ
Trọ học KiếnTuờng
Tối hôm không trăng
Tiết hè khó thở
Tui ho không tắt

 

Tuởng họ không thấy
Tui hứng khỏa thân
Truởng hộ khu thấy
Truởng hộ kêu “Trời!” ( Hát Ka Tê)

 

Hòa Nguyễn không biết có gật gù khi đọc mấy vần thơ nắn nót công phu trên của Ngài Cali …

Dù bao ngọt đắng đã từng

Hương từ đáy cốc bỗng dưng dạt dào

Tình xưa theo giấc chiêm

Người xưa,sương khói chìm vào hư vô

Tim ta có lúc dật dờ

Nửa sa địa ngục, nửa vô thiên đàng

Tạm quên đi chuyện nhân gian

Toàn thân bỗng chốc hòa tan vào trà .   

  (Trà đạo)

Hóa ra đạo sĩ cũng có Tình xưa, người xưa, từng sa địa ngục à há!

Lắng tiếng chim ca trong khóm cây

Nhớ hương tràm cũ thoáng đâu đây

Học trò áo trắng chiều tan lớp

Cổng khép, trường im, hoa lá bay !

(An nhiên)

 

Nhớ trò hay nhớ cô, nào ai biết được …

Nghĩa cũ một đời ta chắt chiu

Dẫu qua bao nắng sớm mưa chiều

Nắng lên gió cuốn đường bụi đỏ

Thu đến mưa tràn nỗi hắt hiu

 

Ký ức chưa phai hươnng tràm thoảng

Người xa xăm quá giấc mơ phai

Gởi người tri kỷ nơi phương ấy

Mơ ước một ngày tay ấm tay !

Dáng ai áo trắng in đường vắng

Ký ức còn nguyên nỗi khát khao

(Trăn trở)

 

Với Mẹ, Hòa Nguyễn là người con hiếu thảo. Thật xúc động qua dòng thơ của anh

Con ngắm mẹ ngồi cầu kinh lặng lẽ

Hiểu vô thường trong nhịp thở , khói hương bay

90 năm đời mẹ vụt qua tay

Đèn dầu cạn,

Xin đừng cơn gió nhẹ !

(Mẹ bây giờ)

 

…Nhưng 3 năm sau, cơn gió nhẹ vừa thoáng qua… trong những ngày đông lạnh 2014. Ôi buồn sao đời người Sinh – Lão – Bệnh – Tử !

 

Cạnh những bài thơ đồng hành cùng Tản mạn , Hòa Nguyễn còn viết:

Mẹ – Mưa tháng bảy – Chúc Xuân – Chúc Tết – Hội hoa Đà Lạt – Phù Du

– Đạo sĩ xuống phố – Tống tiễn năm 2013 – Tự thuật tuổi 63 – Hạ nhớ – Bỡn thầy Bùi trung Tính – Lái xe đi dạy – Sắp thêm tuổi  – Có một chùm hoa vô ưu – Hồi đáp bạn Hoa phong Trần – Xuân sang – Bốn mùa thương nhớ.

Phần lớn những bài viết gắn bó với trường Trung học Kiến Tường, nơi anh trưởng thành trong tình thân thương ” ( LỜI NGÕ của Hòa Nguyễn)

 

BÙI TRUNG TÍNH

(TP.HCM 28-12-2014)

—-

(*) Hòa Nguyễn là bút danh của thầy Nguyễn Văn Hòa