Hôm nay tôi được xem một số hình xưa, anh Nguyễn Xuân Kỳ cất giữ đã 50 năm, nay chia sẻ trên website Trung học Kiến Tường. Đó là vài tấm hình về thầy cô và học trò của thời Trung học Công lập Kiến Tường. Chúng là những tấm hình xưa, đúng trọn vẹn với ý nghĩa xưa của lịch sử. Bởi vì ngôi trường cũ đã hoàn toàn tan ra tro bụi bay theo gió, cho nên ngôi trường lui vào thời xa xưa. Nước hình màu xám là màu của thời gian và cảnh vật mờ mờ là bóng của quá khứ. Một số người trong hình hoặc đã vĩnh viễn ra đi, hoặc đã trôi dạt ở nơi nào không ai biết. Số người còn lại, được tin nhau, cố gắng nhận ra nhau sau 50 năm biến đổi.
Tôi biết những tấm hình cũ chỉ gây xúc cảm cho những người có mặt trong hình. Tuy nhiên toàn thể chúng ta đều sống chung dưới một mái trường, nên tôi nghĩ, ai cũng có ít nhiều vấn vương khi nhìn tấm hình cổng trường cũ. Cảnh mà chúng ta tưởng đã quên, bỗng thấy vẫn còn đó, y nguyên, với mọi chi tiết. Tâm chúng ta trào ra những kỷ niệm. Trí óc chúng ta không vận hành một tư tưởng nào, vì trí óc không khám phá ra điều gì mới, chúng ta chỉ trở lại với những gì đã có. Người và cảnh trong hình không phải là một biến cố nên không có câu hỏi nào đặt ra. Khi không có câu hỏi thì cũng không có câu trả lời, và cũng chẳng ai cần câu trả lời. Tất cả những gì muốn biết đều nằm sẵn trong tấm hình. Rồi chúng ta thấy lòng mình chìm vào với cảnh, gắn bó mật thiết với nó, trong sự sâu thẳm của cảm xúc.
Phải rồi, anh Kỳ hồi đó đầy vẻ thư sinh và trong sáng. Tôi hồi đó đầy nét ngu ngơ và trong sáng. Học trò hồi đó rất mộc mạc, vô tư, hiền lành, và trong sáng. Nhưng phải đến bây giờ nhìn ngắm kỷ niệm như một đối tượng, những nét đẹp này mới hiện ra rõ ràng. Tấm hình không còn vô tri, nhưng rất linh động dẫn tôi đi sâu vào vùng kỷ niệm. Kỷ niệm sâu đậm là do tâm hồn chúng ta sâu đậm. Tôi, và những ai có chung một dĩ vãng, sẽ như một họa sĩ, hay một thi sĩ đang để lòng mình sáng tác một họa phẩm hay một bài thơ về một mái trường.
Đây là những cô cậu trẻ con ngày xưa. Thật khó mà tin, nay họ đã ngoài 60. Nhưng tôi không thấy các em là những bé ấu trĩ của quá khứ, không liên hệ gì với hiện tại. Tôi không có những biện luận so đo giữa quá khứ và thực tại để rồi phải đối diện với những phủ nhận đầy tiêu cực. Tôi cũng không đi tìm một bản thể vĩnh viễn trường tồn vì cái ấy không thể có. Tôi chỉ đi tìm cái đẹp của tuổi học trò, vì cái đẹp ấy có thể trường tồn qua thời gian. Khi một tâm hồn trống rỗng buông xả và im lặng để chiêm ngắm mái trường xưa thì sẽ khám phá ra cái đẹp ấy. Vẻ đẹp như hình ảnh trong giấc mơ.
Rất may chúng ta có cùng một kỷ niệm nên chúng ta chỉ cần lắng nghe trong im lặng, như im lặng nghe tiếng bước chân vào lớp, nghe tiếng vỗ về của dòng sông Vàm Cỏ Tây, để trực tiếp cảm nhận mà không cần bất cứ một tranh luận nào hay vất vả dùng biện ngôn để gợi ý. Chúng chỉ là cạm bẫy của ý niệm. Tất cả chỉ có cái đẹp tồn tại và đó là những gì nằm trong những tấm hình xưa.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Cựu giáo sư Việt văn Trung học Công lập Kiến Tường, California – Hoa Kỳ 3-2016)
+ Ảnh tư liệu của thầy Nguyễn Xuân Kỳ