Cám ơn Ngỡi đã đưa tôi về những ngày xưa của Kiến Tường yêu dấu! Hy vọng sẽ còn được đọc thêm những tư liệu, những kỷ niệm… về KT của bạn.
Gia đình tôi cũng sinh sống ở Gò Chuối, Bắc Hòa gần ba năm và năm 1964 mới ra ở hẳn ngoài tỉnh lỵ KT. Phần tôi thì bắt đầu học THKT cùng năm với Ngỡi (1963), lớp đệ Thất P.
Khi tôi học lớp đệ Thất thì hình như trường đã có lớp đệ Nhị với khoảng 20 học sinh. Trường lúc đó do thầy Trần Ngọc Châu làm hiệu trưởng. Lớp đệ Tam, đê Nhị năm đó có phân nửa là các anh gốc trong Bắc Hòa. Tôi vẫn còn nhớ tên một số anh như: anh Ánh, anh Phúc, anh Thịnh,…
Anh Thịnh là con cụ Ký Duy ở Nhân Hòa và cụ là bạn thân của ba tôi.
Anh Ánh và anh Phúc thì phụ giúp cha Hồ Thiện Tri trông coi một số đoàn thể của nhà thờ Mộc Hóa và hai anh còn dạy ở trường tiểu học tư thục Gioan Baotixita của nhà thờ (anh Ánh dạy lớp Nhất và anh Phúc dạy lớp Nhì) trong lúc hai anh vẫn còn đang học lớp đệ nhị của THKT.
Xin được mở ngoặc để nói thêm về trường tư thục Gioan Baotixita: Đây là một trường nhỏ do linh mục Hồ Thiện Tri – chánh xứ Mộc Hóa – lập ra với mục đích giúp đỡ các em học sinh không có điều kiện vào học công lập và dành cho những phụ huynh nào muốn con em học trường nhà thờ chứ hoàn toàn không có tính cách vụ lợi kinh doanh vì tôi nghĩ thường là bị lỗ vì số học sinh rất ít. Trường thực sự không có giấy phép của bộ giáo dục và được coi như là một chi nhánh của một Trung học Tư thục Quang Minh ở Saigon (học bạ học sinh mang tên Trung hoc Quang Minh).
Tháng 11-1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì sau đó, một số trường trung học công lập ở Saigòn, đầu tiên là trường Gia Long, Petrus Ký … đã có những cuộc tụ họp của học sinh và giáo sư đòi thay đổi ban giám hiêu đương nhiệm của trường. Sau đó như một vết dầu loang, những việc này đã lan ra tới các trường trung học ở các tỉnh lỵ trong đó có THKT.
Tôi nhớ vào khoảng tháng 12-1963, hôm đó tôi cũng đi học bình thường và hoàn toàn không hay biết gì về một biến cố sắp xảy ra.
Sau khi vào lớp được vài phút, chưa thấy giáo sư xuống. Chúng tôi nhìn lên văn phòng thì thấy một số giáo sư đang đứng nói chuyên với thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Châu. Sau đó, một số anh lớp đệ Tam, đệ Nhị tới từng lớp hướng dẫn học sinh ra đứng ở sân cỏ.
Chúng tôi được thầy Quang ra nói chuyện. Bây giờ tôi không nhớ thầy Quang nói gì. Trong lúc thầy Quang nói thì một số thầy đi đi lại lại trên hành lang lớp học, trong đó có thầy Lê Thanh Tân. Tôi vẫn nhớ thầy Tân người Bắc và hay đội cái mũ trông hơi giống cái mũ cối.
Sau đó, chắc do được mời nên thầy Hiệu trưởng Châu bước ra nói vài lời với các giáo sư và học sinh. Tôi vẫn còn nhớ, khi thầy Châu đi gần chỗ lớp tôi đứng, tôi nghe thầy nói một câu đại ý: “Thôi cứ ra để xem mấy ông học trò Bắc Kỳ này muốn gì!” Khi thầy Châu trở về văn phòng thì chúng tôi cũng trở về lớp học bình thường và ngày hôm sau chúng tôi đã có ban giám hiệu mới với thầy Lê Thanh Tân là Hiệu trưởng, thầy Quang (hình như thầy họ Võ) là Tổng giám thị. Thầy Nguyễn Văn Đấu là giám thị phụ tá thầy Quang.
Một chút về thầy Lê Thanh Tân: Thầy Tân tốt nghiệp ĐHSP Sàigòn ban Anh Văn đệ nhị cấp năm 1963 và về THKT đầu năm học 1963-1964 cùng một lượt với thầy Trần Ba (thầy Ba tốt nghiệp ĐHSP Đà Lạt ban Pháp Văn đệ nhị cấp).
Năm 1965, thầy Tân thuyên chuyển về làm Giám học Trung học Tân An (Long An) rồi sau đó về làm Giám học Trung học Mạc Đĩnh Chi (Saigon) cho tới giữa năm 1975 thì thầy nghỉ. Trong thời gian thầy làm giám học trường MĐC, có một số học sinh ở KT chuyển lên Saigon học và đã được thầy tận tình giúp đỡ nhận vào trường MĐC trong đó có bạn tôi – Võ Lệ Thu (đang ở Mộc Hóa) – đã học ba năm cuối tại trường MĐC.
Một sự tình cờ, khoảng năm 1979, tôi được người anh rể, trong một lần rủ tôi góp vốn làm ăn đã chở tôi đến nhà người bạn của anh. Tôi giật mình khi găp lại thầy Tân. Thầy hoàn toàn không nhớ tôi, nhưng tôi thi nhận ra thầy liền, mặc dù cũng đã xa thầy 14 năm rồi. Sau khi biết nhau, thầy rất mừng ôm chặt lấy tôi… Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại thầy Tân. Sau đó, công việc làm ăn bị thất bại, lỗ lã và kể từ đó tôi cũng không biết tin thầy Tân nữa.
Cách đây một năm, tôi thấy trong trang Trung học Mạc Đĩnh Chi có ghi tên thầy Lê Thanh Tân, chức vụ giám học, ngoài ra không có thêm một chi tiết nào khác nữạ. Tôi đã gửi e-mail cho người phụ trách để hỏi về tin tức thầy Lê Thanh Tân mấy lần nhưng cho tới nay vẫn không nhận được hồi âm. Tôi cũng đã hỏi anh rể tôi đang sinh sống ở Mỹ về thầy, nhưng anh tôi cũng không biết gì hơn.
Vâng nếu quý thầy cô, bạn bè nào biết tin về thầy Lê Thanh Tân, xin vui lòng cho THKT biết nhé.
Các thầy cô trên sân trường THKT nhân tiệc Tất niên 1972. Từ trái qua: thầy Bùi Trung Tính (đeo kính đen, rất ngầu nhé!), thầy Nguyễn Trọng Hòa, cô Trần Thị Trị, thầy Hoàng Đình Biểu, thầy Trần Khắc Hòa, thầy Uông Văn Đính (mặc áo dài), và thầy Đoàn Văn Nhiêu.
Ảnh này được thầy Bùi Trung Tính cung cấp ngày 25-4-2010
Về chức vụ hiệu trưởng thì đúng như bạn Ngỡi đã viết, ngoại trừ một chi tiết là sau khi thầy Trần Khắc Hòa đổi vê Trung học Nguyễn Du, Saigon thì thầy Hoàng Đình Biểu lên thay, có thể sau thầy Biểu thì tới thầy Đoàn Văn Nhiêu vì khi tôi dạy niên khóa 1972-1973 thì thầy Hoàng Đình Biểu làm hiệu trưởng.
Nếu có thể được, THKT nên ghi tên những vị hiệu trưởng từ ngày thành lập tới bây giờ thì hay lắm (hình như cô Nguyễn Thị Bích Thủy đã đưa ra đề nghị này một lần cách đây mấy tháng).
Những gì xảy ra cho THKT theo em nghĩ quý thầy Trần Ba, Mai Văn Nhãn và cô Huỳnh Ngọc Châu có được chứng kiến. Nếu có thể được, xin quý thầy cô bổ sung thêm những thiếu sót và cả những sai sót giúp em. Những gì em ghi lại cũng chỉ là theo trí nhớ – nhớ gì viết nấy – của một người đã bước sang lứa tuổi “sáu bó” nên không thể nào chính xác hoàn toàn được.
Xin cám ơn quý thầy cô và các bạn.
PHẠM DOANH MÔN
(Canberra, Úc 10-8-2010)