Đất lành hay vùng “ba chìm bảy nổi”

Quê tôi thuộc đồng bằng sông Cửu Long, ở thượng nguồn tỉnh Kiến Hòa, nay gọi là Bến Tre,  trên đầu cù lao Phú Túc. Vùng này nước ngọt quanh năm vì xa biển, cách biển trên dưới sáu mươi kilomet. Vùng đất khai hoang từ rất lâu,  từ một cuộc tị nạn chánh trị thời Tây Đô Vương Trịnh Cương (1686-1729) ở Đàng Ngoài. Lý do ông bà tổ tiên tôi vào vùng đất này khai hoang lập nghiệp là vào thời điểm 1687, Tây Đô Vương ra lệnh giết tất cả những người   theo đạo Công giáo  (Rome catholic), còn gọi là đạo “Giatô”, có cách gọi khác là “đạo của tây’’. Thà chết không để mất đức tin, hay lấy chính mạng sống của mình để bảo vệ đức tin khi tổ tiên của tôi nhận Thiên chúa là cha toàn năng là đấng đã chết thay cho mình và con cháu của mình, thì họ sống chết với niềm tin đó.

bentre

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

 

Cuộc chạy tránh cái chết của tổ tiên tôi, họ đã bỏ tất cả lại sau lưng những gì họ có, quê hương, mồ mã tổ tiên, tài sản và những người thân yêu, bằng những chiếc bè tre, họ đã vượt hàng ngàn km đường biển, đến vùng đất tự do để tạm dung, chờ ngày thanh bình trở về quê hương theo sự suy nghỉ của họ thời điểm đó. Nơi họ xuất phát là khu truyền giáo Lạc Nộn Thanh Liêm, thời kỳ đó thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau này cắt ra thành lập tỉnh nay thuộc tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam thời tổ tiên tôi ra đi chưa có.

 

Ông bà tôi đến đây là một cuộc chạy “chết” trốn vào rừng cho được an toàn bản thân và gia đình. Lúc đó chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ở Đàng Trong chưa có mặt ở vùng này, một vùng đất không chánh quyền chỉ có những đồng cảnh nương tựa tự bảo vệ lẫn nhau để tồn tại . Vùng đất này hồi đó chưa có dấu chân người, là vùng đất hoang toàn cây bần và dừa nước, có mặt khắp nơi trùng trùng điệp điệp,  đất rất thấp so với mực nước sông Cửu Long thời đó,  tổ tiên tôi gọi vùng này là “ba chìm bảy nổi”. Thủy triều trong ngày hai mươi bốn giờ có hai lần thủy triều lên và hai lần thủy triều xuống, vậy nửa ngày mười hai giờ có một lần thủy triều lên và một lần thủy triều xuống. Khi nước dâng cao, mặt đất chìm trong nước rất sâu, trong ba tiếng đồng hồ họ gọi là ba chìm , là ba giờ mặt đất chìm trong thủy triều. Sau khi mực nước lên đến cực điểm theo quán tính sức hút của mặt trăng,  nước bắt đầu tràn ra biển, con nước ròng đổ xuống biển lâu hơn con nước lớn dâng lên. Mặt đất lòi ra khỏi nước chừng bảy giờ,   họ gọi là đất nổi và nổi trong bảy giờ… bảy nổi. Thành ngữ “ba chìm bảy nổi” xuất phát từ đó, từ quê hương của tôi trong việc sinh tồn của tổ tiên tôi.

 

NGUYỄN CÔNG PHONG

(Colorado tháng 4-2014)

 

Trích trong hồi ký “Tiếng hát sông Mekong” của Nguyễn Công Phong (trích trang 566)