Mất một thời gian rất dài tôi vững tin rằng mỗi khi Giao thừa đón Năm mới, người Mỹ cùng nhau hát bài hát “Happy New Year” để vui chúc mừng nhau. Mãi sau này, tôi mới biết mình đã lầm như nhạc sĩ Lam Phương phải ta thán trong ca khúc “Lầm” rằng: “Anh đã lầm đưa em sang đây…” Thực tế, bài hát chính thức mừng Năm mới mà người Mỹ hát cùng nhau lúc Giao thừa là bài có cái tên khó đọc và không có chất “English” chút nào “Auld Lang Syne”.
Không có nhiều người Mỹ biết hay thích cái bài “Happy New Year” của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA đâu. Ca khúc nghe đã lỗ tai của tôi này đã được nhóm ABBA gồm 2 nam 2 nữ phát hành lần đầu trong album Super Trouper năm 1980 của họ. Bài hát Thụy Điển mà bằng tiếng Anh này được phát hành dưới dạng đĩa đơn (single) đầu tiên ở Châu Âu vào năm 1999. Và “Happy New Year” chỉ nổi tiếng nhất ở một số nước… không nói tếng Anh, trong đó được yêu thích kịch liệt ở Việt Nam.
Vì thế, “Happy New Year” không thể là ca khúc mừng Năm mới truyền thống của người Mỹ (Hoa Kỳ được thành lập ngày 4-7-1776, nghĩa là tới năm 2020 này đã có lịch sử 244 năm).
Nếu có theo dõi nghi thức Count Down đếm lùi lúc Giao thừa mừng năm mới truyền thống ở Quảng trường Times Square (New York City) hàng năm, bạn ắt thấy ngay sau khi quả cầu pha lê rơi trượt xuống chạm đế để qua Năm mới là nhạc trỗi lên bài “Auld Lang Syne”.
“Auld Lang Syne” vốn là một bài thơ tiếng Scotland (Tô Cách Lan) do nhà thơ Robert Burns người Scotland sáng tác năm 1788 và sau đó được phổ nhạc với giai điệu dân gian truyền thống. Phiên bản tiếng Anh của bài hát này hiện nay nổi tiếng ở nhiều nước, đặc biệt là những nước nói tiếng Anh. Nó không chỉ được dùng lúc Giao thừa để chia tay năm cũ mà còn được sử dụng trong những sự kiện chia tay khác, như tốt nghiệp, khi kết thúc những sự kiện tụ họp nhau. Phong trào Hướng đạo quốc tế ở nhiều nước cũng hát bài này khi kết thúc các hội trại (jamboree). Hồi trước 1975, khi sinh hoạt Hướng đạo và Thiếu nhi Thánh thể ở tỉnh Kiến Tường (nay thuộc Long An), tôi vẫn cùng ca bài hát này mỗi khi kết thúc hội họp, cắm trại,… Cũng trước năm 1975 ở miền Nam, giai điệu bài “Auld Lang Syne” được ban nhạc các đoàn kịch, đoàn cải lương cất lên mỗi khi kết thúc một vở diễn sân khấu. Thậm chí bài hát này cũng thường được trổi lên trong các đám tang. Chia ly mà. Giai điệu chậm buồn của nó rất hợp tình hợp cảnh những lúc như thế.
Điều mà tôi hoang mang là một bài hát chia ly buồn rầu như vậy lại được người Mỹ dùng làm bài hát truyền thống lúc Giao thừa mừng đón Năm mới. Đành rằng là để chia tay năm cũ, nhưng vào lúc đầu năm mới có lẽ giai điệu nào rộn ràng, vui tươi sẽ “hên” hơn chăng. Mà thôi, người Mỹ là người Hoa Kỳ mừ.
Đây là lời tiếng Việt của bài hát “Auld Lang Syne” mà chúng tôi từng hát:
“Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến
“Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau.”
Chúng được đặt lời Việt từ đoạn mở đầu của bài hát “Auld Lang Syne”.
Lời gốc tiếng Scotland của Robert Burns:
“Should auld acquaintance be forgot,
“and never brought to mind?
“Should auld acquaintance be forgot,
“and auld lang syne?”
Bản tiếng Anh:
“Should old acquaintance be forgot,
“and never brought to mind?
“Should old acquaintance be forgot,
“and old lang syne?”
À mà có kỷ niệm vui. Hồi nhỏ, bọn tôi vẫn khoái hát bài “Auld Lang Syne” được chế gắn với tên của những nhân vật thần tượng anh hùng từ phim Hồ Ly Vọng (Hollywood) như vầy:
“Ò e Rô Be đánh đu
“Tặc Giăng nhảy dù
“Giô Rô bắn súng
“Bắn ngay con ma nào đây
“Thằng Tây hết hồn
“Thằn lằn cụt đuôi.”
Mà “thằn lằn cụt đuôi” xêm xêm với “chó chết hết chuyện”.
Mời bạn nghe bài hát “Auld Lang Syne”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Tham khảo thêm về bài hát Auld Lang Syne.