Lan man ngày cúng tiễn ông Công ông Táo

Bữa nay thứ Sáu 2-2-2024 là ngày đưa ông Công ông Táo (23 tháng Chạp năm Quý Mão).

Táo quân trong tranh giấy Đông Hồ. (Ảnh: Internet. Thanks.)

A Phủ có một thắc mắc khôn nguôi đeo đẳng suốt từ ngày biết có ông Công ông Táo đến giờ. Đó là đưa Thần Bếp về Trời rồi thì lẽ ra mọi nhà phải tắt các thể loại bếp, không còn được nấu nướng gì nữa trọn 1 tuần cho tới ngày 30 Tết đón ông Táo và ông bà tổ tiên về ăn Tết. Vậy là mình phải ăn đồ hộp, đồ tủ lạnh, đồ nguội ròng rã suốt 7 ngày sao?

Ơn Giàng, ở bên kia vách lá, cô hàng xóm cúng ông Táo xong vẫn vo gạo nổi lửa nấu cơm. Cô nàng giải thích, ông Táo về chầu Trời thì vẫn còn bà Táo ở lại. Vậy thì ta cứ… “nổi lửa lên em…”

Mà A Phủ vẫn còn thắc mắc, Táo quân theo chuyện cổ tích là chuyện “hai ông một bà”. Vậy là bữa 23 Tết, cả 2 ông Táo cùng lên chầu Trời hay chỉ có ông nào thường trực luân phiên mới đi?

Thêm thắc mắc nữa, trong một tuần nhà vắng mặt ông Táo, không ai ghi chép mọi sự đời, ắt nhà nào cũng quậy tưng luôn, còn sợ ai nữa, theo cái style “vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” thì “vắng ông Táo, náo loạn cả nhà”. Mà giờ, A Phủ mới hiểu vì sao trong các thể loại báo cáo tổng kết cuối năm vẫn thường có những “khoảng trống vô hình”, vì sớ Táo quân cũng còn trống 7 ngày cuối năm kia mà.

Ngày đưa ông Táo năm Quý Mão này, A Phủ nhờ họa sĩ AI Microsoft Bing Image Creator DALL-E 3 vẽ giùm “ông Táo cỡi cá chép lên trời”. Mắc cười nhứt là cái hình AI vẽ ông Táo mặc váy ngồi bỏ 2 chưn một bên e ấp như chưn dài ngồi xe 2 bánh. Tới chừng A Phủ nhờ “vẽ táo quân nữ cỡi cá chép lên trời”, AI có lẽ hiểu “táo” là “apple” và “quân” là “lính” nên cho ra mấy tấm ảnh ám ảnh luôn.

Và, đây là màn cúng tiễn ông Táo ở nhà A Phủ sáng 23 tháng Chạp Quý Mão.

PHẠM HỒNG PHƯỚC