Tản mạn về hình tượng con rồng Tết Giáp Thìn 2024

Kể từ nửa tháng trước khi con mèo ra đi, con rồng đã mon men đến đầu ngõ. Để tôn vinh năm mới, dân gian thường tạo hình con vật ứng với giáp của năm đó. Việc làm này không khó vì những con giáp đều là những con vật quen biết, ngoại trừ rồng. Rồng là con thú tưởng tượng. Chả có ai thấy nó bao giờ. 

Tuy vậy, người mình vẫn nghĩ ta quen biết rồng. (Mấy vị bác cổ còn tin họ biết rất rõ về rồng như hai bạn thân.)  Vì vậy, nếu bạn nhìn 2 con rồng ở xã Tiên Trang, Quảng Xương, Thanh Hóa, bạn thấy ngay hình như chúng có cái gì đó sai sai. Thì ra mình chúng thon thon như con giun đất. Điều này có thể khiến bạn tức cười.

“Rồng Thanh Hóa”. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ/Internet. Thanks).

Bây giờ bạn thử nhìn con rồng hải ngoại ở Garden Grove, California, xem nó thế nào. Mình rồng đẫy đà, màu sắc rực rỡ… nhưng nó vẫn bị chê là rồng bần. Thì ra vì nó chỉ có 4 móng chân. Rồng vương giả, chân phải có 5 ngón.

“Rồng Orange County”. (Ảnh của bạn già Tạo Trần. Thanks.)

Trong cả 2 trường hợp này, người trong cuộc có lẽ bị trách oan, nhưng chúng vẫn nói lên một điều gì trong ý niệm triết lý nhân gian.

Rồng tượng trưng cho sự sang trọng, oai quyền và linh thiêng. Nó đứng đầu trong Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) trong truyền thuyết văn hóa Á Đông. Những hình ảnh về rồng chỉ nhằm mô phỏng cái ý niệm đó. Muốn nắm bắt được niềm ước vọng này, người ta phải vượt qua những mô hình tượng trưng về nó. Vì vậy vẫn luôn luôn vẫn cần phải có một hình dáng nào đó gợi ra được cái nội dung muốn ám chỉ. Vì vậy sự miêu tả, tuy 100 phần 100 là tưởng tượng, vẫn mang phần quan trọng. Về phần tuyên xưng bằng ngôn ngữ thì dễ hơn. Người ta chỉ cần gọi người muốn ca tụng là rồng là xong. Chẳng hạn dung mạo ông vua được gọi là mặt rồng (long nhan), chẳng ai ngớ ngẩn tin rằng ông có mặt con rồng. Tôn vinh khách đến thăm thì nói, “Hân hạnh quá! rồng đến nhà tôm”. Khen ai tốt số thỉ nói “mả táng hàm rồng”…

Cặp rồng tại Đường Hoa Nguyễn Huệ – Sài Gòn Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh từ FB Mai Trtiều Nguyên. Thanks.)

Tuy nhiên ngày nay, thời “hại điện”, giới trẻ ít ai bỏ công đi tìm hiểu triết lý về rồng. Đối với họ đi tìm ý nghĩa của  biểu tượng như đọc một chuyện phiêu lưu vào quá khứ nhưng chính mình không tham dự. Họ chỉ thích đọc những lời bình phẩm vui vui như đọc những lời của những bản hài kịch.

Rồng lượn và hỏa tiễn bay như có 2 lối đi nghịch chiều giữa không gian và thời gian.                           

TRANG N ĐO (California)