Những mẩu chuyện ngắn – đọc để suy ngẫm

Những mẩu chuyện ngắn – đọc để suy ngẫm

pond_pink_lity_lotus

Photo: Internet

 

Ước mơ

 

Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:

– Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?

 

Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:

– Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.

 

Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:

– Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.

 

Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón…

 

Lòng tin

 

Xe ngừng…

– Mận ngọt đây! …

– Bao nhiêu tiền bịch mận đó?

– Dạ 2.000.

– Hổng có tiền lẻ!

– Để con đổi cho!

 

Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…

– Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5.000 của tui đi luôn rồi!

– Ai mà tin cái lũ đó chứ!

– Bà tin người quá! …

 

Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:

– Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.

 

Lời hứa

 

Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.

 

Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.

 

Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi… cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”

 

Ba và chú

 

Xưa, nội nghèo, ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.

 

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghĩ cho khỏe.

 

Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.

 

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

 

Chuyện của nội

 

Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít…

 

Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm…

 

Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.

 

Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan…

 

Photo: Internet

 

Anh Hai

 

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “Sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”

 

Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!

 

Ngày bé Út vào đại học, phải xa nhà, lên thành phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “Út ráng học ngoan…”

 

Miệt mài 4 năm ĐH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…

 

Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh Hai trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”

 

Xa xứ

 

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

 

Thư đầu viết: “Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…”

 

Cuối năm viết: “Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…”

 

Mùa đông sau viết: “Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…”

 

Photo: Internet

 

Bàn tay

 

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em… Mềm mại.

 

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em… Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

 

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

 

Ba

 

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…

 

Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp: “Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.

 

Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

 

 

Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ – Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.

 

Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành: “Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!”. Vậy là nó nín.

 

Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: “Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!” rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

 

Cha tôi

 

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.

 

Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ…”.

 

Mồ côi

 

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.

 

Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói: Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.

 

Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…

 

Photo: Internet

 

Tô mì

 

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh.

 

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: “Cho hai tô mì bò!”, cậu nói to. Tôi đang định viết hóa đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 tô mì cho thịt bò, tô kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hóa ra, cậu ta gọi to hai tô mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

 

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai tô mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển tô mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đó cha!”. Rồi cậu ta tự bưng tô mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong tô. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào tô của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đậu đại học, sau này làm người có ích cho xã hội.” Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ tô của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

 

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong tô của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thiệt là tử tế, một tô mì mà biết bao nhiêu là thịt.” Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi chợt toát hết cả mồ hôi, trong tô chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn nhanh đi, tô của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây nè.” “Ừ, ừ, con ăn lẹ lên, ăn mì bò thiệt ra cũng có chất lắm đó.”

 

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bưng lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để lộn bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò.” Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không lộn đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. ” Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

 

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào tô người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hóa ra, đáy tô của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

 

* Nguồn: Internet (Xin cảm ơn tác giả).

* Người tìm chọn và chia sẻ: TT COLO (Colorado 25-8-2012)