Hứ, cái gã giang hồ lãng tử này bộ bị chập mạch sao cà, rằm tháng Giêng là rằm tháng Giêng, chớ hỗng lẽ là rằm tháng Hai?
Thiệt tình, tôi gọi như vậy để không bị nhầm lẫn với Tết Trung nguyên hay Tết Thượng nguyên của người Hoa. Vào ngày rằm tháng Giêng, người Hoa ở vùng Chợ Lớn tổ chức mừng Tết Nguyên tiêu với lễ hội hoa đăng, bởi đây là một trong những lễ hội văn hóa cổ truyền của người Trung Hoa. Còn với người Việt, ngày rằm tháng Giêng gắn với Phật giáo, không chỉ là ngày rằm đầu tiên của năm mới mà còn là ngày rằm lớn nhất trong năm. Ông cha ta có câu thành ngữ: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Bởi lẽ, Phật tử Việt coi ngày rằm tháng Giêng là ngày vía của đức Phật tổ. Đây còn là dịp để bà con đi chùa vừa cúng sao giải hạn (nếu năm nay tuổi gặp sao hạn), vừa cầu nguyện ơn lành cho mình và mọi người thân yêu.
Ngày nay người Trung Hoa gắn Tết Nguyên tiêu với đạo Phật. Nhưng sự kiện này không hề xuất phát từ tôn giáo hay mang tính dân gian. Sách cổ ghi chép rằng hồi xưa ở Trung Hoa, nhân ngày rằm tháng Giêng trăng thanh gió mát, lại vẫn còn trong mùa xuân bá tánh dập dìu trẩy hội, hoa cỏ vẫn tươi tốt, nhà vua cho triệu tập các trạng nguyên lại để thết đãi, rồi cho họ vào vườn Thượng uyển để thưởng ngoạn hoa thơm cây lạ vốn chỉ dành cho nhà vua. Hồi đó ngày này có tên là Tết Trạng nguyên. Nhưng chữ “Thượng nguyên” lại chẳng phải được ghép từ hai chữ “trạng nguyên” và “thượng uyển” đâu. Chữ “nguyên” (元) ở đây có nghĩa là khởi đầu, thứ nhất. Ngày xưa người ta đặt 3 cái mốc của một năm là thượng nguyên (rằm tháng Giêng), trung nguyên (rằm tháng 7) và hạ nguyên (rằm tháng 10). Còn chữ “tiêu” trong “nguyên tiêu” có nghĩa là “đêm”.
Vậy đó, bà con người Việt gốc Hoa vui đón Tết Trung nguyên là lẽ đương nhiên và cũng đáng trân trọng vì họ biết giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bất luận thế nào, việc thết đãi các trạng nguyên cũng thể hiện rằng nhà vua biết quý trọng nhân tài. Còn người Việt mình cứ tích cực và thành tâm đón ngày rằm tháng Giêng ráng tích thêm công đức trong dịp lễ Phật quan trọng này. Vậy là đẹp và tốt!
Nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì trong ngày rằm tháng Giêng, tôi lộ rõ mình là kẻ phàm nhân tục tử mà hít hà: “mất tiêu hết 15 ngày của năm mới rồi!” Vậy là tết nguyên đán đã trôi qua được 15 ngày. Còn đúng 11 tháng rưỡi nữa là tới Tết Bính Thân. Tôi nói vậy chẳng phải bởi mê tết đâu, mà chỉ muốn cảnh báo rằng thời gian trôi qua nhanh lắm đó. Nè nghen, lật bật là tới Tết Thanh minh mùng 3 tháng 3 âm lịch; rồi 7 ngày sau là Giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3); sau đó tới rằm tháng 4 là lễ Phật đản; qua mùng 5 tháng 5 là Tết Đoan ngọ; tới rằm tháng 7 là Vu Lan; sang rằm tháng 8 là Tết Trung Thu; ngày 9 tháng 9 là Tết Trùng Cửu; ngày 10 tháng 10 là Tết Trùng Thập; tiếp theo là rằm tháng 10 (một trong 3 ngày rằm chính trong năm: tháng 1, tháng 7 và tháng 10); tháng 11 dưỡng sức và kiếm tiền để tháng 12 (tháng Chạp) bắt đầu chạy đua với thời gian đến tết nguyên đán, mà từ ngày 20 tháng Chạp đã bắt đầu được thêm vào cái tiếp vĩ ngữ “tết”. Đó là chưa kể những ngày lễ tết theo dương lịch kết hợp lại làm người Việt mình quay cuồng trong cái guồng máy thời gian “tít mù nó lại vòng quanh”….
Vậy thì sao? Người phương Tây có câu đại ý: Chớ để ngày mai những gì bạn có thể làm trong hôm nay. Thời gian chẳng hề biết chờ đợi ai đâu. Đừng câu giờ và lần lữa!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 5-3-2015, Rằm tháng Giêng Ất Mùi)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.