Sư phụ Trần Hữu Đức: “Khi thầy vô lớp, giờ học bắt đầu!….”

 

Xin giới thiệu với Gia đình THKT một bài viết của bạn Lê Đại Anh Kiệt về thầy Trần Hữu Đức. Bạn Anh Kiệt là học trò của thầy Đức tại trường Châu Thành (Long An) và là phu quân của bạn Bích Trân, cựu học sinh THKT đã qua đời.

Xin cảm ơn bạn Anh Kiệt.

Sư phụ Trần Hữu Đức: “Khi thầy vô lớp, giờ học bắt đầu!….”

“Khi thầy vô lớp, giờ học bắt đầu! Em nào tới sau coi như nghỉ học ”

Đó là “tuyên ngôn” trong tiết dạy đầu tiên của sư phụ của lớp 12 C niên khóa 1976-1977 vào đầu học kỳ 2.

Hai năm sau 1975, những khó khăn thiếu thốn bắt đầu bôc lộ cộng thêm cái mode phải thể hiện bình dân của toàn xã hôi, nữ sinh không còn mặc áo dài, nam sinh cũng lè phè, bộ mặt trường học đổi khác nếu không nói là xuống cấp. Các thầy cô trường tôi vẫn cố giữ lấy lề nhưng những bộ quần áo dài còn lại từ hai năm trước tuy chưa rách nhưng đã quen thuộc sờn cũ.

Riêng thầy, xuất hiện vẫn rất phong độ, mô phạm: áo sơmi dài tay cài nút tay, quần tây ủi thẳng nếp. Phong thái và tuyên ngôn đó làm đám ngựa chứng chúng tôi chột dạ.

Ngay trong buổi sơ kiến đó là cuộc thử lửa: bài kiểm tra một tiết. Đọc xong đề, đám chúng tôi tối tăm mày mặt. Trước đó, quen giải những bài tập đơn giản trong sách giáo khoa, chúng tôi cứ nghĩ ba cái hàm số, tích phân lớp 12 dễ ẹt và tự tin là mình đã giỏi lắm rồi. Đọc đề của sư phụ mới thấy tá hỏa, đề còn chưa hiểu có đâu mà giải.

Ngay hôm sau thầy trả bài. Cả một đống gậy chia nhau mà chống. Lác đác một số bài đươc điểm trung bình thuôc về 10 yểu điệu thục nữ và một vài bé ngoan.

Không rầy rà phiền trách, sư phụ ra tuyên bố thứ hai. “Với đà học này, các em rớt hết. Kể từ ngày mai, thầy sẽ phụ đạo. Sáng học mấy tiết, chiều sẽ học y như vậy!” Và suốt nửa năm học đó, mỗi tuần thầy đã bỏ thêm 7 tiết dạy để dẫn chúng tôi vượt qua cửa ải kỳ thi tốt nghiệp. Mỗi tuần 14 tiết toán chất lượng cao kèm thêm một đống bài tập ở nhà, chúng tôi trở nên lành hẳn ra. Còn sư phụ thì vẫn như vậy, nghiêm trang, ít nói, đôi mắt nhỏ sau lớp kín dầy ẩn chứa thế giới riêng tư kín đáo có phần khô khan, lạnh nhạt.

Ba hôm nữa tới ngày thi tốt nghiệp vẫn còn một bài toán chưa giải đươc, chúng tôi kéo đến nhà trọ của thầy ở ngay trước cổng trường, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tới nhà thầy và giao tiếp bên ngoài lớp học. Nhìn thấy trên kệ có cái ly rượu nhỏ có chân, tôi không nghĩ một người nghiêm trang ít nói như sư phụ lại uống rượu nên rụt rè hỏi Thầy chơi cái này nữa hả thầy? Sư phụ lắc đầu: “Không, chơi bằng cái khác. Cái này để cạo gió”. Quay nhìn tụi tôi, sư phụ hỏi rồi tự quyết định luôn “Tụi bây chơi hông? Sang (thầy Lê Minh Sang ở cùng nhà trọ với thầy) đi lấy cho tao một thước, tao nhận nước nó hết coi”. Tụi tôi cười thầm tự tin chưa biết vụ này ai sẽ thắng ai.

Bài toán giải xong thì thầy Sang cũng vừa về tới, cuộc chơi bắt đầu. Chỉ mấy khúc khô đuối và môt lít rượu. Đúng như thầy nói, ly uống rượu là ly xây chừng ba ly một xị. Năm thằng chúng tôi gục tại chỗ sau ba nốt nhạc.

Chiều hôm sau, tôi đang ở nhà ôn bài thì Khắc Hồng tới nói Lực kêu ra trường họp. Khắc Hồng từng là học sinh danh dự toàn trường, con nhà giáo, thư sinh đạo mạo nên má tôi không chút nghi ngờ. Khi tới nơi thì tất cả đã đủ mặt, có thêm cao thủ Cao Hoàng Thanh với con gà tơ đã luộc ngon lành. Thanh tuyên bố: tụi bây yếu quá. Hôm nay để tao phục thù. Thầy ngồi đó cười mỉm và một lần nữa cả đám có thêm Thanh lại gục mà không thêm đươc nốt nhạc nào.

Thi xong, tự chấm điểm biết mình sẽ đậu, nhưng có những tín hiệu khác thường. Tôi đươc kết nạp đoàn sau hai năm Cảm tình đoàn mà đoàn chưa cảm tình lại. Đợt khám sức khỏe NVQS vừa rồi, tôi, Trong, Hưởng đều đạt loại A. Tin tức về chiến tranh biên giới lóe về. Nộp đơn thi đại học chưa có phiếu báo danh đã có giấy gọi nhập ngũ, nhóm chúng tôi thường trực ở nhà thầy và thành kỷ niệm không quên “Bảy ngày đêm uống và ói!”. Mấy thầy trò đèo nhau trên chiếc xe honda 67 chỉ còn 1 số, chỉ đẩy chứ không thể đạp. Thầy truyền cho chúng tôi môt quỹ tiếng lóng riêng tư mà chỉ có người trong nhóm mới hiểu đươc: tư cách là có tiền, uy tín là mua chịu, trước sao sau vậy là lấy thầy làm chuẩn….

Thầy Trần Hữu Đức (bìa phải). (Ảnh: Lê Đại Anh Kiệt).

Qua ký ức đó, chúng tôi gần thầy hơn, hiểu thầy hơn và càng quý kính thầy hơn. Đàng sau vẻ nghiêm khắc, khô khan là tâm hồn nhạy cảm đôn hậu bị nhiều tổn thương.

Dạy toán nhưng thầy thuộc rất nhiều thơ và nhạc. Thầy không hát mà đọc lời bài hát theo giọng điệu riêng tư, truyền cảm. Đặc biệt là chế lời thơ nhạc rất hóm hỉnh, thí dụ như: Tưởng giếng cạn tôi nối sợi dây cụt, ai ngờ giếng sâu, tôi hụt sợi dây… Hơi hướng triết lý hiện sinh “sống chấp nhận dấn thân và nổi loạn” từng phổ cập ở Sài Gòn đã tan chảy sau chuyển biến của thòi cuộc với thầy vẫn còn nguyên vẹn như một quan niệm sống. Có lần đi nhậu sau giờ học chính trị, thầy đưa cho tôi miếng giấy ghi ba dòng chữ: – Chú ý lắng nghe – Suy nghĩ liên hệ – Tích cực phát biểu. Tôi giật mình trước sự thay đổi của thầy, nhưng chưa kịp khen thì thầy đưa thêm mảnh giấy khác phần trước của mảnh giấy cũ đã đươc xe ra. Ở đây vỏn vẹn chỉ có hai chữ: Ba không. Sự hóm hình của thầy rất ý nhị ngay trong sự phản kháng.

Tuổi trẻ tài năng, cao vọng nhưng bất phùng thời thành người bất đắc chí, nhưng ngang tàng khí phách. Từng là học sinh giỏi nhất Kiến Tường, đậu Tú Tài thứ hạng cao, lấy đươc học bổng đi Nhật nhưng bị ách lại vì cha là Việt Cộng. Sau 1975, gia đình rạn nứt nên càng tổn thương và rượu là người bạn thiết trung thành của thầy.

Lúc đó thầy gầy chừng như không thể gầy hơn và cười cợt chế nhạo trên sự gầy gò của mình. Nhiều lúc rượu sần sần, thầy nằm trên nền gạch và nói với tụi tôi. “Sát vo. Liền mức. Thằng nào lấy tay rờ coi có hở chỗ nào không!”

Tháng 6-1977, chúng tôi đi lính ra biên giới, hơn 1 năm sau, thầy cũng về Môc Hóa. Thầy trò thỉnh thoảng gặp nhau, bây giờ ngoài tình thầy trò còn là bạn nhậu. Ngay đang tiết dạy, thấy chúng tôi lúp ló ngoài cửa, thầy nhướng mắt ra hiệu rồi cho bài tập về nhà cho học trò nghỉ sớm. Thằng Hưởng mới nhậu nhà thầy bữa trước, mấy bữa sau đánh lộn với Bộ đội biên phòng chạy ngang nhà bị má thầy nhân diện “Tệt (tên riêng của thầy ở nhà). Hoc trò mày đánh lộn kìa!”. Gặp lại thầy chỉ cười “Đánh lộn thì cũng kiếm đường chạy, sao chạy ngay nhà tao!”

Hơn bốn mươi năm thầy trò, tình nghĩa cứ đầy lên. Chừng như mỗi đứa đều có kỷ niệm, ký ức riêng tư với thầy. Không lần họp lớp nào mà thầy không tham dự và nhiều lần thầy muốn tự thầy tổ chức. Xúc động nhất là lễ cưới con thầy. Khách khá đông vì gia tộc của thầy cô đều là gia tộc lớn, thầy có quan hệ rộng, riêng nghề giáo đã có ba nhiệm sở Gò Công, Châu Thành, Mộc Hóa.

Thầy Trần Hữu Đức (ngồi thứ 3 từ phải). Bạn Anh Kiệt ngồi bìa phải. (Ảnh: Lê Đại Anh Kiệt).

Ngay sau phần nghi lễ, thấy thầy mang chai rượu ngoại từ sân khấu bước xuống, tôi đã linh cảm rằng thầy sẽ đến bàn của nhóm thầy trò Châu Thành và quả nhiên như vậy. Không chỉ đến một lúc mà gần phân nửa thời gian của bữa tiệc, thầy đã ngồi với chúng tôi dù chúng tôi chỉ là học trò của thầy vỏn vẹn một học kỳ. Đương nhiên, không chỉ có học trò, khu vực chúng tôi ngồi còn có các thầy Phan Văn Một, cô Việt Nga, Cẩm Thach. … Nhưng vì sao đất và người Châu Thành kéo níu thầy đến vậy khi thời gian thầy lưu lại ở đây cũng chỉ có ba năm?

Phải chăng thời gian đó là khoảng đời đẹp nhất của đời người, những cảm xúc, suy nghĩ chín mùi, những ngày tháng thiếu thốn khó khăn nhưng tình người đầy ắp?

Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng cám ơn tạo hóa, cám ơn duyên số đã cho chúng tôi hạnh phúc đươc gặp thầy. Sư phụ không chỉ có công 7 tiết chính khóa và 7 tiết phụ đạo mỗi tuần để đưa chúng tôi qua con sông tốt nghiệp mà còn cho chúng tôi những bài học sống làm người, những cảm xúc hào sảng của tuổi thanh xuân.

Chúng tôi cầu mong sư phụ manh khỏe, tiếp tục cùng dự với chúng tôi trong những ngày họp lớp, những dịp gặp gỡ lễ tiệc như từ trước tới giờ.

LÊ ĐẠI ANH KIỆT

Học trò của thầy Trần Hữu Đức tại trường Cấp 3 Châu Thành, Long An.