Không rõ hồi nguyên thủy xưa như trong chuyện cổ tích Chị Hằng – Chú Cuội thế nào, nhưng ngay từ khi có trí khôn, tôi đã được hưởng Tết Trung Thu chỉ dành cho trẻ con. Trước năm 1975 ở miền Nam, Rằm tháng Tám là của trẻ con mà người lớn chỉ là người tổ chức và chi tiền, có chăng là ăn ké. Nhưng sau này, có lẽ khi người ta có nhu cầu biếu xén nhau để mưu cầu lợi ích, lấy lòng nhau, Tết Trung Thu bị người lớn đoạt khỏi tay thiếu niên nhi đồng để trở thành một cơ hội cho chuyện quà cáp, biếu xén. Trẻ em giờ lại là đối tượng ăn theo.
May mắn cho tất cả là Trung Thu Canh Tý 2020 cũng giống như nhiều Trung Thu khác, cộng đồng mạng luôn có những người đứng ra vận động, quyên góp để lo cho trẻ em – đặc biệt là những trẻ khó khăn, trẻ đường phố những niềm vui Tết Trung Thu. Chỉ có điều, năm nay do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, người ta hoặc bị giảm thu nhập, hoặc ngại ngần tiếp xúc trực tiếp, đông người, không khí Tết Trung Thu có mòi kém vui, yếu khí thế hơn.
Nhưng với tinh thần sống chung với dịch bệnh, người ta vẫn có thể có những cách chia sẻ niềm vui Tết Trung Thu vừa thiết thực, vừa an toàn.
Có những bạn gợi ý rằng các cuộc vui rước đèn, phá cỗ Tết Trung Thu nên được tổ chức tại các khu phố. Đây cũng chính là nơi gần gũi nhất với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – đúng đối tượng cần được cộng đồng chung tay chăm lo nhất. Các trẻ em bình thường thì đã có trường lớp, các tổ chức đoàn đội lo rồi. Và có lẽ tốt nhất là ngoài lồng đèn, bánh trung thu (nên là bánh trung thu, dù nhỏ xíu để các em thật sự có được trải nghiệm Rằm tháng Tám), cộng đồng ráng lo cho mỗi em một tấm áo mới – để mặc trong cuộc sống thường nhật sau đó, giúp các em kéo dài cảm xúc được xã hội quan tâm hơn, nhất là sau Trung thu là tới mùa tiết trời trở lạnh.
Một hành động luôn rất đẹp, mang tính nhân văn và nồng thắm tình người, là những bạn trẻ chạy xe loanh quanh tìm kiếm những trẻ em lang thang đường phố để trao cho chúng những gói quà Trung Thu. Xúc động vô cùng.
Chẳng ai ngây thơ tới mức hô hào xóa bỏ hoàn toàn chuyện người lớn biếu bánh Trung thu cho nhau trong dịp Rằm tháng Tám. Dù sao, quà cáp, lễ nghĩa cũng là một trong nhưng tập quán của người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung. Ngay cả người Âu Mỹ cũng còn có truyền thống tặng quà cho nhau để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Điều mà ta mong muốn Chị Hằng Nga “độ” (quên Chú Cuội đi nghen, chú ấy không có tuổi chi so với những “nhân tai” 4.0 đâu á) là giảm bớt được tính lợi dụng Tết Trung Thu để mưu cầu lợi ích cá nhân của người lớn. Và ý muốn trả lại Tết Trung Thu cho trẻ em được hiện thực hóa bằng những hoạt động, chương trình cho trẻ em được thật sự vui Tết Trung Thu, đặc biệt là với các em khó khăn.
P/S: Nhân tiện, xin tặng bạn một số bìa số Tết Trung Thu của những tuần báo, tạp chí thiếu nhi ở Saigon trước 1975 từng là món ăn tinh thần “ngấu nghiến” của tôi trong thời niên thiếu. (Nguồn: Internet. Thanks.)
PHẠM HỒNG PHƯỚC