Từ chuyện “bắt nạt” trong sách giáo khoa….

Sáng nay một cậu em đồng nghiệp xưa nay vốn rất nghiêm túc trong chuyện chữ nghĩa đã càm ràm về một bài tựa đề “Bắt nạt” trong sách giáo khoa. A Phủ bèn tìm hiểu thì đây là một bài được chọn in trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6 (Tập 1) thuộc bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.

1.

A Phủ hỗng có dám lạm bàn chuyện thơ hay dở. Dù sao thì bài này cũng từng nhiều phen gây sóng gió dư luận rồi. (Bạn có thể tham khảo tại đây nè). A Phủ mà thêm mắm giặm muối chỉ e có 500 anh em xông ra nói A Phủ muốn tham gia “bắt nạt” tác giả “Bắt nạt” á.

A Phủ chỉ dám nhân cái cớ này để nói về chuyện bắt nạt trong nhà trường. Mèng đét ơi, học sinh 4-5 tuổi ở lớp Lá Mẫu giáo, Lớp Một Tiểu học bây giờ đã biết làm đại ca, kéo bè kết cánh bắt nạt nhau rồi.

Nhóc cháu của A Phủ những ngày đầu vào lớp Một thường bị mấy bạn đô con hoặc rủ rê nhập bọn đi bắt nạt bạn khác, hoặc bị xô ngã, bị đánh. Có mấy lần chảy cả máu phải lên phòng y tế săn sóc. Báo hại mấy tuần đầu, ngày nào cả nhà cũng hồi hộp như ngồi trên đống lửa, chờ đến chiều đón cháu về coi có bị gì không. Nghe cháu kể bị đau đến bật khóc là cả nhà cũng muốn khóc theo. Chỉ biết báo tin cho cô giáo biết, báo xong lại sợ cô xử không khéo thì cháu lại bị trả thù. Tới mức cậu Ba của cháu còn đòi anh chị mình chuyển trường cho cháu. Phải gần một tháng sau, tình hình mới coi như ổn, lớp đi vào nền nếp hơn.

Nhưng sống trong môi trường như hiện nay, gia đình hiểu rằng an tâm ngày nào hay ngày đó mà thôi. Hồi hộp mệt tim. Như phiên bản 2023 của bộ phim “Sống Trong Sợ Hãi” á. Bọn nhỏ bây giờ bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm nhiều thứ chung quanh quá. Được cha mẹ cưng chiều quá mức;  rồi xem phim, xem clip tùm lum tà la, không được cha mẹ kiểm soát; có không ít cha mẹ mải mê chuyện làm ăn kiếm tiền mà hờ hững chuyện dạy dỗ, chăm sóc con, hoặc phó mặc cho nhà trường, cho người giúp việc hay tệ hơn là để trẻ tự lớn – cha mẹ đơn giản nghĩ là mình chỉ cần chi tiền là đủ.

Nói chung là mệt, rất là bắt mệt! Mệt lây từ người này qua kẻ khác!

2.

A Phủ chỉ dám phỏng đoán mấy vị biên soạn chọn thơ văn cho sách giáo khoa dễ dãi hay cả nể, thậm chí có lợi ích chi đó, chớ không dám nghĩ tới trình độ thẩm định văn chương của họ. Biên soạn sách giáo khoa là một công việc quan trọng và thậm chí thiêng liêng vì dạy người ta làm người, chớ hỗng phải để đọc chơi giải khuây. Nên ai đó bớt giỡn đi nghen.

A Phủ chỉ ấm ức đầy tính vị kỷ rằng có những bài thơ, đoạn văn chưa đạt chuẩn mực “thơ văn sách giáo khoa” vẫn được chọn đưa cho học sinh học, trong khi A Phủ có ối bài thơ, áng văn khiến Thị Nở phải nao lòng xao xuyến chột bụng lại bị ngó lơ.

Chẳng hạn:

Cô gà cất tiếng gâu gâu,

Hỏi thăm cụ chó đi đâu uống trà.

Nhong nhong chị vịt ghé nhà,

Meo meo cạp cạp rủ gà ăn kem.

Chuột kêu ăn phở đã thèm,

Selfi một phát, chị em cười khì.

A.P. PHẠM HỒNG PHƯỚC