Hôm nay Chủ nhật 18-8-2024 là Rằm tháng Bảy năm Giáp Thìn, ngày chính nhựt của mùa Vu lan Báo hiếu kéo dài suốt tháng 7 âm lịch.
Tới chùa dự lễ Vu lan, người hạnh phúc còn có mẹ sống trên đời sẽ được cài bông hồng đỏ, còn người đã tạm biệt mẹ về nơi xa xôi sẽ cài bông hồng trắng.
Trong mùa Vu lan. Đặc biệt là trong ngày Rằm tháng Bảy, nếu có điều kiện, người ta có thể đọc và suy ngẫm lại tản văn “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ngài đã viết tản văn về tình mẹ này tại Sài Gòn năm 1962, trong đó có kể về tập tục cài hoa màu hồng, màu trắng trong Ngày của Mẹ mà Ngài đã gặp trong một lần thăm Nhật Bản. Hay người ta có thể nghe lại bài hát “Bông Hồng Cài Áo” mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác năm 1967 lấy ý từ tản văn của Thiền sư Nhất Hạnh.
Về tín ngưỡng, Lễ Vu lan Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên – một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật – đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ cứu mẹ mình. Trước tấm lòng đại hiếu của vị tôn giả này, Đức Phật đã dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.” Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư tăng, sắm sửa lễ cúng vào ngày 15-7 âm lịch, và cuối cùng ngài đã giải thoát được mẹ mình.
Tất nhiên, Vu lan báo hiếu không phải chỉ về người mẹ mà đạo hiếu là bao gồm cả hai đấng sinh thành cha và mẹ.
Vâng theo lời dạy của Đức Phật nhân sự kiện Tôn giả Mục Kiền Liên giải cứu mẹ mình: “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp) mà làm”, Vu Lan sau đó đã trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung. Vu lan là dịp nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
Ảnh minh họa từ Internet. Thanks.
A Phủ chiêm nghiệm từ chính đời mình rằng: Tưởng nhớ, cúng giỗ cha mẹ khi các ngài đã lìa cõi trần là việc làm quý. Nhưng sẽ quý hơn nếu con cháu biết thảo kính, phụng dưỡng, chăm sóc cho ông bà, cha mẹ mình ngay từ khi các ngài còn đang sống với mình. A Phủ vẫn không thể nào quên được lời nói dân gian Việt đại loại là: Khi cha mẹ sống thì không cho ăn uống đàng hoàng, lúc chết mới cúng giỗ linh đình thì có ích chi.
Phải mất hai ba năm sau khi mẹ về với Chúa, A Phủ mới nguôi ngoai phần nào. Trong những năm đầu, khi ăn uống món nào ngon, A Phủ lại rưng rưng nghĩ phải chi có mẹ cùng ăn. Đó là lý do mà trong suốt 2 năm đầu, bữa nào, A Phủ cũng dâng cúng cơm cho mẹ. A Phủ cứ day dứt với những câu tự vấn: giá như khi mẹ còn sống, mình đã làm thế này, thế nọ báo hiếu. Giờ mới thấu hiểu thì đã muộn rồi. Nếu sống vô tâm hay chủ quan cứ nghĩ cha mẹ luôn sống với mình, khi các ngài mất đi, người ta mới bừng tỉnh hiểu ra mình đã mất đi điều quý giá nhất đời mình.
Nhân Lễ Vu lan Báo hiếu, A Phủ xin chúc mừng các bạn mình vẫn còn đầy đủ cha mẹ đang sống cùng mình, hay chí ít thì cũng còn được một đấng sinh thành đang còn tại thế. A Phủ mong rằng không có bạn nào sẽ phải lâm vào cảnh ngộ như A Phủ hối hận, day dứt về sau, mà sẽ hết lòng thảo kính, phụng dưỡng, báo hiếu cho cha mẹ đang sống với mình. Giải pháp tốt nhất mà chắc chắn bậc cha mẹ nào cũng hài lòng là con cháu biết cân bằng mọi thứ, cả cuộc sống riêng lẫn sự nghiệp của mình, để dành phần xứng đáng của đời mình cho ông bà cha mẹ mình.
A.P.