Các con yêu của tía A Phủ và mấy má Mỵ, hôm nay là ngày khái giảng năm học mới 2024-2025 của các con. Tía má chúc các con luôn an lành, may mắn, thành công hơn và thiệt nhiều niềm vui trong năm học mới này. Sáng sớm nay, khi tiễn các con đi dự lễ khai giảng, tía má đã thắp nhang cầu nguyện Thượng đế và ông bà tổ tiên phù hô cho các con một năm học mới phom phom từ khai giảng tới bế giảng ngon cơm.
Hồi thời tía má, khai trường, tựu trường, khai giảng đều là để chỉ một ngày bắt đầu vô trường vào năm học mới. Bây giờ các con có hai khái niệm khác nhau “tựu trường” (vào trường sớm một hai tuần để làm quen hay chuẩn bị) và “khai giảng” (chính thức bước vào năm học mới). Có lẽ vì thế mà cảm xúc với ngày tựu trường hay khai giảng như thể bị chia hai. Ngày khai giảng chỉ mang tính lễ nghi chớ học trò không có cảm giác tươi mới, hồi hộp trở lại trường và gặp lại bạn bè, thầy cô. Nhưng ngày khai giảng vẫn phải có để chính thức bắt đầu một năm học mới. Ít nhất cũng là để các học trò có thể có được những tấm ảnh check-in kỷ niệm cả đời hay “cúng Phây”. Và A Phủ thích gọi đây là “ngày khai trường” thay vì “ngày khai giảng”.
Đây là tấm ảnh chụp cổng trường trung học của A Phủ trong niên khóa 1966-1967, ba năm trước khi A Phủ nhập học Đệ Thất A3. Năm đó, A Phủ thi vô Đệ Thất đạt điểm cao nhất trong lịch sử nhà trường – 81 điểm, con nhà nghèo học giỏi là có thiệt á. Trường Trung học Công lập Kiến Tường ở tỉnh Kiến Tường trước 1975. (Đứng bìa trái là thầy Mai Văn Nhãn (Lý Hóa) và đứng bìa phải là thầy Trần Ngọc Thịnh (Anh văn). Bốn bạn nữ lớp Đệ Tam B năm học 1966-1967: Trần Thị Hồng Huệ, Lê Thị Mãnh, Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Trần Kim Lan. Ảnh tư liệu THKT).
Năm học mới, các con học giỏi là điều rất mừng, là hạnh phúc của cha mẹ và thầy cô, nhưng đó phải là do sức học và sự nỗ lực tự thân của các con, chớ không phải do sự thúc ép, áp lực từ cha mẹ, thầy cô. Tía má chủ trương bền vững và thực chất nên chỉ cần các con chịu học thiệt và học hết sức mình.
A Phủ xin thay mặt cho mấy Mỵ mà mong rằng nhà trường và thầy cô có được một năm học mới an lành và dạy thiệt tốt. Nhà trường và thầy cô sẽ có thể biến việc học thành một niềm vui, vui vì được học mở mang kiến thức, chuẩn bị cho tương lai, chớ không phải là một gánh nặng, áp lực cho học trò. Làm sao để học trò mỗi ngày đến trường thật sự háo hức là một ngày vui.
Nhà trường và thầy cô không chỉ là sư phạm mà còn phải là mô phạm.
Nhà trường không phải chỉ là nơi truyền dạy kiến thức, mà còn là gia đình thứ hai của học trò. Đó là nơi phụ huynh tín thác giao con em mình. (Phải nói thiệt là trách nhiệm của nhà trường và thầy cô ngày nay càng nặng hơn khi học trò là những cục vàng, cục ngọc của cha mẹ hầu hết vốn chỉ có 1 hay 2 đứa con). Nhà trường và thầy cô sẽ bảo vệ các học trò trước những cám dỗ, cái xấu, cái ác của xã hội cuộc đời, và luôn ở bên các học trò khi chúng gặp những khó khăn, nguy hiểm. Phụ huynh 4.0 sẽ không hề GATO, tự ái mà quạu quọ khi con em mình có thể tâm sự với thầy cô thoải mái hơn là với cha mẹ mình. Miễn là học trò tìm được chỗ dựa đáng tin cậy để chúng có thể “tâm sự đời tôi” hay “tâm sự loài chim biển”, thay vì giữ ấm ức tích tụ trong lòng dễ gây trầm cảm, hoặc trút vào những nơi không đúng đắn, có khi bị “vạ miệng”, bị cả những bầy đàn “hồng vệ binh” hung hãn tấn công bất kể đó chỉ là một đứa trẻ vị thành niên, thường là suy nghĩ, ăn nói chưa chín chắn.
Nhóc cháu 6 tuổi rưỡi hôm nay vô lớp 2 của A Phủ bữa rồi vừa chơi game NES 4 nút với ông mình (cho ông mình một vé về tuổi thơ), vừa tâm sự với A Phủ: “Con cứ nói những gì mình nghĩ, nếu nó sai thì ông nói với con để con biết đúng sai mà sửa”. Nhóc mới 6 tuổi rưỡi á.
Và như một tập tục lâu năm, vào ngày khai trường, A Phủ lại nhớ đến truyện ngắn “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh được in trong tập truyện “Quê mẹ” (1941).
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Cô hàng xóm từ bên kia vách với sang: “Sao bữa nay A Phủ không đi học?”
A.P.