Chủ nhật Phục sinh và Tết Thanh minh

Tờ lịch bloc hôm nay ghi: Chủ nhật 4-4-2021 nhằm ngày 23-2 năm Tân Sửu. Đây không chỉ là ngày Song Tứ mà các nền tảng thương mại điện tử đua nhau tung chương trình khuyến mại mua sắm mà còn là một ngày đặc biệt.

Với người Công giáo, hôm nay là Chúa nhật Phục sinh.

Với người Phật giáo, hôm nay là Tết Thanh minh.

Hiếm có năm 2 ngày này trùng nhau như thế.

Chúa Phục sinh là mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm mà tín hữu Công giáo phải tin. Đã gọi là mầu nhiệm thì không thể giải thích theo lý lẽ người trần mà chỉ là một thách thức của lòng tin. Thánh Tông đồ Phaolô (Paul) trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (Corinthians) vào mùa Xuân năm thứ 57 sau Công nguyên viết rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14); “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19). Chính với mầu nhiệm Chúa Jesus Phục sinh mà Giáo hội Công giáo hoàn vũ mới là Giáo hội Tái sinh và Giáo hội Hy vọng. Mà đó là chuyện “nội bộ” của người Công giáo – cũng giống như những chuyện “nội bộ” của bất cứ tôn giáo nào khác mà các tín hữu phải tin.

Năm 2021, năm COVID-19 thứ hai. Năm 2020 là năm đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhưng mùa Phục sinh vào đầu năm vẫn có thể diễn ra tương đối bình thường. Năm 2021 giữa cao điểm COVID-19, mùa Phục sinh lần đầu tiên diễn ra “chưa từng có”. Số giáo dân đi nhà thờ Bắc Hà (Q.10) thưa thớt rồi phải ngồi cách nhau một chút và tất cả được cha xứ yêu cầu đeo khẩu trang “để giữ an toàn cho mình và cho cộng đoàn”. Trong nghi thức tối thứ Sáu Tuần thánh, giáo dân không được hôn kính tượng Chúa. Tối thứ Bảy Vọng Phục sinh, giáo dân không thắp nến riêng từng người như xưa nay.

Cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều có viết 2 câu thơ bất hủ:

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”

Tiết Thanh minh (một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam) bắt đầu vào cuối tháng 2 hay đầu tháng 3 âm lịch – cụ thể là ngày 4-4 dương lịch (hay ngày 5-4 nếu năm đó là năm nhuận dương lịch, tháng 2 có 29 ngày). Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 đến 16 ngày cho đến bắt đầu tiết khí tiếp theo là Cốc Vũ. Tiết Thanh minh là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa mùa xuân sang mùa hè nên thời tiết mát mẻ và sáng sủa, đúng như cái tên gọi “thanh minh”.

Tiết Thanh minh là một giai đoạn trong niên lịch chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Còn Tết Thanh minh diễn ra vào ngày đầu tiên của tiết Thanh minh. Tất nhiên đây là một lễ hội theo văn hóa của người Trung Hoa. Người Việt nói chung chỉ quan tâm tới tiết Thanh minh. Nhưng trong giao lưu và hội nhập văn hóa, nhất là khi sống chung lâu đời với cộng đồng người Hoa, một số người Việt cũng coi trọng Tết Thanh minh với ý nghĩa nhân văn của nó là hướng về cội nguồn và để tỏ lòng thành kính tới ông bà, tổ tiên đã qua đời của mình.

Mấy ngày nay, ngôi chùa Hoa gần nhà A Phủ ở Chợ Lớn tấp nập người tới cúng. Người nào cũng xách theo nhiều túi đựng đồ cúng người thân qua đời của mình để chùa đốt. Chùa nằm trên tầng cao nhất của chung cư người Hoa nên cũng dễ đốt các loại đồ cúng hơn (có khi mở lò đốt trên sân thượng).

P.H.P.