Ngày 1-2-2023, Google đã thay logo của mình trên trang chủ Google Search bằng Doodle tôn vinh Nữ sĩ Việt Nam Sương Nguyệt Anh, nhân kỷ niệm 105 năm ngày tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam “Nữ Giới Chung” do bà làm chủ bút xuất bản số đầu tiên (1-2-1918).
Bà Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sinh ngày 8-3-1864 tại làng An Bình Đông (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (nên trong gia đình quen gọi bà là Năm Hạnh). Bà được chính cha mình dạy đọc và viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Người cha nổi tiếng của bà mất vào ngày 3-7-1888, khi bà 24 tuổi. Và sau đó cũng bắt đầu cuộc “bỏ xứ lánh nạn” của bà, do bà từ chối lời cầu hôn của Tri phủ Ba Tường – Phủ Xuyên gây oán hận cho tay này.
Sương Nguyệt Anh, mà nhiều người trước nay vẫn đọc sai thành Sương Nguyệt Ánh, là bút danh chính của bà. Nó có nghĩa là “Góa phụ Nguyệt Anh”. Bà dùng bút danh này để tưởng nhớ người chồng vắn số của mình là ông Nguyễn Công Tính (có sách ghi Nguyễn Công Trinh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Công Tín). Bà đã kết hôn cùng viên phó tổng sở góa vợ này trong thời gian bà lánh nạn tại Rạch Miễu và có với nhau một cô con gái tên Nguyễn Thị Vinh. Cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài có 2 năm. Khi bà mới 30 tuổi và cô con gái mới tròn 2 tuổi, chồng bà đã bị Phủ Xuyên âm mưu sát hại. Từ đó, bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Cũng từ đó, bà thêm chữ “Sương” (tiếng Hán Nôm là “góa chồng”) trước bút danh Nguyệt Anh của mình.
(Nguồn: Internet. Thanks).
Bà Sương Nguyệt Anh được tôn vinh, được đặt tên đường ngay trung tâm Quận 1 (TP.HCM) – trước năm 1975 ở Sài Gòn là đường Sương Nguyệt Ánh (có thêm dấu sắc), không phải do bà là con gái của cụ Đồ Chiểu, một nhà thơ lớn ở miền Nam Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19. Bà đi vào lịch sử văn học và báo chí Việt Nam với cương vị một nữ sĩ và một nhà báo. Bà là nữ chủ bút (tổng biên tập) người Việt Nam đầu tiên của làng báo chí Việt Nam.
Tờ báo Nữ Giới Chung số đầu tiên ngày 1-2-1918. (Nguồn: Internet. Thanks).
Năm 1917, bà Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ yêu nước mời làm chủ bút tờ “Nữ Giới Chung” nghĩa là “Tiếng chuông của nữ giới”, xuất bản vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Đây là tờ báo đầu tiên dành cho những vấn đề của nữ giới ở Việt Nam. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1-2-1918 với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương, đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Các số báo phát hành đều đề cập đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ. Sau chỉ 5 tháng hoạt động, xuất bản được hơn 20 số báo, tháng 7-1918, tờ báo đã bị chính quyền thuộc Pháp buộc đình bản. Ngòi bút của bà Sương Nguyệt Anh dù có khéo léo đến đâu thì tầm ảnh hưởng của tờ báo này vẫn khiến mật thám Pháp e ngại.
Cũng vào lúc này, người con gái độc nhất của bà vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời. Sau đó, do mắt bị bệnh và sức khỏe cũng dần suy kiệt, bà Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hòa (Ba Tri) nương náu nơi nhà người em út là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù lòa hẳn. Từ đó, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn.
Sáng sớm ngày 9-1-1922 (tức ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu), bà Sương Nguyệt Anh đã qua đời ở tuổi 58. Năm 1959, bà Sương Nguyệt Anh đã được đồng bào cải táng từ Mỹ Nhơn về nằm cạnh mộ phần của song thân bà trong khu đền thờ và mộ ông Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.
Mộ của bà Sương Nguyệt Anh ngày nay. (Nguồn: Internet. Thanks).
Google cho biết: “Doodle hôm nay kỷ niệm Sương Nguyệt Anh, nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vào ngày này năm 1918, tờ Nữ Giới Chung đầu tiên được xuất bản – tờ báo mà bà Nguyệt Anh làm tổng biên tập. Bức vẽ hôm nay được minh họa bởi họa sĩ khách mời ở Hà Nội, Camelia Phạm…. Để tôn vinh một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà xoay quanh hoa mai, tác phẩm nghệ thuật Doodle kết hợp hoa mai và bảng màu hoa mai.”
Google nhấn mạnh: “Bà Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách trong sáng, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Có một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở các thành phố như TP.HCM, Đà Lạt và Vũng Tàu”.
Google Doodle là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com, đặc biệt là trang chủ Google bản địa từng nước nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vự c cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodle tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Trung Thu, Tết Nguyên đán, Ngày Quốc khánh; các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Sương Nguyệt Anh; các món ăn đặc sắc của ẩm thực Việt như bánh mì, phở….
NGÔ LÊ