Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đặt tên đường ở thành phố New York

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người được biết tới rộng rãi nhất với tùy bút “Bông Hồng Cài Áo” xuất bản tại Sài Gòn năm 1962 – đã được đặt tên cho một đoạn đường (block) tại Thành phố New York (bang New York, Hoa Kỳ). Đoạn đường ngắn có thêm tên mới “Thích Nhất Hạnh Way” (được ghi trên biển tên đường bằng chữ Việt có dấu) này nằm trên đường West 109th Street (là một block giữa hai đường Riverside và Broadway).

Đoạn đường ngắn “Thích Nhất Hạnh Way” nằm ngay bên cạnh Sông Hudson huyền thoại của New York. Con sông dài 315 mile (507km) chạy suốt từ Bắc tới Nam ở miền Đông New York này trong thế kỷ 21 từng nổi tiếng với vụ chuyến bay US Airways Flight 1549 của hãng hàng không US Airways được viên phi công tài ba 57 tuổi Chesley “Sully” Sullenberger cho hạ cánh ngay trên mặt sông hồi tháng 1-2009 khi gặp sự cố va chạm với một đàn ngỗng Canada (toàn bộ 155 người gồm 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đều được cứu sống). Sự cố này đã được dựng thành bộ phim truyện “Sully” (2016) do tài tử Clint Eastwood làm đạo diễn.

Lễ gắn tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” đã được thành phố New York tổ chức ngày 11-4-2025. Theo Học viện Thần học Liên hiệp (Union Theological Seminary) của Phật giáo, đơn vị đồng tổ chức sự kiện, nghi thức gắn tên đường có mặt Ủy viên Hội đồng Thành phố Shaun Abreu, các sư Làng Mai, và các lãnh đạo địa phương.

Việc đặt tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” được giải thích là để tôn vinh “cố Thiền sư (Zen Master) Thích Nhất Hạnh – một nhà lãnh đạo tinh thần thế giới, một nhà hoạt động vì hòa bình, một nhà thơ, và là người khai sáng truyền thống Phật giáo Dấn thân (Engaged Buddhism) của Làng Mai (Plum Village)”.

Ông Shaun Abreu, Ủy viên Hội đồng Thành phố New York, phát biểu tại lễ gắn tên: “Người New York không hẳn được biết đến là những người hòa bình. Chúng tôi sống trong rất nhiều tiếng ồn, rất nhiều căng thẳng. Nhưng Thích Nhất Hạnh có một thông điệp dành cho những người như chúng tôi. Ông biết rằng chúng ta không thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nếu chúng ta lúc nào cũng tức giận, hoặc nếu chúng ta không còn nhìn thấy tính nhân văn của nhau. Bằng cách đặt tên ông ngay tại đây, chúng ta đang tạo ra một khoảnh khắc dừng lại và thở (a moment of pause and of breath).”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thế danh là Nguyễn Xuân Bảo, tên trên giấy khai sinh là Nguyễn Đình Lang) sinh năm Bính Dần (11-10-1926) tại làng Thành Trung (Quảng Điền, Huế), là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ Đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Thiền sư tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư năm 25 tuổi. Năm 1961, Thiền sư rời Việt Nam sang Mỹ với Học bổng Fulbright để nghiên cứu về đề tài “Tôn giáo học so sánh” (Comparative Religion) tại Đại học Princeton. Tới năm 1962, ông được chỉ định trở thành giảng viên về Phật giáo tại Đại học Columbia và đồng thời giảng dạy với vai trò một giảng viên tại Đại học Cornell. Trong thời gian này, ông tiếp tục trau dồi và trở nên thông thạo các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung, Phạn, Pali. Ông cũng lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành tôn giáo tại Đại học Columbia vào năm 1963 và sau này về giảng dạy và nghiên cứu về đạo Bụt tại Đại học Columbia. Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. (“Tiếp” có nghĩa tiếp xúc, tiếp nhận, tiếp nối; “Hiện'” có nghĩa là hiện tại, hiện pháp, thực hiện; tiếng Anh: The Order of Interbeing, tiếng Pháp: L’ordre de l’inteprêtre). Ông là người sáng lập Nhà Xuất bản Lá Bối và tham gia cùng một số nhà sư tại Chùa Ấn Quang sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh, ở Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, ông đã sống lưu vong tại Pháp gần 40 năm. Ông đã về Việt Nam vào năm 2005 và sống tại Tổ Đình Từ Hiếu (Huế) từ tháng 11-2018 cho đến khi qua đời. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Chùa Từ Hiếu vào lúc 00 giờ 00 phút ngày 22-1-2022, hưởng thọ 95 tuổi.

Làng Mai là một Tông phái Phật giáo theo phương thức thiền do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập ở Pháp vào đầu năm 1982. Tu viện Làng Mai tại vùng Dordogne, miền Tây Nam nước Pháp là một trung tâm thiền tập. Làng Mai có tên tiếng Pháp là Village des Pruniers, tiếng Anh là Plum Tree Village (gọi tắt là Plum Village). Tên chữ của Làng Mai là Đạo Tràng Mai Thôn. Hiện nay tông phái thiền tập Làng Mai với nhiều trung tâm tu tập thiền đã có mặt tại nhiều nước bên ngoài nước Pháp, như Mỹ, Đức, Úc, Thái Lan, Việt Nam,… .

Tông phái Làng Mai hành trì theo Năm giới Tân tu (The Five Mindfulness Trainings) mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm mới lại dựa trên Ngũ giới truyền thống (Five Precepts) của Phật Thích ca (gồm không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không say rượu). Theo Thiền sư, Năm giới Tân tu này là đóng góp của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu. Ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là “cha đẻ của chánh niệm”, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được Mục sư Martin Luther King Jr (Mỹ) đề cử cho Giải Nobel Hòa bình 1967 (nhưng năm đó, Ủy ban Nobel không trao giải Nobel Hòa bình, có 47 ứng viên cho giải này).

Vì sao lại là đường “West 109th Street”? Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng sống tại số 306 West 109th Street hồi đầu những năm 1960 khi ông học và giảng dạy tại Học viện Thần học Liên hiệp (Union Theological Seminary) và Đại học Columbia – được coi là giai đoạn hình thành nên cuộc đời ông với tư cách là một học giả, nhà giáo và nhà hoạt động. Từ nơi ông cư ngụ ở West 109th Street, người ta có thể đi bộ tới Học viện Phật giáo này nằm trên đường West 121st Street.

Việc đặt tên đường bằng tên của một người nước ngoài như thế này ở Mỹ chỉ mang tính biểu tượng là chính. Nó là một hình thức “đồng mang tên” (co-name) khi đoạn đường mang tên mới được đặt trên một con đường đã có tên chính thức. Thật sự “Thích Nhất Hạnh Way” chỉ là một khối đường ngắn giữa 2 giao lộ. Ở bang California, thành phố Huston (bang Texas), Khu Thương mại Eden (bang Virginia),… có những đoạn đường được đặt thêm tên Việt Nam như thế, chủ yếu do sự vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Tham khảo: New York City places street sign honoring influential Buddhist monk, Thích Nhất Hạnh

A.P.

+ Ảnh từ Internet. Thanks.