Đón xuân này, nhớ xuân qua!

banh-tet

 

Bất chợt nhìn thấy những trang viết trên giai phẩm Xuân của trường Trung học Kiến Tường, tôi nhớ lại những kỷ niệm đón xuân của ngày xưa:

Thường là trước Tết, nhà trường tổ chức cắm trại, làm bích báo, trình diễn văn nghệ… Những anh chị lớp trên, còn tham gia viết bài gửi cho nhà trường làm giai phẩm Xuân. Lúc ấy, cuốn giai phẩm Xuân trở thành vật phẩm giao lưu giữa các trường với nhau, nhất là trường trung học Đốc Binh Kiều ở Cai Lậy và trường Trung học Kiến Tường của chúng ta. Ngoài nhà trường, các tổ chức Hướng đạo sinh, Gia đình Phật Tử, Thiếu nhi Thánh Thể cũng có những hoạt động vui xuân, đón Tết của riêng mình, làm cho không khí thêm rộn ràng, sôi nổi hẳn lên.

Đến ngày Tết ông Táo, học sinh được nghỉ học, về quê phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa. Trong không khí gia đình, công việc hiếu nghĩa là đi tảo mộ, vun lại những nấm mồ, dọn sạch cỏ dại, cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó, nhằm thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.

Thức ăn, đồ uống của ngày Tết cũng mang đậm chất vùng miền, thể hiện rõ sắc thái của cư dân Nam bộ, những lưu dân từ miền Ngoài vào khai khẩn đất phương Nam. Không biết xuất hiện khi nào, bánh tét (còn gọi là bánh đòn) được sử dụng phổ biến hơn cả. Nấu bánh tét đêm giao thừa trở thành hình ảnh khó quên trong tâm thức mỗi người mỗi khi Tết đến. Câu đố dân gian còn lưu truyền: “Tửng từng tưng, dây lưng mở trước/ Tửng từng tưng, cái quần cởi sau”. “Dây lưng” là dây buộc chung quanh đòn bánh. “Cái quần” là lá chuối bọc bên ngoài đòn bánh. Nhưng ở Kiến Tường, còn món đặc sản khác là bánh đúc làm bằng lúa trời (hay gọi là lúa ma). Loại lúa này chín vào ban đêm, khi có mặt trời lên là hạt rụng. Hạt cơm ăn hơi cứng. Người ta nấu cháo đặc, lấy đũa bếp đánh sệt, đổ trên mâm để nguội, cắt thành miếng ăn như bánh đúc, ăn ngọt hoặc mặn tùy thích. Hiện nay, một số xã ở tỉnh An Giang đã trồng được giống lúa này, thu lợi nhuận cao do có thương hiệu là “lúa sạch”.

Nhà lồng chợ Kiến Tường ngày ấy dù nhỏ nhưng vẫn bố trí 4 cửa chính ra vào, có cột cờ ở hướng Bắc, nằm tách biệt với chợ cá ở gần đấy ven sông Vàm Cỏ Tây. Nơi đây là trở thành trung tâm mua bán của cả vùng khi ấy. Các sản vật của nhà vườn đều được ghe xuồng mang đến, tấp nập mua bán trên bến sông trong những ngày giáp Tết. Các hiệu tiệm: nhà thuốc Bắc Trường Xuân, Kiến Ngươn Đường, nhà thuốc Tây Tuyết Hùng, tiệm tạp hóa Nam Hưng, nhà sách Rạng Đông, nhà sách Tinh Hoa, tiệm chụp ảnh Nam Phương… hoạt động nhộn nhịp, trở thành địa chỉ thân quen với không ít người. Ngày Tết, ít chuyến xe đò chở khách về Cai Lậy, Sài Gòn, thậm chí là không có, khách phải chờ đến ngày hãng xe khai trương trở lại.

Đến ngày mùng 3 Tết, cả lớp hoặc nhóm bạn rủ nhau đi chúc Tết Thầy Cô của mình. Không biết tại sao ngày ấy, học sinh hay rụt rè và lo sợ khi đối diện thầy cô của mình. Đến nhà, cả nhóm cứ núp ló ngoài sân, sợ không dám vào. Chúc Tết xong, cả nhóm du xuân ở Núi đất hoặc Đình Thần ở Cái Cát hay nhà bạn ở Bắc Chan. Đi bộ là chính, xe đạp còn hiếm, làm gì có xe đạp điện, xe gắn máy như bây giờ. Tuy cực mà vui, nhiều câu chuyện đã trở thành những kỷ niệm đẹp, khó phai của một thời “Thương Hoài Không Thôi”!

Hơn 40 mùa Xuân đã qua…

Nhớ đến thầy cô, bạn bè còn-mất trong đời người ít họp-nhiều tan, mà lẳng lặng nghĩ về nhau với niềm hạnh phúc kết nối, hội ngộ trong mùa Xuân mới!

 

NGUYỄN HIẾN HẠNH

(Tân An, ngày 13-02-2015)

+ Ảnh: Gói bánh tét ngày tết. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.