Nghề dạy học của cô ở xứ người

THƯ GỬI HỌC TRÒ CŨ:

 

Melbourne 9-2-2012

Các em thân mến,

Cô rất ngạc nhiên và mừng rỡ khi nhận được liên tiếp nhiều email gửi hình buổi họp mặt ở Núi Đất gửi cho cô. Xem xong, cô có cảm tưởng như mình cũng đang hiện diện trong đó vậy.

Thời gian các em họp mặt là lúc cô đang làm việc tất bật, trường học khai giảng năm học mới, cô phải đến trường lúc 12g30 (8g30 ở VN), tổ chức ở hội trường, kê ghế cho phụ huynh đến tham dự, xếp đặt chỗ đứng cho học sinh theo cấp lớp. Đúng 1g30, lễ khai giảng bắt đầu, sau lời chào mừng của hiệu trưởng, các em học sinh theo các thầy, cô giáo về phòng học của mình. Phụ huynh vẫn còn ở lại hội trường để họp với ban giám hiệu về điều lệ nhà trường, giúp đỡ con em trong việc học tập.

hathikimlan_lop4_mangnon_uc

Một lớp học của cô Kim Lan ở Úc.

Năm nay, cô phải dạy lớp 4 do 2 lớp 3 gộp lại (vì thiếu phòng) sĩ số lên đến 30 em học sinh, nhưng hôm đó, có hội chợ Tết do cộng đồng Nguời Việt tổ chức, nên chỉ có 15 em hiện diện, ngày mai, các em đi học bình thường chắc khá mệt! Lý tưởng của lớp học bên này chỉ khoảng 15 em thôi, lúc đấy, giáo viên mới có đủ thời giờ dành cho từng học sinh, tiêu chuẩn dạy bên này là học sinh được rèn luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và phát triển cá nhân, các em tham gia hoạt động trong lớp. Chương trình học chỉ có 32 tuần/năm, mỗi buổi học chiều thứ Bảy từ 1g30 đến 4g30 (ra chơi 15 phút). Vì vậy dạy lớp đông, giáo viên rất khó chu toàn lo cho từng học sinh được. Nhưng số cô may mắn, từ ngày đi dạy học đến nay, cô được gặp hầu hết các em học sinh ngoan ngoãn, vâng lời.

110203_thkt_hathikimlan_tettanmao

Gia đình cô Hà Thị Kim Lan dịp Tết Nhâm Thìn 2012 ở Melbourne. Cô ngời bìa phải. Thầy Hoàng Minh Hùng (thứ 2 từ trái qua).

Melbourne 10-2-2012

Các em thân mến,

Dạy học là một đam mê của đời cô. Sang Úc năm 1990, hai bàn tay trắng, mọi việc khởi đầu bằng con số 0. Cô cũng muốn tiếp tục nghề dạy học của mình lắm chứ! Bộ Giáo dục Úc cho cô hai năm để học về Education ở Đại học LaTrobe, nhưng vì trường quá xa, cách Melbourne 250km, cô không thể bỏ con cái ở nhà để đi học xa như thế; vả lại cần kiếm tiền để nuôi các em ăn học, nên cô đã từ chối 2 lần offer. Sau thời gian học Anh văn, học Childcare, làm việc trong các hãng xưởng may, nhà hàng… cô đã apply công việc chăm sóc người cao niên và người khuyết tật (một việc mà cô  chưa bao giờ biết đến, chỉ với kinh nghiệm chăm sóc bố mẹ già của cô!). Ai ngờ, sau khi phỏng vấn, cô được nhận vào làm việc. Ông Charles, thầy dạy Anh văn của cô, đã giúp cô điền đơn xin học khóa huấn luyện về ngành nghề này. Ban ngày đi làm (sau 3 ngày đi theo 1 nhân viên có kinh nghiệm trong nghề lâu năm, cô đã tự đảm đương công việc của mình) rồi ban tối đi học. Sau khóa huấn luyện, cô đã trở thành nhân viên người Việt của Dịch vụ chăm sóc người cao niên của Hội đồng thành phố Melbourne từ năm 1997 đến nay. Cô cũng rất thích công việc này lắm, dành nhiều tình cảm cho các khách hàng, các ông, bà già đủ mọi màu da, quốc tịch, ngôn ngữ (nhiều khi chỉ nói bằng tay, hay bằng nụ cười, cử chỉ ..) họ rất thương cô, chỉ muốn cô đến chăm sóc cho họ. Ngược lại cô cũng tốn nhiều nước mắt, đau buồn khi tiễn đưa họ về bên kia thế giới! Với những đứa bé khuyết tật, cô chăm sóc, đưa đón chúng đến trường đặc biệt. Một thời gian dài, đón đưa các ông, bà cụ đi chợ, họ đi không vững, cô phải làm 1 cây gậy đặc biệt cho họ; khi họ mua sắm xong, cô xách túi hàng đã mua, đưa họ về tận nhà, cất hàng hóa đã mua vào tủ rồi mới từ giã. Bàn tay của cô đã nắm tay của bao nhiêu người nay không còn trên cõi đời này nữa.

hathikimlan_truongtruongvinhky_bangianghuan

Cô Kim Lan (áo dài màu cam) và các đồng nghiệp ở trường Trương Vĩnh Ký. [Xin click lên ảnh để mở ảnh lớn hơn]

Năm 1999, cô nhận lời đi dạy tiếng Việt cuối tuần cho trường do một chị bạn của cô Thịnh mới mở. Trường này rất xa nhà cô, đi về khoảng 80km. Những tưởng dạy vài năm cho trường chị ấy ổn định rồi cô rút lui, nhưng ai ngờ,cô vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, phần vì chị hiệu trưởng và các bạn đồng nghiệp, phụ huynh học sinh rất thương quý cô, phần vì các em học sinh rất ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học. Năm ngoái, cô bị đau vai, tay trái, những tưởng phải nghỉ làm, nghỉ dạy, mọi người buồn lắm và cầu chúc cho cô khỏi để trở lại trường. Bây giờ, tay cô đã tạm ổn, nhưng vẫn còn những cơn tê như có điện chạy trong đó, cô vẫn đang chữa trị. Năm 2000, cô lại nhận dạy ở 1 trường khác vào ngày thứ Bảy (như trong thư trước cô đã viết). Trường này nằm ở 1 hướng khác cách Melbourne 30km, và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.Như vậy, dạy học ở đây, với cô chỉ là nghề tay trái, một sở thích của cô (tiền lương dạy học thật khiêm tốn).  Nhưng đối với cô, nó cũng quan trọng như công việc chính thường ngày của cô vậy. Cô chỉ cầu mong Trời Phật cho cô có sức khỏe, trí óc minh mẫn để theo đuổi lâu dài nỗi đam mê của mình, không biết có tham lam quá không?

 

Cô HÀ THỊ KIM LAN
(Melbourne, Úc 11-2-2012)