Ngôi nhà biệt lập của thầy Đỗ Ngọc Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy nằm ở cuối một con đường ngắn ở thành phố Elk Grove, bang California (Mỹ).
Elk Grove (website www.elkgrovecity.org) nằm ở miền Bắc California, gần thành phố Sacramento, thủ phủ của bang, và cách thành phố San Francisco được mệnh danh là “thủ phủ tài chính” của bang khoảng 2 giờ xe. Elk Grove có slogan là Proud Heritage, Bright Future (Tự hào di sản, Sáng ngời tương lai). Đây là một thành phố nhỏ, diện tích 42,1 dặm vuông (109 km vuông), số dân chỉ 143.885 người (2009). Thu nhập bình quân đầu người một năm khoảng 82.000 USD.
Sau khi cô chuyển về làm việc tại sở xã hội Hạt Sacramento, thầy cũng xin chuyển về làm ở đây và gia đình thầy cô đã chuyển từ Sunnyvale City về Elk Grove.
Thầy cô trước gara nhà mình. Gara có cửa cuốn được đóng mở tự động bằng remote. Cửa cuốn ở đây khác ở Việt Nam ở chỗ không có “sơ-cua” cái tay quay tay (manual) phòng khi cúp điện, vì ở Mỹ hầu như chỉ xảy ra cúp điện lúc thiên tai hay nhân tai làm hỏng hệ thống dây dẫn điện.
Ở Mỹ, nhà nào cũng có gara và nằm ngay phía trước, và trên mặt đường ở trước gara phải kẻ một vạch sơn vàng để cấm người ta đậu xe. Nói chung khi muốn đậu xe (ở đây người ta nói gọn là “park”) ven đường, người ta có thể đậu trước cửa nhà người khác (miễn là có kẻ ô park), nhưng phải né cái gara ra. Xe ở bên trong nhà họ phóng ra lỡ bang phải xe mình, mình hư xe ráng chịu mà còn có thể phải xách cuốn chi phiếu ra hầu tòa!
Phía bên trái gara mới là cửa chính của nhà. Trong khuôn viên nhà thầy cô có một gốc sồi cổ thụ xanh um. Do cây sồi là một biểu tượng đặc trưng của bang California, theo luật của bang, các cây sồi lớn đều do chính quyền bang quản lý, chủ nhà có nhiệm vụ bảo quản nó. Nếu muốn hạ cây sồi, người dân phải xin phép nhà chức trách bang.
Cuối đường nhỏ thành phố nhỏ Elk Grove
Ngôi nhà nhỏ bên gốc sồi cổ thụ (*)
Cô Bích Thủy nơi góc bếp của mình. Đây là nơi mà thầy Đỗ Hiền triết vẫn thường “tự giác” liếc mắt dò chừng mỗi khi tót ra Động Đình Hồ ngồi nhập thiền. Cô nói rằng nhà thường ăn món Mỹ cho nó gọn nhẹ. Nhưng khi rảnh hay có khách, cô nấu các món ăn Việt ngon “bá chấy bọ chét” luôn.
Cô Bích Thủy tự thán là mình làm gì cũng rất chậm và hay quên. Cô tự xưng danh mình là “Bà Đỗ Thị Chậm”. Cô rất yêu hoa nên chỗ nào trong nhà cũng có hoa và cây cảnh.
Đỗ Duẫn Martin, con trai của thầy cô, sinh năm 1975. Khi ở nhà, em sẵn sàng phụ mẹ làm bếp. Thấy Kiến Đen thích thú khi em Duẫn trước khi ra khỏi nhà hay đi đầu về thường hôn mẹ trìu mến, cô Thủy nói rằng: “Nhà này thích hôn nhau lắm! Hôn nhau cả ngày. Vui lắm!” Chẳng trách mà ngôi nhà thầy cô luôn ngập tràn tình yêu và hạnh phúc. Cũng phải thôi, hôn nhau là một thuộc tính của loài kiến, hễ gặp nhau là chúng lại chạm râu vào nhau. Chỉ tiếc là bà con Kiến Tường nhà mình lại khoái đi chơi “Mũi Né”!
Bữa cơm gia đình của Đỗ Nguyễn Gia trang. Nhà có ba người. Hôm nay có học trò từ Việt Nam sang thăm, bàn ăn có thêm một… chiếc đĩa. Cô tự tay “bào chế” món chả giò mà cô tự hào mang thương hiệu “Chả giò Đỗ Nguyễn”, nó khác chả giò bình thường từ hình thù cho tới nguyên liệu. Chả giò ngon 1, nhưng nước mắn cô làm lại ngon tới… 5 lần, còn ba đĩa rau xanh ú nụ lại ngon tới 10 lần. Ở Mỹ rau không rẻ. Sau 5 ngày ăn đồ Mỹ khô khan tới mức phải chạy vô siêu thị mua 2 trái chuối già (mỗi trái giá gần 1 USD) về ăn cho nó có “chất tươi”, Kiến Đen chỉ mong về nhà thầy cô để “nạp” vitamin G (green). Và bữa welcome dinner tràn ngập màu xanh này đúng là “cầu được ước thấy”. Nhẹ cả… bụng!
Buổi sáng của thầy cô. Thầy uống trà, còn cô thì phải có một tách cà phê. Cô không cần ăn sáng, nhưng thầy thì phải có cái gì đó bỏ bụng để không làm rối loạn lượng đường trong máu. Thầy cô chỉ “hảo hảo” loại trà nguyên chất được ướp tự nhiên, dị ứng với loại trà bị xịt (spray) tinh chất hoa nồng nặc thường bán tại các tiệm trà. Bạn thấy trên bàn nhiều hoa quả chứ? Nho thì California là xứ bạt ngàn những cánh đồng nho thẳng cánh… vịt trời bay. Còn dưa hấu ở đây chỉ có mùa chứ không có quanh năm suốt tháng như ở Việt Nam bây giờ.
Đây là góc làm việc của thầy, nằm giữa nhà bếp – bàn ăn và góc giải trí (nơi cô xem phim buổi tối). Thầy thiết kế hệ thống loa surround khá hiện đại, chủ yếu phục vụ cho việc xem phim và video ca nhạc. Nhưng thật ra, thầy cô không có nhiều thời gian để xem phim hya giải trí, nhất là khi có trang Web THKT. Tuy đã nghỉ hưu (thầy năm nay 65 tuổi, mới nghỉ hưu từ tháng 12-2009), nhưng thầy đam mê nghiên cứu và viết lách, đặc biệt là về thần học và thiền.
Thầy Trang tự học thần học (học phí ở đây quá mắc nên không đến trường) và thường viết bài về thần học (theology). Thầy lấy bút hiệu là Đỗ Trân Duy. Trân Duy là tổng hợp của ba tên: Trang Thủy Duẫn mà thành. Cũng có website Phật Giáo đăng lại bài nói về thiền của thầy. Theo thầy Trang, có một điều may mắn là danh từ thần học Việt Nam không thay đổi như ngôn ngữ thông dụng thường ngày. Đa số những thuật ngữ được dịch từ tiếng Anh, nên thầy không bị trở ngại một chút nào.
Thầy Trang có lẽ là thành viên THKT hiếm hoi sử dụng máy tính loại hiện đại và cao cấp. Thầy khoe mình tự cài Windows 7 để sử dụng. Đây là chiếc máy tính HP dạng All-in-One với tất cả linh kiện nằm gọn phía sau màn hình LCD lớn.
Cô Thủy nói rằng từ ngày có trang Web THKT, cô thường xuyên lên Net hơn. Ở cơ quan, lúc nhớ quá, cô cũng tranh thủ vào Web THKT, nhưng chỉ dám tạt qua thật nhanh vì sợ vi phạm quy định cơ quan (không sử dụng hệ thống nội bộ làm chuyện cá nhân).
Cô Thủy cách đây khoàng 20 năm bị tai nạn ôtô phải mổ 2 đốt xương cổ. Ít lâu sau cô lại bị gãy xương ở bàn chân khiến phải dùng nạng một ít lâu. (Xin đính chính là cô Thủy không bị đau xương sống và nằm liệt giường như có tin trước đây). Trái lại trong thời gian bị đau và nghỉ việc, cô Thủy không chịu ngồi yên một chỗ, tận dụng thời gian rảnh rang để đi học. Cuối cùng cô đậu bằng cử nhân Sociology (xã hội học) và một “minor in Social Work” (chứng chỉ về công tác xã hội) tại Đại học San Jose State of California. Hiện tại cô là nhân viên của sở xã hội Hạt Sacramento (California). Trong công việc của mình, cô Thủy có thể giúp đỡ cho nhiều người cơ nhỡ vì lý do nào đó mà không được hưởng chính sách trợ cấp của nhà nước.
Chiếc điện thoại chính được đặt ở góc bếp cho tiện. Do cái tai nghe “về hưu non”, máy phải sử dụng loa để liên lạc. Vì vậy, nó là chiếc điện thoại “cả nhà cùng nghe”, nhưng khi nói thì người ta phải kê miệng sát microphone của máy. No problem. Mặc dù là kiểu điện thoại “không đụng hàng” đột xuất, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với văn hóa sống transparence (trong suốt, minh bạch) của Đỗ Nguyễn Gia trang.
Phía sau nhà có khu vườn nhỏ do thầy Trang tạo dựng. Thầy tự đóng nhà kho, dùng xi măng làm một khoảnh sân thâu tóm cả vũ trụ với những hình vẽ biểu tượng cho 4 nhóm nhân tố Hoàng đạo trong thần thoại Hy Lạp: khí, lửa, nước và đất. Sáng sáng thầy hay cô ra vườn tưới cây. Trong vườn có mấy cây lựu và cây táo tàu. Kiến Đen bị coup d’amour (tiếng sét ái tình) uýnh cái rầm với… cây táo tàu. Bởi lẽ từ nhỏ Kiến Đen vốn “hảo xực” món táo tàu khô bán ở mấy tiệm thuốc bắc (hồi đó Kiến Đen rất khoái ba mẹ mình uống thuốc Bắc khi bệnh để mình được hưởng ké mấy quả táo tàu kèm theo thang thuốc), và sau này từng có dịp đi tới tận xứ sở táo tàu ở Thành Đô, Tây An bên Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên được ăn táo tàu chín cây. Hảo hảo!
Khu vườn nhỏ nơi tóm thâu vũ trụ
Luôn ngập tràn ánh sáng của thương yêu (*)
Thầy Trang khoe trái bí đỏ mà thầy trồng được trong vườn nhà.
KIẾN ĐEN chụp hình và chú thích.
(Elk Grove 9-2010)
—–
(*) Thơ Phạm Hồng Phước, 40 năm và 4 ngày.